Nhân tài và phát triển phương thức tuyển chọn nhân tài lãnh đạo, quản lý:

Bài 1: Nhân tài là ai và họ như thế nào?

- Thứ Năm, 04/05/2023, 14:33 - Chia sẻ

TS. Nhị Lê - Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản

Lời tòa soạn: Nhân tài là nguyên khí của đất nước, là gốc rễ mọi sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của xã hội. Việt Nam không thể trở nên hùng cường và Dân tộc không thể trường tồn, nếu không tôn vinh, trọng dụng con người, nhất là chưa đối đãi xứng đáng với trí thức, nhất là với những bậc hiền tài. Hiện nay, càng đổi mới toàn diện, đồng bộ, hơn hết bao giờ, chúng ta trước hết và cuối cùng càng cần chọn đúng và dùng đúng những người tài mang ý nghĩa quyết định! 

Báo Đại biểu Nhân dân giới thiệu loạt bài của TS. Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản xoay quanh chủ đề: “Nhân tài và phát triển phương thức tuyển chọn nhân tài lãnh đạo, quản lý”.

Bài 1: Nhân tài là ai và họ như thế nào? -0

Về nhân tài nói chung, nhân tài lãnh đạo, quản lý nói riêng, có lẽ tới cả thiên kinh vạn quyển, suốt cả trăm năm nay, đã bàn rồi. Nó gồm nhiều đẳng cấp, tối thiểu sáu loại: một là, thánh nhân; hai là, vĩ nhân; ba là hiền tài (hay người hiền hay là hào kiệt); bốn là, nhân tài; năm là, người tài năng và sáu là, người giỏi. Ở đây, gọi chung là nhân tài.

Kiến thiết phải có nhân tài

Cách nay hơn 530 năm, Đông các Đại học sĩ Thân Nhân Trung viết: Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí làm công việc quốc gia căn bản... Và, hơn 230 năm trước, Hoàng đế Quang Trung lại nói: Dựng nước lấy việc học làm đầu; muốn thịnh trị lấy nhân tài làm gốc.

Gần 78 năm trước, trong tác phẩm “Nhân tài và kiến quốc”, ngày 16.11.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: Kiến quốc có chắc thành công thì kháng chiến mới mau thắng lợi. Kiến thiết thì phải có nhân tài.

Nhưng, nhân tài là ai và họ như thế nào?

Lâu rồi, và càng gần nay, việc tuyển chọn, trọng dụng đúng nhân tài càng cấp bách. Rất nhiều bàn luận về nhân tài, bao nhiêu cuộc hội thảo ở mọi cấp, thậm chí tại nghị trường Quốc hội khóa XIV cũng bàn định một chiến lược về nhân tài... Song, từ diện mạo chân nhân tài ra sao, tư chất và phẩm hạnh nhân tài như thế nào, tới xây dựng định chế mời gọi, cơ chế chiêu hiền, tuyển chọn ra sao cho đúng và kế sách trọng dụng, đối đãi với nhân tài như thế nào cho xứng đáng… vẫn đang là trọng sự chưa có lời kết.    

Dưới góc độ tổ chức xã hội và góc nhìn quốc gia, ai sẽ là người tài nhất trong những nhân tài, thậm chí cả những thiên tài ấy? Tới đây, chợt nhớ một trên tấm bia mộ của một nhà doanh nghiệp Hoa Kỳ nổi tiếng có khắc những dòng thơ (tạm dịch): Nơi đây yên nghỉ một người mà tài nhất là nhìn ra, lôi cuốn và trọng dụng được những người giỏi hơn mình.

Nhưng, nhân tài là người như thế nào?

Nhìn khái lược từ xưa, ở khắp mọi thời, vẫn thấy, bao người phải thân bại danh liệt  vì “can tội tài hơn người khác”, bao bậc anh hùng phải thất cơ lỡ vận, thậm chí phải bỏ mạng bởi những kẻ “dao trong tay áo”, vì “lời xiểm nịnh sắc hơn gươm giáo”; bao trang tuấn kiệt, kinh bang tế thế phải “ngậm oan thế kỷ”, bởi “chữ tài liền với chữ tai một vần”, thậm chí cả cái “chết cho chân lý đến muộn”, bởi những “ao tù nước độc”, những kẻ bán buôn quyền lực, khiến cho nhân tài đại bại khiến cả “giời xanh đổ lệ tiếc thương”!

Tổng hòa, nói gọn lại, có thể hình dung, nhân tài là người trước nhất nghĩ ra điều chưa ai nghĩ được, nhìn thấy điều chưa ai nhìn thấy, nói những điều không ai có thể nói hoặc dám nói đầy tính phản biện, làm những việc không ai dám hoặc có thể làm được, tổ chức hành động và truyền cảm hứng phát triển thì không ai có thể sánh bằng. Nhưng, khi bình công xét thưởng, lại là người giấu mình, chối bỏ hoặc bất đắc dĩ phải ra, lại đi sau cùng trong chuyện tôn vinh danh tiếng, càng đi sau cùng trong lúc hưởng thụ, thậm chí chối từ hay quyết không nhận mọi sự tấn phong, đối đãi.

Xưa nay, họ là một lực lượng lớn, nhân tố quyết định sự thành công của công cuộc kiến thiết và phát triển đất nước. Thời thịnh trị, nhân tài nở rộ như hoa, đua chen muôn giọng; thời suy vi, “tuấn kiệt như sao buổi sớm” và “sỹ phu ngoảnh mặt”! Vì sao vậy? Xét cho cùng, tất cả bởi ở lỗi của người có quyền chọn, dùng người tài, ở tội của những người cầm cân nảy mực và lỗi của thể chế trong việc tìm kiếm, tuyển chọn và trọng dụng con người, nhất là nhân tài.                           

Và, nay, nếu nhìn theo phương diện đó, chẳng phải còn bao khiếm khuyết với nhân tài, thậm chí còn không ít lỗi lớn rất tinh vi, biến ảo hơn khiến không ít nhân tài thúc thủ, thậm chí rũ áo, khoanh tay; khiến bao nơi “rối như canh hẹ” vì “nhất bên trọng, nhất bên kinh” trong đối đãi với nhân tài; khiến không ít tổ chức nguy ngập như “trứng để đầu đẳng” bởi không ít người có thân mang trọng trách nhưng lại bao vây, trù dập nhân tài, làm lòng người hoang mang, thậm chí nổi giận…   

Điều cần cảnh báo là, sự hẹp hòi, thiển cận, thói tỵ hiềm của không ít người giữ trọng sự; sự thiếu hụt thể chế hoặc sự chật hẹp pháp luật lại nhiều “khoảng trống” của không ít thể chế đã làm cho thật giả lẫn lộn ở không ít nơi hoặc phân biệt đối xử hoặc trói buộc nhân tài trên không ít lĩnh vực… khiến cho ngụy nhân tài lấn lướt chân nhân tài, sự tài giỏi, thiện lương bị cô lập, còn thói giả trá, thậm chí cả sự thất nhân tâm lũng đoạn. Sinh thời, V.I.Lenin từng cảnh báo, chính sự “kiêu ngạo cộng sản”, nhất là ở đây trong việc tuyển chọn và trọng dụng nhân tài, là con đường ngắn nhất dẫn tới sự sụp đổ của chính quyền Xô-viết.       

Nhân tố quyết định thành công của đường lối là đội ngũ cán bộ

Một quốc gia may mắn là quốc gia có nhiều bậc hiền tài. Bất kỳ quốc gia nào, dù ở thể chế nào, suy cho cùng không thể không được dẫn dắt bởi đội ngũ tinh hoa, tức là nhân tài về chính trị, quản trị và kỹ trị, mà ở đây với hai loại công việc lãnh đạo và quản lý mà họ đảm trách mang tầm sứ mệnh. 

Thực tiễn lịch sử 93 năm qua, nhất là gần 78 năm cầm quyền của Đảng xác tín: Sau khi có đường lối chính trị đúng, nhân tố quyết định thành công của đường lối chính là đội ngũ cán bộ, trước hết đội ngũ lãnh đạo, quản lý các cấp và bộ máy tổ chức tương xứng.

Diễn đạt một cách khái quát, nếu những nhà lãnh đạo chế ngự hoàn cảnh - những ngoại vi không ổn định, bất thường, mơ hồ và đôi khi có vẻ chúng chống lại, thậm chí hạ gục nếu chúng ta lơ là; thì những nhà quản lý lại phục tùng, thậm chí quy phục, đầu hàng hoàn cảnh. Nếu nhà lãnh đạo đổi mới, thì nhà quản lý trông nom. Nếu nhà quản lý là một bản photocopy, thì nhà lãnh đạo là bản gốc. Nếu nhà quản lý làm nhiệm vụ duy trì thì nhà lãnh đạo có trọng trách phát triển. Nếu nhà quản lý tập trung vào hệ thống và cấu trúc, thì nhà lãnh đạo tập trung vào con người. Nếu nhà lãnh đạo xây dựng lòng tin, thì nhà quản lý nặng về kiểm soát. Nếu nhà quản lý có tầm nhìn ngắn hạn, thì nhà lãnh đạo có tầm nhìn dài hạn. Nếu nhà quản lý cần sự noi gương và làm theo, thì nhà lãnh đạo phải cần sự bắt đầu và sáng tạo... Những người làm công việc ấy, họ là chính trị gia, quản trị gia, kỹ trị gia, khoa học gia… -  những người thay mặt Đảng và Nhà nước ta dẫn dắt xã hội, quản trị quốc gia nhằm vươn tới sự phát triển toàn diện, mạnh mẽ, văn minh và tiến bộ.

Do đó, từ thực tiễn đổi mới 37 năm qua, với tư cách là một Đảng cầm quyền, Đảng tiếp tục đổi mới và đột phá chọn đúng người nhằm xây dựng cho kỳ được đội ngũ người đứng đầu thật sự tài năng của các cấp ủy, cơ quan nhà nước, doanh nghiệp xứng đáng là đội ngũ thủ lĩnh ở tất cả các phương diện gánh vác trách nhiệm dẫn dắt Nhà nước và xã hội, bằng Nhà nước để quản trị đất nước, là một trong những nhiệm vụ căn bản. Đây khâu đột phá then chốt, có ý nghĩa thành bại. Vì, đường lối chính trị phải được thực hiện trực tiếp và trước hết bởi đội ngũ người đứng đầu đồng thời là thủ lĩnh một cách xứng đáng và ngang tầm, với tư duy mới về đảng cộng sản cầm quyền, về chiến lược phát triển đất nước, về sự vận động và xu thế phát triển của thế giới ngày nay… nhằm định vị chiến lược quốc gia, tạo nên sức mạnh, uy tín và danh hiệu xứng đáng của đất nước trong thế giới. Đến lượt việc đột phá xây dựng đội ngũ dẫn dắt quốc gia, nói cách khác là đội ngũ người đứng đầu các cấp, trước hết là cấp chiến lược, dù lãnh đạo hay quản lý, phải nhằm tạo dựng kỳ được rường cột của bộ máy tổ chức các cấp một cách tổng thể, tạo nên sức mạnh tổng hợp của đội ngũ lãnh đạo, quản lý và chuyên gia thật sự tài năng của toàn bộ hệ thống chính trị tương dung, ngang tầm với đường lối chính trị, với yêu cầu thực tế phát triển đất nước, nhịp bước cùng thời đại.

Nói cách khác, sau khi có đường lối chính trị đúng, thì đồng thời việc cơ bản tiếp theo là, chọn đúng người tài và thay người là vấn đề rất quan trọng, có ý nghĩa thành bại trong lãnh đạo và quản trị quốc gia, nếu không nói là quyết định thành công của công việc cầm quyền dẫn dắt, quản trị và phát triển quốc gia.

Đó là cái gốc bảo đảm sức mạnh và uy tín của Đảng, nhân tố có ý nghĩa sự thành bại công cuộc cầm quyền của Đảng hiện nay và tương lai, một trong những nhân tố căn bản làm nên vị thế, sức mạnh, uy tín quốc gia. 

Tư chất của nhân tài lãnh đạo, quản lý, quản trị

V.I.Lenin nói: Lý do tồn tại của tổ chức đảng, và các lãnh tụ xứng đáng với danh hiệu đó là, ngoài nhiều điểm khác, đảng và lãnh tụ còn phải thông qua một công tác lâu dài, kiên cường, thiên hình vạn trạng nhiều mặt của tất cả các đại biểu giác ngộ của giai cấp mình mà thu hoạch được những kiến thức cần thiết - ngoài kiến thức và kinh nghiệm là tính nhạy bén chính trị cần thiết để giải quyết một cách chính xác và mau lẹ những vấn đề chính trị phức tạp. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói cụ thể: Người lãnh đạo đúng đắn cần phải: Khi thất bại không hoang mang, khi thắng lợi không kiêu ngạo. Khi thi hành các nghị quyết kiên quyết, gan góc, không sợ khó khăn. Những người luôn luôn giữ đúng kỷ luật.

Theo đó, có thể nhận diện tư chất nhân tài lãnh đạo, quản lý, về phẩm chất chính trị và đạo đức, trước hết là sự trung thành, mẫn cán và sáng tạo. Hai là, sự trong sáng và không vụ lợi. Ba là, dám chịu trách nhiệm và biết hy sinh. Bốn là, trung thực và không xu thời. Năm là tự biết xấu hổ với chính mình. Sáu là, khiêm cung, tự biết giấu mình. Nói khái lược, họ là hiện thân của nhân tính, cao hơn là nhân cách làm người. Nhưng, nói như B. Franklin, không bao giờ có một người thực sự vĩ đại mà lại không phải là một người thực sự đạo đức.

Về năng lực trí tuệ, trước hết, cần có khả năng tiên lượng hợp quy luật, hợp lòng người và thuận lẽ tự nhiên. Thứ hai, cần có tầm nhìn xa trông rộng đồng thời có khả năng định chế thiết thực và tính khả thi cao. Thứ ba, có óc thực tế, óc kiên định và óc phản biện quyền biến, mềm dẻo. Thứ tư, phải vừa bao quát vừa sâu sát, cụ thể hay nói cách khác vừa có óc chiến lược vừa có khả năng ứng phó sách lược an toàn và hiệu quả. Thứ năm, kiến thức phải vừa rộng lại phải vừa sâu ngang tầm với công việc và lĩnh vực mình đảm trách. Thứ sáu, vừa đột phá vừa thận trọng vừa quyết đoán trên nền một sức bật chuyên môn hùng hậu, nền tảng văn hóa chính trị phong phú, dày dạn và nhân văn. Thứ bảy, năng lực ra quyết định. Nói một cách hình ảnh, họ vừa là bộ óc vừa là trái tim. Nhưng, nói như  J.W.Goethe, trước bộ óc vĩ đại tôi cúi đầu, nhưng trước một trái tim vĩ đại tôi quỳ gối.

Về phương pháp và phong cách làm việc, thứ nhất, phải biết vừa khái quát vừa cụ thể; phải có gan nghĩ việc, có gan quyết đoán, có gan làm việc và có gan chịu trách nhiệm trước tập thể, trước cấp trên và toàn xã hội. Thứ hai, phải mềm dẻo về hành xử nhưng cứng cỏi trong biện luận, thuyết phục; nghe tất cả, nhìn tất cả nhưng quyết sách phải độc lập, cơ bản trên cơ sở ý kiến tập thể; phải chủ động trước mọi sức ép để kiên quyết hành động, thực hiện kỳ được điều khó nhất: mục tiêu có một nhưng phương án thực thi phải hàng chục, hàng trăm. Thứ ba, về nghệ thuật tổ chức, cần bao quát nhưng không hời hợt; luôn tập hợp xung quanh mình những người giỏi cùng làm việc, luôn niềm nở và lịch thiệp đối với họ, tự hào về họ, và kiên quyết bảo vệ họ, dĩ nhiên không tự đề cao mình. Sau cùng, với chính mình, phải dũng cảm thừa nhận sai lầm, khuyết điểm, nhược điểm của mình và cầu thị sửa chữa. Nói một cách ví von, trước sự thất bại, trước cái chết, chúng ta cần một người dẫn dắt ra khỏi sự sợ hãi để tiếp tục tiến lên, họ là hiện thân của lý tưởng và dũng khí. Và, nói như Lev Tolstoy, lý tưởng là ngọn đèn sáng chỉ đường; không có lý tưởng không có phương hướng xác định, không có phương hướng thì không có cuộc sống.

Nói khái lược, nhân tài lãnh đạo, quản lý hội tụ trong mình phẩm giá, sức mạnh dân tộc và tinh khí thời đại mang hình hài và tư chất riêng có để làm thiên chức quy tụ, dẫn dắt, tổ chức và truyền cảm hứng để cùng mọi người, cộng đồng và quốc gia phát triển một cách văn minh, tiến bộ và nhân văn.

#