Bảo đảm tính chủ động, tự chủ của chính quyền địa phương
Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) gồm 5 chương, 32 Điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.3.2025.
Theo Luật, Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội. Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo công tác trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung phiên họp. Ảnh: Hồ Long
Chính phủ gồm Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ. Cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội quyết định. Cơ cấu tổ chức của Chính phủ gồm các Bộ, cơ quan ngang Bộ. Việc thành lập, bãi bỏ Bộ, cơ quan ngang Bộ do Chính phủ trình Quốc hội quyết định.
Luật quy định, Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình; về kết quả, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của bộ máy hành chính nhà nước; về các chủ trương, chính sách do mình đề xuất với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Chính phủ báo cáo công tác của Chính phủ với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước một năm hai lần. Chính phủ báo cáo công tác đột xuất theo yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung phiên họp. Ảnh: Hồ Long
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phân cấp cho Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ với tư cách là người đứng đầu Bộ, cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Hội đồng nhân dân, UBND, Chủ tịch UBND, trừ trường hợp pháp luật quy định không được phân cấp.
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ phân cấp cho HĐND, UBND, Chủ tịch UBND, tổ chức, đơn vị trực thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, trừ trường hợp pháp luật quy định không được phân cấp.
Cũng theo Luật, Thủ tướng Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội về hoạt động của Chính phủ và hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương; về các quyết định và kết quả thực hiện các quyết định của mình trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Toàn cảnh Quốc hội thông qua Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi). Ảnh: Hồ Long
Đồng thời, thực hiện báo cáo công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước; giải trình, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, trường hợp cần thiết thì ủy quyền cho Phó Thủ tướng Chính phủ thực hiện.
Thủ tướng Chính phủ thực hiện chế độ báo cáo trước Nhân dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng về những vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ thay mặt Chính phủ hoặc ủy quyền cho thành viên Chính phủ thay mặt Chính phủ ký các văn bản của Chính phủ.
Bỏ quy định về phân cấp tiếp, tránh tạo khâu trung gian
Trước đó, trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, về phân quyền (Điều 7), có ý kiến đề nghị thay cụm từ “chính quyền địa phương” bằng cụm từ “chính quyền địa phương cấp tỉnh” tại khoản 1 Điều 7 (khoản 2 của dự thảo Luật mới).
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ nội dung này như dự thảo Luật để thực hiện đúng chủ trương của Đảng về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cấp nào làm tốt, hiệu quả thì giao trực tiếp cho cấp đó, không chỉ phân quyền đến cấp tỉnh sẽ thu hẹp phạm vi phân cấp, phân quyền, không tạo sự chủ động cho Chính phủ trong điều kiện dự thảo Luật đã bỏ quy định về phân cấp tiếp để tránh tạo ra khâu trung gian.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi). Ảnh: Hồ Long
Có ý kiến đề nghị sửa khoản 5 (khoản 4 của dự thảo Luật mới) thành: Chính quyền địa phương chủ động phối hợp liên kết nội vùng và liên vùng trong phát triển kinh tế - xã hội thuộc phạm vi được phân quyền trên cơ sở quy hoạch vùng có sự giám sát và điều phối của Chính phủ.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ quy định này như dự thảo Luật để bảo đảm khái quát vì việc liên kết vùng và liên vùng ngoài cơ sở là quy hoạch vùng còn căn cứ vào các quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành, các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội có liên quan; trách nhiệm lãnh đạo, điều phối chung của Chính phủ đối với chính quyền địa phương các cấp đã thể hiện tại Điều 10 của dự thảo Luật.
Về phân cấp, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định chủ thể nhận phân cấp có đủ điều kiện thực hiện phân cấp thì chủ thể phân cấp không cần bảo đảm điều kiện.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu và thể hiện tại khoản 3 Điều 8 của dự thảo Luật.
Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, người phân cấp chậm trễ trong việc sửa đổi các quy định pháp luật, dẫn đến việc thực hiện các nhiệm vụ phân cấp không bảo đảm hiệu lực, hiệu quả.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy nội dung này đã thể hiện chung trong trách nhiệm của cơ quan, người phân cấp tại khoản 4 Điều 8 trong việc “Cơ quan, người phân cấp có trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đã phân cấp, bảo đảm các nội dung phân cấp được thực hiện hiệu lực, hiệu quả”, việc liệt kê trong Luật sẽ không bảo đảm đầy đủ, bao quát các tình huống phát sinh trên thực tế.