Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) được thành lập ngày 16.9.2013 trên cơ sở hợp nhất giữa Tổng công ty Tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC) và Ngân hàng TMCP Phương Tây (WesternBank). Ngày 1.10.2013, PVcomBank chính thức hoạt động với vốn điều lệ 9.000 tỷ đồng.
Theo dữ liệu tài chính mới nhất được PVcomBank công bố trên website, quý 2.2022, nhà băng này có mức thu nhập lãi thuần đạt 506 tỷ đồng, chỉ số này đi ngang so với cùng kỳ năm 2021.
Trong kỳ, lãi từ hoạt động dịch vụ của ngân hàng đạt 86 tỷ đồng, giảm 25,9 % so với cùng kỳ năm trước. Ở chiều ngược lại chi phí hoạt động tăng 9% so với cùng kỳ lên mức 761 tỷ đồng. Kết quả, PvcomBank báo lãi sau thuế chỉ đạt 6,8 tỷ đồng. giảm 84,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Đáng chú ý, mức lợi nhuận sau thuế quý 2.2022 của PVcomBank tiếp tục suy giảm so với các quý gần kề, như quý 1.2022 là 36 tỷ đồng, quý 4.2021 là 81 tỷ đồng. Riêng quý 3.2021, nhà băng này báo lỗ 46 tỷ đồng.
Luỹ kế 6 tháng năm 2022, PvcomBank ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt mức 1.097 tỷ đồng, nhích nhẹ so với cùng kỳ năm trước đó. Hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh tăng 327,6% lên mức 161 tỷ đồng; Lãi từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư tăng lần lượt 128,6% lên mức 363,6 tỷ đồng; Lãi từ hoạt động dịch vụ tăng nhẹ 5,3% đạt 197 tỷ đồng.
Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh ngoại hối của PVcomBank ghi nhận lỗ hơn 51,6 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước lỗ gần 15,5 tỷ đồng); Thu nhập từ góp vốn mua cổ phần giảm tới 75,3% xuống còn 6,5 tỷ đồng. Kết quả, 6 tháng đầu năm, PVcomBank lãi sau thuế đạt 43 tỷ đồng, giảm 17,4 % so với cùng kỳ một năm trước.
Thời điểm 30.6.2022, tổng tài sản của PVcomBank đạt 196.473 tỷ đồng, tăng 2,4% so với hồi đầu năm. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 6,5%, đạt 94.495 tỷ đồng; tiền gửi của khách hàng đạt 155.550 tỷ đồng, tăng 4% so với thời điểm đầu năm.
Về chất lượng cho vay, hết quý 2.2022, nợ xấu của PvcomBank đạt mức 3.030 tỷ đồng. Trong đó, đáng chú ý có sự dịch chuyển từ nhóm nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3), nợ nghi ngờ (nhóm 4) sang nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5). Dẫn tới, nợ nhóm 5 tăng 38,2% lên mức 2.144 tỷ đồng, chiếm 70,7% tổng nợ xấu của PVcomBank. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của PvcomBank khi kết thúc quý 2.2022 là hơn 3,2%.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước từng đưa ra "ngưỡng trần" nợ xấu các ngân hàng ở mức 3%, nhằm đánh giá chất lượng tài sản. Khi ngân hàng không kiểm soát được nợ xấu dưới mức này sẽ bị giới hạn hoạt động theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, như không được mua trái phiếu doanh nghiệp, cấp tín dụng cho khách hàng đầu tư kinh doanh cổ phiếu hay không được mua và nắm giữ cổ phiếu nhà băng khác..
Theo báo cáo dư nợ cho vay theo ngành, cuối quý 2.2022, PVcomBank đang cho vay vào hoạt động kinh doanh bất động sản đạt mức 9.778 tỷ đồng chiếm 10,3% dư nợ cho vay của ngân hàng này. Tuy nhiên, trên thực tế, dòng vốn chảy vào bất động sản có thể còn nhiều hơn con số này vì tiền vào bất động sản có thể thông qua kênh “vay tiêu dùng”.
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ cho thấy, dòng tiền hoạt động kinh doanh của PVcomBank tính đến ngày 30.6.2022 đang âm tới 258 tỷ đồng; Dòng tiền hoạt động đầu tư âm 77 tỷ đồng; Trái ngược, dòng tiền hoạt động tài chính lại dương tới 248,960 tỷ đồng nhờ nguồn tiền từ phát hành giấy tờ có giá dài hạn.