Phép vua thua lệ làng?
Trâu bò ra đồng phải đóng phí cỏ - chuyện tưởng chừng vô lý nhưng lại là thực tế đã xảy ra rất nhiều năm tại xã Thiệu Dương, TP Thanh Hóa.
Theo phản ánh của người dân nơi đây, nhà nào có trâu, bò muốn được thả ra đồng thì phải đóng những khoản phí vô lý cho hợp tác xã, với mức thu được đưa ra là 100.000 đồng phí đồng cỏ/con/năm, 300.000 đồng tiền thế chấp chăn thả gia súc, gia cầm. Không riêng gì các hộ chăn nuôi trâu, bò mà những người có máy gặt đập cũng phải đóng tiền “đặt cọc” cho hợp tác xã khi muốn đầu tư máy móc phục vụ nông nghiệp trên địa bàn.
Sau khi kiểm tra việc thu phí trái quy định tại địa phương này, UBND TP Thanh Hóa đã yêu cầu hợp tác xã phải hoàn trả số tiền thu phí đồng cỏ, tiền thế chấp của các hộ chăn nuôi trâu, bò cho người dân trước ngày 30.4. Thế nhưng, một câu hỏi lớn được đặt ra là các khoản thu trái quy định được hợp tác xã này áp dụng đã lâu, tại sao không được các cấp có thẩm quyền biết đến, mà chỉ đến khi báo chí thông tin, dư luận bức xúc mới được kiểm tra và giải quyết?
Thực tế, chuyện lạm thu, tận thu phí và lệ phí hay đóng góp “tự nguyện” nhưng tùy tiện ở nhiều địa phương đã từng được cảnh báo rất gay gắt trong chuyên đề giám sát của Quốc hội. Nhiều địa phương, đặc biệt là cấp xã, thôn “đẻ” ra hàng chục loại phí và biến tướng thành các khoản “đóng góp tự nguyện” nhưng người dân không đóng… không xong. Từng có chuyện những đứa trẻ mới sinh đã phải đóng hàng loạt các loại quỹ từ thôn đến xã; rồi cả chuyện thu phí cầu đường người dân qua lại ở thôn, xóm. Một nghịch lý nữa là có những nơi người dân phản đối khoản thu trái quy định nhưng cũng nơi lại nhận được sự ủng hộ vì cho rằng “hợp tình” và theo đúng quy ước làng xã.
Đó là câu chuyện tại thôn Nội, xã Văn Hoàng, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội khi 19 năm nay, nơi đây đã lập trạm thu tiền phương tiện khi lưu thông qua cầu bắc qua sông Nhuệ. Tất cả người dân không phải là dân thuộc xã Văn Hoàng đều phải trả phí. Một trong những lý do về việc thu phí được đưa ra là bởi cây cầu được xây dựng từ năm 1998 nhằm phục vụ nhu cầu đi lại, sản xuất canh tác của người dân. Do kinh phí xây dựng cầu lúc ấy là khá lớn, nên sau khi cầu hoàn thành, buộc phải thu phí để duy tu, bảo dưỡng. Rõ ràng, theo Luật Phí lệ phí, đây không phải là khoản phí lệ phí được pháp luật quy định nên việc thu là sai, thế nhưng với người dân nơi đây, việc thu phí như vậy lại rất hợp lý.
Từ những câu chuyện lạm thu, tùy tiện áp đặt “phí”, “lệ phí” vô lý như thế, đã xảy ra trong thời gian dài nhưng không được giải quyết triệt để, dứt điểm, đã khiến không ít người đặt ngược câu hỏi, đâu là nguyên nhân dẫn tới chuyện “phép vua thua lệ làng”? Nguyên nhân có nhiều, nhưng chủ yếu vẫn là sự buông lỏng quản lý của địa phương, lĩnh vực phụ trách. Kèm theo đó là hệ thống pháp lý, hệ thống phí và lệ phí chưa đầy đủ, chưa được quy định rõ ràng, chi tiết khiến người dân không rõ khoản phí phải nộp có đúng quy định pháp luật hay không.
Hiện ở nông thôn có bao nhiêu khoản lệ phí, người dân phải đóng những loại thuế, phí nào do xã, thôn đề ra, vẫn là câu hỏi lớn chưa có lời đáp. Bởi ai dám chắc, những địa phương khác không tự đặt ra những loại thuế vô lý? Điệp khúc dân thảo luận, nhất trí đóng nộp theo đúng quy trình, theo tinh thần “tự nguyện” vẫn được vận dụng mỗi khi đưa ra loại phí, lệ phí nào đó ở địa phương, thế nhưng, khi những sự việc nọ, vấn đề kia được báo chí phản ánh, địa phương đó lại “chữa cháy” bằng những cụm từ quen thuộc “sẽ xem xét và rút kinh nghiệm”. Đây chính là nguyên nhân dẫn tới tình trạng nhờn luật, coi thường pháp luật và việc tận thu thuế, phí vẫn cứ thế tiếp diễn ở nhiều nơi.
Thiết nghĩ, mỗi khi sự việc bị phanh phui, thay vì chỉ dừng lại ở mức độ “xin lỗi” và “trả lại tiền”, cần làm rõ trách nhiệm thuộc về ai và xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân sai phạm. Có như vậy mới mong lấy lại niềm tin của người dân, giúp tránh xảy ra trường hợp sai phạm tương tự ở địa phương khác.