Tỷ lệ khách vay "không trả nợ" ngày càng cao
Sáng 25.4, Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức tọa đàm “Thực trạng và giải pháp phát triển lành mạnh thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam”.
Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư TS.Nguyễn Anh Tuấn cho biết thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam có vai trò và tiềm năng rất lớn, tuy nhiên thực tế cho thấy đang bộc lộ nhiều vấn đề phức tạp, bất ổn khi cơ quan chức năng liên tục phát hiện, triệt phá nhiều tổ chức, cá nhân dấu hiệu vi phạm pháp luật trong hoạt động cho vay cũng như thu hồi nợ. Ở khía cạnh khác, nhiều doanh nghiệp thành viên thị trường phản ánh hoạt động cho vay tài chính tiêu dùng cũng đang gặp nhiều vướng mắc, do quy định pháp luật hiện hành còn nhiều bất cập.

Theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, tính đến 31.12.2022, tổng dư nợ 16 công ty tài chính đạt trên 220 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 1,87 % so tổng dư nợ toàn nền kinh tế và 8,5% dư nợ cho vay tiêu dùng toàn hệ thống. Dù tỉ lệ còn nhỏ so với tổng dư nợ nền kinh tế và dư nợ cho vay tiêu dùng toàn hệ thống song đã hỗ trợ được khoảng 30 triệu người tiếp cận được vốn vay với dư nợ bình quân khoảng 35-50 triệu đồng/người.
Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tài chính tiêu dùng, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Lê Quốc Ninh cho biết, hiện nay công ty tài chính (CTTC) tiêu dùng bị hạn chế rất nhiều nghiệp vụ (nhận tiền gửi cá nhân, làm dịch vụ thanh toán…). CTTC chỉ được phép huy động từ tiền gửi trên 12 tháng của doanh nghiệp trong khi các doanh nghiệp thường có xu hướng gửi tiền ở các ngân hàng để hưởng thêm các dịch vụ tài chính đi kèm. Vì vậy, để thu hút được tiền gửi của doanh nghiệp, các CTTC phải huy động với lãi suất cao, từ đó ảnh hưởng đến lãi suất cho vay mà người vay phải chịu.
Đáng chú ý, theo ông Ninh, tỷ lệ khách vay "không trả nợ" ngày càng cao; trong khi đó, chế tài với khách hàng này chưa có và việc khởi kiện lại khó thực hiện với các khoản nợ giá trị thấp. Thêm vào đó, gần đây xảy ra hiện tượng "rủ nhau" bùng nợ từ một bộ phận khách hàng sau những thông tin cơ quan điều tra khởi tố một số đối tượng đòi nợ "khủng bố", đòi nợ phản cảm nở rộ, gây những tác động xấu tới thị trường, ảnh hưởng lớn đến hoạt động thu nợ của các CTTC. Đến 31.12.2022, nợ xấu của các CTTC được Ngân hàng Nhà nước cấp phép tăng 23,09% so với thời điểm 31.12.2021 và có xu hướng tăng cao trong thời gian tới.
Việc khách hàng chậm trả nợ khiến cho các CTTC tiêu dùng phải tăng chi phí cho hoạt động nhắc nợ, đòi nợ bao gồm vận hành, nhân lực và chi phí pháp lý. Ngoài ra, theo quy định của cơ quan quản lý, các tổ chức cho vay bắt buộc phải trích lập dự phòng theo tình hình nợ xấu thực tế, làm ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng kinh doanh. Hậu quả là lãi suất cho vay bắt buộc phải được điều chỉnh tăng, tác động trực tiếp đến người đi vay.
Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tài chính tiêu dùng, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng cho biết với các khó khăn, vướng mắc nêu trên, đến hết quý I.2023, tốc độ tăng trưởng dư nợ so với tháng 12.2022 bị giảm (-3,8%), nợ xấu tăng cao và có nguy cơ ngày càng tăng.
Thiết kế hành lang pháp lý theo hướng bảo vệ cả người đi vay và cho vay
Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu cho biết, dự kiến Chính phủ sẽ trình Quốc hội Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) sửa đổi vào kỳ họp tháng Năm tới. Chiến lược phát triển tài chính toàn diện tầm nhìn đến 2025 và định hướng đến 2030 với nhiệm vụ chính là đảm bảo công bằng, toàn diện, bảo vệ lợi ích hợp pháp của cả người đi vay và cho vay. Vấn đề lớn nhất hiện nay là thi hành như thế nào?
Có 3 vấn đề lớn: Thứ nhất là thiếu khung pháp lý. Thứ hai là thực thi, nếu thực thi có hiệu quả thì quy định hiện hành đã giải quyết được phần lớn hiện trạng. Thứ ba, một môi trường kinh doanh công bằng, hiệu quả cho các chủ thể khác nhau (TCTD, công ty tài chính và các tổ chức khác), cần môi trường cạnh tranh, công bằng, minh bạch.
Vậy, có nên hay không một khung pháp lý dành riêng cho hoạt động cho vay tiêu dùng khi không thể áp dụng luật TCTD cho các công ty tài chính? Có nên gắn các quy định này tại Luật Các TCTD sửa đổi? (hiện nay có chương 4 quy định về công ty tài chính). Điểm thứ 2 là vấn đề xử lý nợ cũng cần có quy định rõ ràng. Nên quy định xử lý nợ hay là xử lý nợ xấu?

Theo Ủy viên chuyên trách Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Bùi Mạnh Khoa, Bộ luật Dân sự đã có quy định nhưng các công ty tài chính cũng chưa sử dụng hết quyền của mình. Để phát triển lành mạnh thị trường, trước mắt các bên trong quan hệ cho vay tài chính cần sử dụng hết các quyền pháp luật hiện hành cho phép, yêu cầu cơ quan tố tụng chấp hành thụ lý giải quyết được vụ án. Nếu các hiệp hội phản ánh đến cơ quan tư pháp về thủ tục rút gọn thì lâu dài sẽ làm được. Tiếp theo là kiến nghị sửa đổi luật.
Phát biểu bế mạc Tọa đàm, TS. Nguyễn Anh Tuấn cho rằng về lâu dài các đại biểu đều nhất trí cần phải nghiên cứu xây dựng Luật tín dụng tiêu dùng. Tiếp theo là lĩnh vực đòi nợ cần có chế tài cho việc vay nhưng chây ì trả nợ, không trả nợ, quy định đầy đủ cho hoạt động thu hồi nợ, đảm bảo sự hoạt động bền vững của các tổ chức tín dụng tiêu dùng.