OCOP mang đến cơ hội cho các sản phẩm làng nghề
Nhắc đến Phú Xuyên là nhắc đến “mảnh đất trăm nghề” với rất nhiều làng nghề truyền thống, nổi tiếng đang phát triển mạnh mẽ. Điển hình như làng nghề khảm trai Chuyên Mỹ đã có gần 1000 năm, làng nghề cỏ tế xã Phú Túc có lịch sử trên 300 năm, làng nghề may Comple xã Vân Từ, làng nghề giày da xã Phú Yên cũng đã có trên 100 năm; làng nghề nặn tò he ở thôn Xuân La xã Phượng Dực nghề độc nhất vô nhị ở Việt Nam đã có trên 300 năm. Đáng chú ý, bên cạnh những nghề truyền thống hàng trăm năm lịch sử, huyện Phú Xuyên còn phát triển nhiều nghề mới với nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ đáp ứng nhu cầu thị trường. Nhiều sản phẩm mẫu mã đa dạng, chất lượng cao, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng, có chỗ đứng tại thị trường trong nước và quốc tế.
Theo thống kê của UBND huyện Phú Xuyên, số hộ sản xuất tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn là 25.400 hộ, chiếm 39% tổng số hộ của cả huyện. Kinh tế của các hộ làm nghề thủ công cao hơn so với các hộ thuần nông, ước thu nhập bình quân của lao động làng nghề đạt 78 triệu đồng/người/năm. Nhận thức rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của chương trình OCOP, ngay từ những ngày đầu triển khai, huyện Phú Xuyên đã tích cực tuyên truyền, vận động, hỗ trợ các chủ thể sản xuất, kinh doanh tham gia xây dựng sản phẩm OCOP. Nhờ đó, nhiều chủ thể từ các làng nghề đã đăng ký tham gia và đạt được nhiều kết quả tích cực. Điển hình là sau khi các chủ thể có sản phẩm được thành phố và huyện công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP, tình hình sản xuất, kinh doanh có nhiều thuận lợi, tạo được uy tín với khách hàng, sức cạnh tranh sản phẩm trên thị trường tăng lên, doanh thu năm sau cao hơn năm trước, duy trì và tạo việc làm cho nhiều lao động.
Chủ cơ sở sản xuất sản phẩm đồ gỗ, khảm trai, mỹ nghệ xã Sơn Hà (xã Sơn Hà, huyện Phú Xuyên) Bùi Xuân Lợi chia sẻ, từ khi sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao, cơ sở sản xuất của ông đã nhận được sự quan tâm và hỗ trợ lớn từ phía chính quyền huyện. Các chương trình quảng bá, tham gia hội chợ, hoạt động tập huấn bán hàng online đã giúp cơ sở tiếp cận thị trường dễ dàng hơn. Điều này không chỉ nâng cao doanh số bán hàng, mà còn tăng nhận diện thương hiệu cho sản phẩm làng nghề. Còn ông Vũ Văn Đình chủ sở hữu 5 sản phẩm thủ công mỹ nghệ 4 sao của làng nghề khảm trai ở xã Chuyên Mỹ chia sẻ: “Sau khi được chứng nhận OCOP, chúng tôi được huyện hỗ trợ tham gia các lớp tập huấn bán hàng online và sử dụng các nền tảng: Facebook, TikTok... để quảng bá sản phẩm. Nhờ đó, thị trường của chúng tôi không còn bó hẹp ở địa phương, mà đã mở rộng ra toàn quốc, thậm chí xuất khẩu được một số sản phẩm. Điều này tạo động lực rất lớn để chúng tôi tiếp tục phát triển”.
Hiện, huyện Phú Xuyên có 231 sản phẩm OCOP, trong đó sản phẩm từ các làng nghề chiếm 70%. Phú Xuyên đang là một trong những huyện dẫn đầu thành phố Hà Nội trong thực hiện Chương trình OCOP. Đặc biệt, các sản phẩm đều phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh, góp phần xây dựng thương hiệu, tăng sức cạnh tranh trên thị trường và nâng tầm nông sản chủ lực của địa phương. Hiện nay, các chủ thể OCOP trên địa bàn huyện đều tích cực tham gia các hoạt động trưng bày, quảng bá, xúc tiến thương mại tổ chức tại thành phố và các tỉnh thành cả nước.
Đồng bộ hạ tầng và đẩy mạnh xúc tiến thương mại
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Trọng Vĩnh, phát huy tiềm năng, thế mạnh từ các làng nghề, huyện Phú Xuyên luôn quan tâm, khuyến khích các làng nghề tiếp tục cải tiến và hiện đại hóa công nghệ, quy trình và nguyên vật liệu sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng mẫu mã sản phẩm. Bên cạnh đó, coi trọng đào tạo, công nhận, tập hợp, tôn vinh đội ngũ nghệ nhân, thợ giỏi có tay nghề cao. Phú Xuyên cũng đa dạng hóa hình thức đào tạo nghề, truyền nghề và nâng cao năng lực quản trị cho chủ cơ sở sản xuất làng nghề; nâng cao thương hiệu làng nghề, chú trọng nâng cao hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh của hàng hóa làng nghề.
Huyện Phú Xuyên hiện có 3 xã được UBND thành phố Hà Nội công nhận có điểm du lịch làng nghề là: nghề may Vân Từ; khảm trai, sơn mài Chuyên Mỹ; giày da Phú Yên; huyện Phú Xuyên chọn ngày 26.10 hàng năm là ngày vinh danh làng nghề truyền thống, đến nay đã tổ chức được 8 kỳ lễ hội, vừa tôn vinh, vừa hỗ trợ quảng bá, tìm kiếm, mở rộng thị trường cho các làng nghề, cơ sở sản xuất, kinh doanh; huyện Phú Xuyên phấn đấu trở thành một trong những địa điểm quan trọng của thành phố Hà Nội về phát triển du lịch làng nghề, đưa thương hiệu làng nghề Phú Xuyên thành thương hiệu độc đáo, có tính chuyên biệt vùng miền với hàng loạt sản phẩm chất lượng cao, đa dạng, phát huy được nét đẹp văn hóa dân tộc.
Bên cạnh đó, để chương trình OCOP phát triển mạnh mẽ hơn nữa, huyện Phú Xuyên đang tập trung phát triển hạ tầng các cụm công nghiệp làng nghề, đẩy mạnh chuyển đổi số, mở rộng các kênh phân phối trực tuyến. Đối với phát triển hạ tầng, trên địa bàn huyện đã quy hoạch 12 cụm công nghiệp làng nghề với tổng diện tích hơn 114ha, trong đó có 4/12 cụm đã được thành lập với tổng diện tích hơn 30,5ha. Trong năm 2024, huyện đề nghị thành phố thành lập thêm 4 cụm công nghiệp làng nghề: Phượng Dực (7ha); Sơn Hà (5ha); Văn Hoàng (12,5ha), Nam Tiến (32ha) để hỗ trợ các làng nghề mở rộng mặt bằng sản xuất.
Trong bối cảnh thương mại điện tử và các nền tảng số đang phát triển mạnh mẽ, việc tiếp cận với khách hàng qua các kênh trực tuyến đang phát huy hiệu quả. Theo đó, huyện Phú Xuyên đã lập tài khoản Facebook và TikTok với tên “Làng nghề Phú Xuyên Hà Nội” phục vụ việc quảng bá và livestream bán hàng. Huyện đã tổ chức ba đợt tập huấn livestream bán hàng trên nền tảng số cho các cơ sở sản xuất kinh doanh tại các xã có nhiều làng nghề như Chuyên Mỹ, Phú Túc, Phú Yên, Tân Dân, Đại Thắng và Bạch Hạ.
Qua đó, các hộ kinh doanh đã học cách viết bài, chụp ảnh, làm video ngắn, biết cách kể câu chuyện sản phẩm cũng như cách livestream bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội để mở rộng thị trường, tăng doanh thu. Huyện còn hỗ trợ xây dựng biển chỉ dẫn làng nghề, không chỉ giúp duy trì bản sắc làng nghề mà còn giúp các sản phẩm OCOP Phú Xuyên có thêm cơ hội được tiếp cận với người tiêu dùng trong nước và quốc tế.
Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Trọng Vĩnh cũng cho biết, năm 2023, UBND huyện thành lập, khai trương sàn thương mại điện tử huyện có tên miền là http://phuxuyen.trangvangvietnam.top và đã có 325 doanh nghiệp, cơ sở đăng tin của gần 1.000 sản phẩm (trong đó có 114 sản phẩm OCOP) lên sàn thương mại. Trong những năm gần đây, huyện Phú Xuyên cũng phối hợp với các sở, ngành của thành phố tổ chức triển lãm, trưng bày, festival về sản phẩm OCOP và làng nghề. Ngoài ra, huyện Phú Xuyên cũng giới thiệu nhiều chủ thể có sản phẩm OCOP được chứng nhận tham gia tại các hội chợ do các sở, ngành của thành phố và các huyện bạn tổ chức. Sự đầu tư, hỗ trợ mạnh mẽ đó chính là chìa khóa để các sản phẩm OCOP làng nghề của Phú Xuyên vươn ra thị trường rộng lớn, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
(Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội)