Cần xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực đối với cán bộ, công chức, viên chức quản lý, người đứng đầu

- Thứ Năm, 06/06/2024, 19:17 - Chia sẻ

Ngày 6.6, tại Hà Nội, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra tổ chức Hội thảo góp ý hoàn thiện Dự thảo Báo cáo “Đề xuất chính sách, giải pháp và kế hoạch thực hiện chiến lược phòng, chống tham nhũng của Việt Nam giai đoạn 2022 - 2030”.

Dự hội thảo có: Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra Cung Phi Hùng; Điều phối viên Chương trình thực thi pháp luật và tư pháp, Cục Phòng chống Ma túy và thực thi Pháp luật Quốc tế - Bộ Ngoại giao Hoa kỳ Sam Juett; Trợ lý đại diện Thường trú, Trưởng Phòng Quản trị và Tham gia của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP Việt Nam) Sabina Stein, cùng đại diện các đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ, thanh tra các tỉnh.

0r2a4977.jpg -0
Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra Cung Phi Hùng phát biểu. Ảnh: An Nhiên

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra Cung Phi Hùng cho biết, hiện nay tình trạng tham nhũng vẫn diễn biến hết sức phức tạp trên nhiều lĩnh vực, nhất là lĩnh vực tổ chức cán bộ; quản lý tài chính, ngân sách, tài sản công, quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp; tham nhũng trong đầu tư, xây dựng, đấu thầu, đấu giá; đất đai, tài nguyên, khoáng sản; tín dụng, ngân hàng; thuế, hải quan và các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp.

Nguyên nhân chủ yếu là do cơ chế quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn hạn chế, bất cập; việc thực thi pháp luật chưa nghiêm, kết quả phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng chưa đủ sức răn đe; tổ chức bộ máy còn chồng chéo, chưa tinh gọn, hoạt động chưa hiệu quả; một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức suy thoái về chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống.

Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra Cung Phi Hùng cũng nhấn mạnh: Bước vào giai đoạn phát triển mới, trong điều kiện của nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; tham nhũng diễn biến ngày càng phức tạp, tinh vi; công cuộc phòng chống tham nhũng (PCTN) đang đứng trước những khó khăn, thách thức mới. Do đó, nhằm kế thừa những thành tựu đã đạt được và tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác PCTN, Chính phủ tiếp tục ban hành Chiến lược quốc gia PCTN đến năm 2030.

0r2a5010.jpg -0
Trợ lý đại diện Thường trú, Trưởng Phòng Quản trị và Tham gia, UNDP Việt Nam Sabina Stein phát biểu. Ảnh: An Nhiên

Trợ lý đại diện Thường trú, Trưởng Phòng Quản trị và Tham gia, UNDP Việt Nam Sabina Stein cho biết: Chống tham nhũng là trọng tâm trong chiến lược của UNDP Việt Nam. Trong hơn một thập niên, với sự hỗ trợ từ các đối tác phát triển, chúng tôi đã tích cực tham gia bằng nhiều cách khác nhau để hỗ trợ Việt Nam chống tham nhũng. Điều này bao gồm hỗ trợ nâng cao khuôn khổ pháp lý, nâng cao năng lực cho công chức, cán bộ Nhà nước, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội thúc đẩy hợp tác quốc tế.

0r2a4949.jpg -0
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: An Nhiên

Với Thanh tra Chính phủ, UNDP đã hỗ trợ sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và sau đó là triển khai thực hiện. Hiện nay, với Dự án về tăng cường năng lực của Việt Nam trong thực thi Công ước Liên Hợp Quốc về phòng chống tham nhũng (UNCAC), UNDP hỗ trợ Thanh tra Chính phủ Việt Nam rà soát một số quy định của UNCAC mà Việt Nam đang bảo lưu, xây dựng tài liệu đào tạo về quản trị tốt cho lãnh đạo các bệnh viện, rà soát chỉ số đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng cấp Bộ; tổ chức đối thoại chính sách về đánh giá và giám sát các mục tiêu về phòng, chống tham nhũng.

Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe chuyên gia dự án Nguyễn Việt Hoàng trình bày dự thảo báo cáo “Đề xuất chính sách, giải pháp và kế hoạch thực hiện chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng của Việt Nam giai đoạn 2022 - 2030”.

Theo đó, dự thảo báo cáo đã chỉ ra bối cảnh, mục tiêu, đối tượng sử dụng báo cáo; thực trạng thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng. Báo cáo cũng đề xuất kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đến năm 2030 và Công ước Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng giai đoạn 2023 - 2026 gồm các nhóm nhiệm vụ, gồm: Hoàn thiện chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; kiện toàn tổ chức bộ máy nhà nước, hoàn thiện chế độ công vụ, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức liêm chính; nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; nâng cao nhận thức, phát huy vai trò và trách nhiệm của xã hội trong PCTN, tiêu cực; tích cực tham gia, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về PCTN, trên cơ sở chú trọng thực hiện đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của quốc gia thành viên.

0r2a5041.jpg -0
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quyền con người - Quyền công dân, trường Đại học Luật - Đại học Quốc Gia Hà Nội GS.TS Vũ Công Giao phát biểu. Ảnh: An Nhiên

Tại hội thảo, nhiều đại biểu và chuyên gia đánh giá đề tài này có tính cấp thiết, có ý nghĩa cả về lý luận, thực tiễn cao. Theo GS.TS Vũ Công Giao - Trường Đại học Luật (Đại học Quốc Gia Hà Nội), đề tài đã đưa ra những gợi ý rất cụ thể về những việc phải làm, mà trọng tâm là xây dựng, thực hiện pháp luật, để giải quyết những vấn đề tồn tại từ lâu trong phòng, chống tham nhũng ở nước ta và đạt được các mục tiêu của Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2022 - 2023. Những giải pháp, khuyến nghị trong báo cáo có giá trị tư vấn cho các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện Chiến lược này. Hầu hết các giải pháp, kiến nghị có giá trị tham khảo trong thực tế."

Tuy nhiên, trong Nghị quyết số 168/NQ-CP ngày 11.10.2023 của Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đến năm 2030 thì ngoài vấn đề phòng, chống tham nhũng, cần phải phòng, chống tiêu cực. Như vậy, nên nghiên cứu bổ sung nội dung báo cáo theo hướng này, mặc dù trọng tâm vẫn là phòng, chống tham nhũng", GS. Vũ Công Giao góp ý.

0r2a5070.jpg -0
Viện trưởng Viện Quyền con người, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh PGS.TS Tường Duy Kiên phát biểu đóng góp ý kiến. Ảnh: An Nhiên

PGS.TS Tường Duy Kiên - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cũng đánh giá: Báo cáo nghiên cứu là một công trình nghiên cứu khoa học công phu, nghiêm túc của nhóm nghiên cứu. Tuy nhiên, ông cũng đưa ra góp ý: cần hoàn thiện hơn nữa nội dung của các nhóm giải pháp. Cụ thể, liên quan đến nhóm giải  pháp kiện toàn tổ chức bộ máy, chế độ công vụ, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức liêm chính cần xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực đối với cán bộ, công chức, viên chức quản lý, người đứng đầu, vị trí càng cao, kiểm soát càng phải chặt. Giống như quy định về kiểm soát quyền lực trong hoạt động tư pháp.

0r2a5031.jpg -0
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: An Nhiên

Kết luận hội thảo, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra Cung Phi Hùng đánh giá cao những ý kiến góp ý của các đại biểu và chuyên gia. Đồng thời nhấn mạnh, sẽ tiếp thu những ý kiến quý báu để hoàn thiện báo cáo trong thời gian sớm nhất để báo cáo có thể được ứng dụng rộng rãi trên toàn quốc.

An Nhiên
#