Hoàn thiện pháp luật về từ thiện nhân đạo

Bài cuối: Cần có một đạo luật

- Chủ Nhật, 10/07/2022, 05:57 - Chia sẻ

Để tạo hành lang pháp lý cho hoạt động từ thiện tiến hành minh bạch, hiệu quả và được kiểm soát chặt chẽ, cần quy định đầy đủ quyền và nghĩa vụ của tất cả chủ thể tham gia. Đây sẽ là cơ sở để Nhà nước đánh giá tính hợp pháp trong hành vi các chủ thể cũng như ranh giới pháp lý để các chủ thể tự định hướng, điều chỉnh hành vi của mình.

Không hành chính hóa  

Hoạt động từ thiện là truyền thống văn hóa, đạo đức tốt đẹp của dân tộc ta. Những năm gần đây, hoạt động kêu gọi, vận động để giúp đỡ địa phương, những hoàn cảnh khó khăn được tổ chức ngày càng nhiều. Do đó, các ý kiến đều cho rằng về lâu dài vấn đề này không chỉ dừng lại ở Nghị định mà cần có một đạo luật, hình thành khung pháp lý toàn diện để điều chỉnh bao quát tất cả hoạt động quyên góp, cứu trợ, thiện nguyện, bảo đảm lĩnh vực này được thực hiện minh bạch, tạo niềm tin cho các cá nhân, tổ chức tích cực tham gia.

Bài cuối: Cần có một đạo luật -0
Quy định rõ quyền và lợi ích của các chủ thể. Nguồn: ITN

Theo đó, trước hết cần có một cơ quan đầu mối, chuyên trách quản lý các hoạt động từ thiện. Cơ quan này sẽ quản lý hồ sơ của tất cả tổ chức muốn đăng ký trở thành chủ thể được phép vận động, tiếp nhận, phân phối, sử dụng các nguồn đóng góp phục vụ các mục đích được quy định rõ ràng. Bên cạnh đó sẽ thiết lập một website thông tin mọi hoạt động của các chủ thể, bao gồm danh sách đủ điều kiện làm từ thiện được phê duyệt, các báo cáo, kê khai thường niên... Đây cũng là kinh nghiệm của Hoa Kỳ khi người dân có thể kiểm tra bất kỳ tổ chức nào có đủ điều kiện làm từ thiện hay không bằng cách truy cập. Mọi thông tin về các tổ chức công cộng đủ điều kiện nhận các khoản đóng góp từ thiện đều được Sở Thuế vụ Hoa Kỳ niêm yết công khai.

Bên cạnh có những quy định chặt chẽ hơn về điều kiện để các chủ thể được làm từ thiện nhân đạo, không phân biệt tổ chức tư nhân hay tổ chức có nguồn tài trợ từ ngân sách nhà nước thì cần rà soát, hoàn thiện quy định về việc cá nhân làm từ thiện. Về cơ bản các quy định tại Nghị định số 93/2021/NĐ-CP đã khắc phục và giải quyết được những bất cập của Nghị định số 64/2008/NĐ-CP. Tuy nhiên, về lâu dài khi muốn thúc đẩy hoạt động từ thiện nhân đạo như một trong những nhân tố quan trọng của phát triển bền vững thì việc các cá nhân làm từ thiện sẽ khó bảo đảm được tính ổn định, bài bản.

TS. Nguyễn Quang Đức, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội lưu ý thêm, quy định chặt chẽ nhưng cần tránh hành chính hóa hoạt động từ thiện. Đây là yêu cầu cần thiết, bảo đảm hoạt động từ thiện được thực hiện theo đúng bản chất là quan hệ tư, xuất phát từ sự tự nguyện, không vụ lợi. Đồng thời giúp quá trình kêu gọi và phân phối các nguồn lực xã hội tiến hành một cách kịp thời, đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn.

Phân định rõ theo từng chủ thể

Ngoài các quỹ xã hội, quỹ từ thiện, hoạt động từ thiện nhân đạo ở nước ta còn có sự tham gia tích cực của nhiều chủ thể khác như Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội, các doanh nghiệp… Vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, cần tham khảo kinh nghiệm các nước để từ đó rà soát, bổ sung các quy định pháp lý về quyền và nghĩa vụ của tất cả chủ thể tham gia hoạt động từ thiện nhân đạo theo hướng có sự phân định rõ ràng theo từng vai trò như chủ thể tài trợ, chủ thể thụ hưởng, chủ thể trung gian...

Về nghĩa vụ của chủ thể tài trợ, TS. Trần Thị Hải Yến, Học viện Hành chính quốc gia cho biết, pháp luật Hoa Kỳ quy định chặt chẽ nhằm ngăn ngừa nguy cơ rửa tiền và tài trợ khủng bố thông qua hoạt động từ thiện. Các cá nhân, tổ chức phải kiểm tra, xác minh chủ sở hữu các tài khoản thụ hưởng trước khi chuyển tiền quyên góp; bị nghiêm cấm sử dụng những thông tin, ký hiệu, hình ảnh gây nhầm lẫn, hiểu sai về đối tượng thụ hưởng, mục tiêu gây quỹ hoặc bất cứ khía cạnh nào khác của hoạt động từ thiện.

Kinh nghiệm từ các nước cho thấy, các tổ chức từ thiện có nghĩa vụ nộp báo cáo định kỳ cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trong đó liệt kê các thông tin chi tiết về tổng số tài sản, nguồn gốc hình thành tài sản do các hoạt động gây quỹ và các hoạt động chi tiêu của tổ chức. Chẳng hạn, một số nơi ở Mỹ có quy định chặt chẽ hơn, đó là báo cáo tài chính của các tổ chức từ thiện phải đi kèm với báo cáo kiểm soát của một tổ chức kiểm toán độc lập, có giấy chứng nhận hoạt động hợp pháp. Các cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực từ thiện nếu có nhiều hơn 10.000 USD trong các tài khoản ở nước ngoài buộc phải báo cáo thông tin về tài khoản này, trong đó nêu rõ số dư cao nhất trong năm ngay cả khi tài khoản đã dừng hoạt động. Ngược lại, các tổ chức, cá nhân làm từ thiện sẽ được hưởng một số chính sách ưu đãi về thuế. 

TS. Nguyễn Quang Đức, Đại học Quốc gia Hà Nội đề xuất thêm, nên quy định thời gian cá nhân, tổ chức không chuyên kêu gọi, vận động từ thiện phải phân phối hết số tiền và vật chất đã tiếp nhận; công khai các thông tin cần thiết bảo đảm quyền lợi của những người ủng hộ. Ngoài ra, cần nghiên cứu quy định mức giá trị tiền, vật chất, hàng hóa tối đa đối với hoạt động từ thiện do các cá nhân, tổ chức không chuyên tiến hành.

Đứng ở góc độ quyền và nghĩa vụ của đối tượng thụ hưởng, theo TS. Trần Thị Hải Yến, nếu xem xét dưới góc độ pháp luật dân sự, quan hệ giữa cá nhân, tổ chức thực hiện hoạt động từ thiện và đối tượng thụ hưởng là một giao dịch dân sự tự nguyện, bình đẳng thì cả hai bên đều có những ràng buộc về quyền - nghĩa vụ. Do đó khi cá nhân, tổ chức làm từ thiện không thực hiện như đã thông báo thì đối tượng thụ hưởng có quyền khởi kiện. Ngược lại đối tượng thụ hưởng cũng cần tuân thủ các yêu cầu hợp lý của chủ thể tài trợ như trung thực trong kê khai, sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả…

Anh Dũng