Hoàn thiện pháp luật về từ thiện nhân đạo

Bài 1: Chưa chuyên nghiệp

- Thứ Bảy, 09/07/2022, 06:00 - Chia sẻ

So với các quốc gia đi đầu trên thế giới về hoạt động từ thiện nhân đạo, pháp luật nước ta còn có những điểm khác biệt cơ bản, rõ nét về điều kiện các chủ thể được làm từ thiện. Theo nhiều chuyên gia, đây là điểm cần lưu ý khi xây dựng khung pháp lý toàn diện về từ thiện nhân đạo ở tầm đạo luật trong thời gian tới.

Mới dừng lại ở cứu trợ thời vụ, tự phát

Ở nước ta chưa có đạo luật điều chỉnh bao quát hoạt động từ thiện, cứu trợ, thiện nguyện. Các chủ thể tham gia hoạt động này hiện được điều chỉnh bởi Nghị định 93/2019/NĐ-CP về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện và Nghị định 93/2021/NĐ-CP về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo thay thế Nghị định số 64/2008/NĐ-CP.

Theo TS. Dương Thị Hà, Học viện Hành chính quốc gia, so với Hoa Kỳ, Vương quốc Anh - hai quốc gia đi đầu trên thế giới về hoạt động từ thiện nhân đạo, có thể thấy có những điểm khác biệt cơ bản, rõ nét giữa luật pháp hai nước này và luật pháp nước ta về điều kiện các chủ thể được làm từ thiện nhân đạo.

Cụ thể, một chủ thể muốn làm từ thiện ở Hoa Kỳ phải đáp ứng 3 điều kiện: là tổ chức có tư cách pháp nhân, đăng ký và được xác nhận bởi Sở Thuế vụ Hoa Kỳ; đáp ứng các điều kiện của Bộ luật Thuế vụ; phải có báo cáo và kê khai tài khoản thường niên theo luật định. Còn ở Anh, các chủ thể này phải đăng ký và hoạt động đúng mục đích với cả hai cơ quan: Ủy ban Từ thiện và HM Revenue and Customs (cơ quan Doanh thu và Hải quan của Nữ hoàng chịu trách nhiệm chính về việc thu và quản lý thuế ở Vương quốc Anh). Đồng thời đáp ứng yêu cầu về báo cáo tài chính và hoạt động từ thiện hàng năm.

Trong khi đó, ở nước ta, cơ quan đầu mối quản lý hoạt động của các tổ chức làm từ thiện là Chính phủ. Hơn nữa, không chỉ tổ chức có tư cách pháp nhân mà cả cá nhân cũng được vận động, tiếp nhận, phân phối, sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện. Mức độ tin cậy đối với hoạt động của các chủ thể chưa cao do thiếu vắng sự xác nhận của cơ quan thuế như một điều kiện để tồn tại. Sự khác biệt này là một trong những yếu tố quan trọng tác động đến tính hiệu quả và chuyên nghiệp trong hoạt động từ thiện nhân đạo ở nước ta hiện nay.

Sự khác biệt này xuất phát từ một số nguyên nhân: hành lang pháp lý hiện nay chưa quy định chặt chẽ về điều kiện chủ thể có quyền vận động, tiếp nhận, phân phối, sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện, từ đó dẫn đến nhiều vấn đề phát sinh trong thực tiễn. Điều này có thể thấy rõ sau những thông tin tiêu cực về hoạt động từ thiện của một số người nổi tiếng thì Chính phủ đã ban hành Nghị định 93/2021/NĐ-CP thay thế Nghị định 64/2008/NĐ-CP với những điều khoản chặt chẽ hơn về hoạt động từ thiện của chủ thể là cá nhân. Bên cạnh đó, cách thức làm từ thiện ở nước ta vẫn còn mang tính cứu trợ thời vụ, tự phát, chưa có các chương trình, hoạt động gây quỹ với những mục tiêu dài hạn, có người quản lý và đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp.

Hoạt động từ thiện vẫn còn mang tính tự phát, cứu trợ
Hoạt động từ thiện vẫn còn mang tính tự phát, cứu trợ

Còn khoảng trống

Hiện các quy định về quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia hoạt động từ thiện nhân đạo nằm rải rác trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật như Bộ luật Dân sự năm 2015; Luật Hoạt động chữ thập đỏ năm 2008, Luật Phòng, chống thiên tai năm 2013 và các nghị định hướng dẫn thi hành; Nghị định 93/2019/NĐ-CP về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện; Nghị định 93/2021/NĐ-CP về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo… Như vậy có thể thấy văn bản chuyên ngành điều chỉnh về hoạt động từ thiện nhân đạo mới dừng ở Nghị định, mức pháp điển hoá chưa cao.

Về mặt kỹ thuật lập quy, cũng chưa có điều luật riêng về quyền, nghĩa vụ của các chủ thể mà gắn với từng hoạt động, trình tự, thủ tục. Đơn cử Điều 17 Nghị định 93/2021/NĐ-CP quy định: “Khi vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện để hỗ trợ thiên tai, dịch bệnh, sự cố, cá nhân có trách nhiệm thông báo trên các phương tiện thông tin truyền thông... Ủy ban Nhân dân cấp xã có trách nhiệm lưu trữ để theo dõi và cung cấp thông tin khi có yêu cầu của tổ chức, cá nhân đóng góp hoặc nhận hỗ trợ và cơ quan có thẩm quyền phục vụ công tác hướng dẫn, theo dõi, thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm”.

Bên cạnh đó, theo TS. Bùi Thị Thanh Thúy, Học viện Hành chính quốc gia, các quy định về quyền và nghĩa vụ còn khoảng trống pháp lý đó là mới dừng lại điều chỉnh quyền và nghĩa vụ ở một số lĩnh vực chuyên biệt, chưa bao quát toàn thể phạm vi của hoạt động từ thiện nhân đạo. Chẳng hạn, Luật Phòng, chống thiên tai hay Luật Hoạt động chữ thập đỏ chỉ gắn với phạm vi điều chỉnh trong phòng, chống thiên tai và hoạt động của Hội chữ thập đỏ. Nghị định 93/2021/NĐ-CP về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo mới chỉ xác định quyền và nghĩa vụ trong bối cảnh đặc biệt. Trong khi hoạt động từ thiện nhân đạo không chỉ hướng tới những thời điểm khẩn cấp như thiên tai, dịch bệnh mà còn hướng tới xây dựng hệ sinh thái thiện nguyện và hình thành cộng đồng có trách nhiệm.

Anh Dũng