SỬA ĐỔI LUẬT HIẾN, LẤY, GHÉP MÔ, BỘ PHẬN CƠ THỂ NGƯỜI VÀ HIẾN, LẤY XÁC

Bài cuối: Bám sát yêu cầu thực tiễn

- Thứ Hai, 09/05/2022, 07:05 - Chia sẻ

Theo nhiều chuyên gia, khi sửa đổi Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác, ngoài việc đạt được mục tiêu phù hợp với thực tiễn, bảo đảm quyền lợi cho người hiến tặng mô, bộ phận cơ thể người, kiểm soát chặt chẽ nhằm ngăn chặn hành vi mua, bán mô, bộ phận cơ thể người thì cần phải rà soát các văn bản pháp luật có liên quan bảo đảm thống nhất, đồng bộ.

Thêm cơ hội cho người hiến - nhận

Việc xác định chết não là cơ sở pháp lý để tiến hành lấy mô, bộ phận cơ thể của người có thẻ đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết. Do đó, pháp luật các nước trên thế giới đều xây dựng khung pháp lý về việc xác định chết não từ Hội đồng chẩn đoán chết não hoặc chuyên gia xác định chết não đến các tiêu chuẩn lâm sàng, cận lâm sàng.

Bài cuối: Bám sát yêu cầu thực tiễn -0
Chị Lý Thị Hà và chị Lý Thị Phương xã Bản Lang, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu đăng ký hiến mô tạng
Nguồn: Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia

Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006 chưa có quy định về Hội đồng xác định chết não mà chỉ quy định danh sách chuyên gia xác định chết não gồm 3 chuyên gia thuộc các lĩnh vực: hồi sức cấp cứu, thần kinh hoặc phẫu thuật thần kinh và giám định pháp y.

Tuy nhiên, các cơ sở lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người đều phản ánh vướng mắc: các tiêu chuẩn cận lâm sàng của chết não khác với tiêu chuẩn cận lâm sàng của người đã chết hẳn (tim ngừng đập), do đó vừa không phát huy được chuyên môn của chuyên gia giám định pháp y, vừa gây khó khăn cho các cơ sở y tế nếu không mời được bác sĩ pháp y tham gia Hội đồng chẩn đoán chết não. Hơn nữa, cũng không xác định được chuyên gia pháp y sẽ tham gia đánh giá tiêu chuẩn nào trong các tiêu chuẩn lâm sàng, cận lâm sàng để xác định chết não.

Ngoài ra, do Luật hiện hành chưa quy định rõ loại hình cơ sở y tế nào phải thành lập Hội đồng chẩn đoán chết não nên có nhiều bệnh viện, trong đó có cả những bệnh viện đã được cho phép lấy, ghép bộ phận cơ thể người chưa thành lập được Hội đồng. Nhiều nhân viên y tế cũng chưa hiểu rõ được về các tiêu chuẩn xác định chết não. Chính điều này đã làm mất đi cơ hội hiến tặng mô, bộ phận cơ thể của người chết não và cũng là một trong những lý do làm hạn chế nguồn hiến tặng từ người chết não trong thời gian qua.

Là một trong những cơ sở lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người hàng đầu trong cả nước, Bác sĩ Đồng Văn Hệ, Phó giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức nêu thực tế, Bệnh viện thành lập Hội đồng chẩn đoán chết não với 7 thành viên gồm 2 bác sĩ hồi sức, 2 bác sĩ thần kinh, 2 bác sĩ chẩn đoán hình ảnh và 1 bác sĩ pháp y. Hơn 10 năm thực hiện 136 trường hợp, Hội đồng chẩn đoán chết não hoạt động rất tốt và chính xác. Vì vậy, nên bổ sung bác sĩ chẩn đoán hình ảnh vào Hội đồng chẩn đoán chết não thay cho bác sĩ pháp y.

Bên cạnh đó, thời gian chẩn đoán chết não theo quy định là 12 giờ (ít nhất 3 lần đánh giá, mỗi lần cách nhau 6 giờ). Trong tất cả các trường hợp chết não, chẩn đoán sau 6 giờ không khác với kết luận cuối cùng sau 12 giờ nhưng nhiều tạng bị suy trong lúc chờ chẩn đoán. Vì vậy, thời gian chẩn đoán nên được rút ngắn dưới 12 giờ.

Bảo đảm tính thống nhất

Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác được ban hành trước một số luật có liên quan như Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Bảo hiểm y tế và các văn bản hướng dẫn nhưng chưa được sửa đổi nên một số quy định còn bị vênh nhau.

TS. Đặng Hồng Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế, nêu ví dụ: Khoản 3, Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế cũng như Nghị định số 146/2018/NĐ-CP hướng dẫn thi hành luật chỉ đề cập đến người đã hiến bộ phận cơ thể người. Như vậy, người hiến mô có được hưởng chính sách theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế như người hiến bộ phận cơ thể người hay không? Hay, Luật Bảo hiểm y tế mới chỉ áp dụng đối với người hiến bộ phận mà chưa/không áp dụng với người hiến mô?

Còn theo PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, Điều 16, Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác quy định về các điều kiện đối với cơ sở y tế được lấy, ghép bộ phận cơ thể người. Tuy nhiên, thuật ngữ “cơ sở y tế” không được quy định tại bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào. 23 cơ sở lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người hiện nay đều là bệnh viện, và trong các hình thức tổ chức của khái niệm cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh cũng không có hình thức cơ sở y tế.

Ngoài ra, Điều 16 cũng quy định, một trong những điều kiện của cơ sở y tế lấy, ghép bộ phận cơ thể người là phải có đơn vị ghép thực nghiệm. Trên thực tế, quy định này rất khó thực hiện vì chi phí để xây dựng một đơn vị ghép thực nghiệm rất tốn kém. Trong khi đó, các cơ sở y tế đã và đang cử cán bộ đến học tập, thực hành tại cơ sở được cấp phép lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người. Do đó, khi sửa Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác cần sửa đổi thuật ngữ cơ sở y tế thành cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Quy định về đơn vị ghép thực nghiệm cũng chỉ nên mang tính khuyến khích đối với những cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phối hợp với trường đào tạo y khoa.

Đồng tình với quan điểm này, Bác sĩ Đồng Văn Hệ cho biết, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã giúp đỡ nhiều cơ sở y tế, bệnh viện thực hiện ghép nhưng không cần đơn vị ghép thực nghiệm. Quy định này chỉ cần thiết trong giai đoạn đầu khi nước ta thực hiện những ca ghép đầu tiên.

HẢI VÂN
#