SỬA ĐỔI LUẬT HIẾN, LẤY, GHÉP MÔ, BỘ PHẬN CƠ THỂ NGƯỜI VÀ HIẾN, LẤY XÁC

Bài 1: Làm giàu thêm nguồn hiến

- Chủ Nhật, 08/05/2022, 10:37 - Chia sẻ

Kể từ ca ghép thận đầu tiên vào năm 1992 đến nay, khó khăn lớn nhất với ngành ghép mô, bộ phận cơ thể người ở nước ta không còn là vấn đề kỹ thuật mà chính là thiếu nguồn hiến. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, khi sửa đổi Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác cần thiết kế những quy định phù hợp để có thể gia tăng nguồn hiến.

Mở rộng đối tượng và hình thức

Điều 5, Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác chỉ quy định chung: người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác. Điều này là hoàn toàn phù hợp vì người chưa đủ 18 tuổi thì chưa phát triển hoàn thiện về sinh học cũng như tâm, sinh lý nên việc lấy mô, bộ phận cơ thể sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm, sinh lý của người hiến.

Tuy nhiên, thực tiễn những năm qua cho thấy, có không ít người dưới 18 tuổi bị chết não, bản thân họ và gia đình đều mong muốn được hiến, tặng mô, tạng nhưng vướng luật nên không thực hiện được. Trong khi đó, về mặt y học, mô, bộ phận cơ thể của người hiến dưới 18 tuổi chết não có chỉ số sinh học tương thích rất cao để ghép cho trẻ em mắc các bệnh về suy mô, tạng cần phải ghép mô, tạng.

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế Trần Thị Trang, cho biết thêm, ở các nước phát triển như châu Âu, châu Mỹ, tỷ lệ ghép tạng từ người cho chết não là chủ yếu, chiếm đến hơn 80%. Còn ở nước ta thì ngược lại, tổng hợp nguồn tạng hiến đến tháng 9.2021 từ người hiến còn sống chiếm 93,85%, từ người cho chết não chỉ chiếm 6,07%.

Trước thực tiễn này, các chuyên gia đều đồng tình với việc sửa đổi Luật theo hướng cho phép mở rộng độ tuổi được hiến mô, tạng đối với người chết não. Nghĩa là bất kỳ người nào chết não (dù trẻ em hay người dưới 18 tuổi) đều có quyền hiến, tặng mô, tạng nếu được gia đình xác nhận là khi còn sống người đó có nguyện vọng.

Người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống cho cha, mẹ, anh, chị, em, con ruột trong trường hợp cấp cứu mà cần phải ghép mô, bộ phận cơ thể người. Người sau khi chết, chết não có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình. Trường hợp người dưới 18 tuổi hiến mô, bộ phận cơ thể của mình sau khi chết, chết não phải có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật.

Dự thảo Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác (sửa đổi)

Để tăng số lượng người đăng ký hiến mô, tạng trong khi vẫn bảo đảm nguyên tắc tự nguyện hiến tặng, có thể nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật theo hướng mỗi công dân khi đề nghị cấp bằng lái xe, căn cước công dân hoặc cấp thẻ bảo hiểm y tế sẽ trả lời câu hỏi có tình nguyện hiến mô, tạng sau khi chết, chết não không? Nếu có sẽ được đưa vào một nội dung thể hiện trên bằng lái xe, căn cước công dân hoặc thẻ bảo hiểm y tế đó. cách này sẽ làm tăng số lượng người đăng ký hiến mô, tạng lên rất nhiều lần. Đây cũng là quy định được nhiều nước trên thế giới thực hiện có hiệu quả.

Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia Nguyễn Hoàng Phúc cho biết, hiện mới chỉ đăng ký trực tiếp qua các cơ sở y tế đủ điều kiện lấy, ghép mô, tạng. Số cơ sở này ở nước ta còn ít (23 cơ sở) nên người dân khó tiếp cận.

t7-1.jpg -0
Đại diện Ban Công tác xã hội và chăm sóc sức khỏe (Hội CTĐ tỉnh Lai Châu) đang tư vấn việc hiến, tặng mô/tạng
Nguồn: Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia

Nghiên cứu áp dụng cơ chế suy đoán đồng ý

Pháp luật về hiến, lấy, ghép mô, tạng của các nước ở châu Âu đều dựa trên nguyên lý "sự mong muốn của người chết là cơ sở quyết định nó phải được tôn trọng" nhưng chia thành hai hệ thống: suy đoán đồng ý (cho rằng mọi người sẵn sàng hiến mô, bộ phận cơ thể khi chết) và chủ động đồng ý (bệnh nhân trước khi chết phải thể hiện nguyện vọng hiến mô, bộ phận cơ thể).

Chẳng hạn, ở Bỉ, Luật hiến mô, bộ phận cơ thể người được thông qua năm 1986 quy định cho công dân lựa chọn việc không đồng ý hiến mô, bộ phận cơ thể người, nếu cá nhân không từ chối nghĩa là đồng ý với việc sẵn sàng hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết. Hay pháp luật thụy Sĩ quy định, tất cả cư dân sẽ được cho là mặc nhiên đồng ý hiến mô, bộ phận cơ thể khi qua đời, đối với những người không muốn hiến thì phải có đơn từ chối gửi cơ quan có thẩm quyền.

Thực tế áp dụng cho thấy các nước thực hiện theo cơ chế suy đoán đồng ý rất hiệu quả, số người đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể nhiều hơn hẳn. Bên cạnh đó, nhiều nước theo cơ chế chủ động đồng ý cũng đang vận động chuyển sang cơ chế suy đoán đồng ý (đặc biệt là hiến mô, bộ phận cơ thể sau khi chết). Đơn cử Hội y học Vương quốc Anh trong những năm gần đây đã kêu gọi sự điều chỉnh pháp luật từ chủ động đồng ý sang cơ chế suy đoán đồng ý.

Hiện pháp luật nước ta quy định việc hiến mô, bộ phận cơ thể khi còn sống cũng như sau khi chết theo cơ chế chủ động đồng ý (đăng ký bằng văn bản). Do vậy, nhiều ý kiến đề xuất, về lâu dài, khi cơ sở hạ tầng xã hội đã phát triển, nhận thức của người dân về giá trị, ý nghĩa nhân đạo của việc hiến, ghép mô, bộ phận cơ thể chữa bệnh cứu người, nghiên cứu khoa học… càng được nâng cao thì việc nghiên cứu áp dụng cơ chế suy đoán đồng ý là cần thiết và hoàn toàn có tính khả thi.

HẢI VÂN