Pháp: Bốn cấp chính quyền
Hệ thống chính quyền địa phương ở Pháp có lịch sử phát triển lâu dài, và những thay đổi cơ bản nhất là trong 20 năm gần đây. Pháp là một trong số ít quốc gia trong Liên minh châu Âu tồn tại bốn cấp chính quyền: Chính quyền trung ương, chính quyền tỉnh, chính quyền khu vực và chính quyền xã. Ngày 2.3.1982, Luật phân cấp ra đời đã thể hiện rõ mong muốn của chính phủ Paris thay đổi cán cân quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trung ương và địa phương. Luật này cũng trao quyền tự chủ lớn hơn cho chính quyền địa phương.
Xã là đơn vị hành chính thấp nhất của hệ thống cấp bậc hành chính Pháp với gần 37.000 xã. Chính phủ khuyến khích xã nhỏ hơn hợp nhất để hình thành cộng đồng đô thị (communautés urbaines) hoặc nhóm lại với nhau để hình thành liên xã (syndicats intercommunaux). Hội đồng xã gồm người đứng đầu là xã trưởng, do Hội đồng xã bầu và các ủy viên Hội đồng với số lượng tỷ lệ thuận với dân số trong xã được bầu 6 năm một lần. Hội đồng xã đặt ra những hướng dẫn về chính sách của xã, thông qua ngân sách, quản lý tài sản xã, các tòa nhà trường đặc biệt là tiểu học và thiết bị, và đưa ra quyết định về hoạt động của chính quyền xã. Cơ quan hành chính xã quản lý các hoạt động ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của dân trong xã, cụ thể là giải quyết các vấn đề ngắn hạn về kinh tế và xã hội của xã, và một số vấn đề dài hạn như cấp viện trợ giải quyết việc làm và giúp đỡ gia đình khó khăn.
![]() Poster bầu cử Hội đồng thành phố 2014 của Pháp |
![]() Hội đồng Thành phố Bordeaux |
Luật tháng 3.1982 cũng có một số thay đổi liên quan đến tài chính. Bất kỳ chuyển giao thẩm quyền nào của Nhà nước sang chính quyền địa phương phải kèm theo chuyển giao nguồn lực (chủ yếu là tài chính). Trong thực tế, thuế địa phương có xu hướng tăng lên. Cải cách cũng mở rộng trách nhiệm của kế toán xã, tỉnh và khu vực, tạo cho họ vị thế của kế toán trưởng chịu trách nhiệm trực tiếp cho ngân khố. Cuối cùng, Luật năm 1982 được giao cho một tòa án mới, kiểm toán khu vực, chịu trách nhiệm đối với kiểm toán sau của tài khoản chính quyền địa phương.