Pháp: Bốn cấp chính quyền

19/12/2014 08:51

Hệ thống chính quyền địa phương ở Pháp có lịch sử phát triển lâu dài, và những thay đổi cơ bản nhất là trong 20 năm gần đây. Pháp là một trong số ít quốc gia trong Liên minh châu Âu tồn tại bốn cấp chính quyền: Chính quyền trung ương, chính quyền tỉnh, chính quyền khu vực và chính quyền xã. Ngày 2.3.1982, Luật phân cấp ra đời đã thể hiện rõ mong muốn của chính phủ Paris thay đổi cán cân quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trung ương và địa phương. Luật này cũng trao quyền tự chủ lớn hơn cho chính quyền địa phương.

Xã là đơn vị hành chính thấp nhất của hệ thống cấp bậc hành chính Pháp với gần 37.000 xã. Chính phủ khuyến khích xã nhỏ hơn hợp nhất để hình thành cộng đồng đô thị (communautés urbaines) hoặc nhóm lại với nhau để hình thành liên xã (syndicats intercommunaux). Hội đồng xã gồm người đứng đầu là xã trưởng, do Hội đồng xã bầu và các ủy viên Hội đồng với số lượng tỷ lệ thuận với dân số trong xã được bầu 6 năm một lần. Hội đồng xã đặt ra những hướng dẫn về chính sách của xã, thông qua ngân sách, quản lý tài sản xã, các tòa nhà trường đặc biệt là tiểu học và thiết bị, và đưa ra quyết định về hoạt động của chính quyền xã. Cơ quan hành chính xã quản lý các hoạt động ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của dân trong xã, cụ thể là giải quyết các vấn đề ngắn hạn về kinh tế và xã hội của xã, và một số vấn đề dài hạn như cấp viện trợ giải quyết việc làm và giúp đỡ gia đình khó khăn.

Poster bầu cử Hội đồng thành phố 2014 của Pháp
Poster bầu cử Hội đồng thành phố 2014 của Pháp
Tỉnh là đơn vị hành chính lãnh thổ chính ở Pháp với 100  tỉnh, gồm 96 tỉnh trong nước Pháp và 4 lãnh thổ ở ngoài Pháp. Ngay từ khi mới thành lập năm 1789, đơn vị hành chính tỉnh đã đóng vai trò nổi bật trong tổ chức hành chính và địa lý của đất nước; có các thẩm quyền cơ bản về y tế và dịch vụ xã hội, các công trình vốn nông thôn, đường bộ, và chi phí đầu tư, chi phí vận hành của các trường cao đẳng. Tổ chức điều hành hoạt động của tỉnh là do Hội đồng tỉnh (hay còn gọi là Hàng tổng), là cơ quan ra quyết định gồm thành viên hội đồng và Tỉnh trưởng. Thành viên hội đồng được bầu nhiệm kỳ 6 năm. Tỉnh trưởng được chính phủ bổ nhiệm, là người duy nhất được trao quyền hành động đại diện cho nhà nước trong tỉnh.
Hội đồng Thành phố Bordeaux
Hội đồng Thành phố Bordeaux
Pháp có 26 khu vực, 22 ở thành phố Pháp và lãnh thổ ngoài nước Pháp. Phạm vi chính quyền vùng là lập kế hoạch chung, kế hoạch của thành phố và đất nước theo quy hoạch vùng, phát triển kinh tế, đào tạo nghề, xây dựng, thiết bị và chạy chi phí của các trường học (lycées) trên địa bàn. Cơ quan ra quyết định là Hội đồng vùng/khu vực gồm các thành viên được bầu nhiệm kỳ 6 năm. Hội đồng vùng được hỗ trợ bởi Ủy ban kinh tế và xã hội, một hội đồng tư vấn gồm các đại diện doanh nghiệp, các ngành nghề, tổ chức công đoàn và các tổ chức nhân viên khác, tổ chức tình nguyện trong khu vực... Chủ tịch hội đồng khu vực được bầu bởi các thành viên hội đồng, điều hành khu vực.

Luật tháng 3.1982 cũng có một số thay đổi liên quan đến tài chính. Bất kỳ chuyển giao thẩm quyền nào của Nhà nước sang chính quyền địa phương phải kèm theo chuyển giao nguồn lực (chủ yếu là tài chính). Trong thực tế, thuế địa phương có xu hướng tăng lên. Cải cách cũng mở rộng trách nhiệm của kế toán xã, tỉnh và khu vực, tạo cho họ vị thế của kế toán trưởng chịu trách nhiệm trực tiếp cho ngân khố. Cuối cùng, Luật năm 1982 được giao cho một tòa án mới, kiểm toán khu vực, chịu trách nhiệm đối với kiểm toán sau của tài khoản chính quyền địa phương.