Từ mục tiêu này sẽ đưa ra các nhiệm vụ trọng tâm trong việc cải thiện thể chế, chính sách, phát triển và đào tạo nhân lực, nghiên cứu, hỗ trợ khởi nghiệp, hình thành hệ sinh thái vi mạch bán dẫn Việt Nam, hợp tác quốc tế.
Đồng thời, phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam cơ bản có đầy đủ, đồng bộ các hạ tầng về nhân lực, công nghệ, nghiên cứu phát triển, về sản xuất và thị trường ứng dụng, góp phần phát triển bền vững ngành công nghiệp công nghệ số Việt Nam, tạo nền tảng thực hiện thành công chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và xây dựng chính phủ số tại Việt Nam.
Theo Giáo sư, Viện sỹ Nguyễn Quốc Sỹ - Viện Hàn lâm Khoa học điện Liên Bang Nga, Chủ tịch Viện công nghệ VinIT phân tích, ngành công nghiệp bán dẫn cũng như nhiều ngành công nghiệp công nghệ cao khác, đều cần có công nghiệp phụ trợ.
Công nghiệp phụ trợ cho bán dẫn ở đây phải hiểu là tập hợp các ngành công nghệ, có tác dụng hỗ trợ và tham gia từ nghiên cứu, thiết kế tới gia công, chế tạo chuỗi các sản phẩm bán dẫn và vi điện tử.
Công nghiệp bán dẫn không chỉ là sản xuất các chất bán dẫn, các tấm wafer và các chip điện tử. Ngay cả để làm được các sản phẩm này, cũng cần các ngành công nghiệp phụ trợ với các sản phẩm vô cùng quan trọng cho công nghiệp bán dẫn.
Trong đó, phải kể đến các hệ thống cơ khí chính xác, các hệ thống máy CNC, hệ thống điều khiển tự động trong các dây chuyền chế tạo chất bán dẫn, các máy quang khắc chế tạo vi mạch, các hệ thống máy móc và công nghệ làm sạch chất bán dẫn, các hệ thống bốc bay, lắng đọng pha hơi khí..., thậm chí cả các hệ thống tạo chất nền, lưới bóng... Ngành công nghiệp bán dẫn vì vậy cần tới hàng chục công nghiệp phụ trợ khác nhau và đều thuộc lĩnh vực công nghệ cao. Muốn xây dựng công nghiệp bán dẫn, chắc chắn phải xây dựng các ngành công nghiệp phụ trợ.
Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, để Việt Nam tham gia vào ngành công nghiệp bán dẫn cũng như các giải pháp để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ phục vụ phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, Việt Nam cần quan tâm đào tạo ngay, người được đào tạo có thể tiếp cận ngay để tham gia vào chuỗi này, đặc biệt là tham gia vào thiết kế, đóng gói, kiểm chuẩn... Phải thu hút được các doanh nghiệp liên quan đến điện tử, liên quan đến sử dụng các chip điện tử bán dẫn, trong đó đào tạo phải làm một cách bài bản hơn các lĩnh vực cơ bản khác (vật liệu, vật lý, hóa học, công nghệ thông tin...), trên cơ sở đó Việt Nam hoàn toàn có thể nắm bắt và có cơ hội để làm chủ.
Giáo sư, Viện sỹ Nguyễn Quốc Sỹ nhận định, quá trình đầu tư xây dựng sản xuất của Intel và Samsung tại Việt Nam cho thấy chúng ta đã bỏ lỡ nhiều cơ hội khai thác tối đa tiềm lực sản xuất của các tập đoàn lớn, do ngành công nghiệp phụ trợ còn yếu, không đáp ứng được đòi hỏi sản xuất của Intel và Samsung. Theo đó, từ nhiều năm nay, Samsung phải huy động các đơn vị của Hàn Quốc cung cấp các sản phẩm công nghiệp phụ trợ cho các chu trình công nghệ bán dẫn và vi mạch tại các nhà máy ở Việt Nam.
Giáo sư, Viện sỹ Nguyễn Quốc Sỹ cho rằng trong Dự thảo Chiến lược, Đề án phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, phải có danh mục các ngành công nghiệp phụ trợ cần phát triển và xây dựng song hành, thậm chí đi trước một bước so với công nghiệp bán dẫn. Nếu không, sẽ phải phụ thuộc rất nhiều vào nước ngoài.