Phân cấp, phân quyền phải xét khả năng thực hiện, không để phát sinh khó khăn mới

Bày tỏ nhất trí việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), song các đại biểu Quốc hội cũng đặc biệt lưu ý phải xem xét khả năng thực hiện của các đơn vị được phân cấp, phân quyền. “Chúng ta giao 1 tấn mà khả năng thực hiện chỉ được 500 kg thôi thì cũng lại có thể phát sinh những khó khăn, tồn tại mới. Do đó, phải tiếp tục rà soát để bảo đảm yên tâm hơn và đặc biệt là bảo đảm tính khả thi trong tổ chức thực hiện". 

Tháo gỡ điểm nghẽn về thủ tục, tạo sự chủ động, linh hoạt trong thực hiện

Luật Đầu tư công được sửa đổi năm 2019 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2020. 5 năm qua, việc triển khai thực hiện các quy định của Luật là một bước tiến lớn, đảm bảo công khai, minh bạch, hạn chế tình trạng xin - cho trong quản lý, sử dụng nguồn lực của Nhà nước, góp phần và tạo điều kiện để đẩy mạnh công cuộc phòng chống tham nhũng, lãng phí và thực hành tiết kiệm trong đầu tư xây dựng cơ bản. Tuy nhiên, thực tiễn thi hành Luật cũng đã bộc lộ một số khó khăn, hạn chế, vướng mắc có tính cấp bách cần xử lý, tháo gỡ, một số quy định chưa phù hợp với tình hình thực tiễn, yêu cầu phát triển trong tình hình mới.

Quang cảnh thảo luận Tổ 13. Ảnh: Lâm Hiển

Quang cảnh thảo luận Tổ 13. Ảnh: Lâm Hiển

Vì vậy, thảo luận tại Tổ chiều 29.10, các đại biểu Quốc hội đều cơ bản nhất trí sửa đổi đạo luật quan trọng này nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư công, khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Luật. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là sửa đổi đến đâu, và nội dung sửa đổi cụ thể như thế nào?

Một quan điểm rất quan trọng của dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong đầu tư công. Đây là một nhóm chính sách lớn của dự luật, cụ thể hóa ngay tinh thần của Trung ương tại Hội nghị lần thứ 10 vừa qua về việc tập trung đổi mới phân công, phân cấp quyền hạn gắn với trách nhiệm trong việc xây dựng triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, bảo đảm tính công khai minh bạch, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu đối với hiệu quả đầu tư.

ĐBQH Lê Minh Nam (Hậu Giang) cho biết, trong quá trình thẩm tra dự án Luật, Ủy ban Tài chính - Ngân sách hoàn toàn nhất trí và ủng hộ đề xuất phân cấp, phân quyền với mục tiêu tháo gỡ vướng mắc, điểm nghẽn về thủ tục, tạo sự chủ động, linh hoạt cho tổ chức thực hiện. "Tuy nhiên, chúng tôi cũng đề nghị phải đánh giá kỹ lưỡng để việc phân cấp, phân quyền sao cho hạn chế được những khó khăn, vướng mắc trong thực tế áp dụng".

Đại biểu chỉ rõ, việc phân cấp, phân quyền phải bám sát chức năng, nhiệm vụ, vai trò của cơ quan được phân quyền để không có những thay đổi lớn về chức năng cơ bản của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống, cũng như không phân quyền quá mức làm giảm quá phần việc của các cơ quan cấp trên.

Cùng với đó, cần xem xét khả năng thực hiện, quyền được phân cấp và điều kiện tổ chức thực hiện của các đơn vị được phân quyền. “Chúng ta giao khuân vác 1 tấn mà khả năng thực hiện chỉ được 500 kg thôi thì cũng lại có thể phát sinh những khó khăn, tồn tại mới. Cho nên cũng cần cân nhắc, rà soát để đảm bảo yên tâm hơn và đặc biệt là bảo đảm tính khả thi trong tổ chức thực hiện”, đại biểu Lê Minh Nam nhấn mạnh.

Ở góc nhìn khác, ĐBQH Triệu Quang Huy (Lạng Sơn) đề nghị hết sức cân nhắc việc phân cấp, phân quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giữa các bộ, cơ quan trung ương và giữa các địa phương từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội sang cho Thủ tướng Chính phủ tại dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi).

Nhấn mạnh kế hoạch đầu tư công trung hạn là căn cứ hết sức quan trọng để lập kế hoạch đầu tư công hàng năm và lập dự toán ngân sách nhà nước hàng năm, đại biểu Triệu Quang Huy phân tích, theo quy định của Luật Đầu tư công hiện hành và dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) lần này thì thẩm quyền quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn là Quốc hội. Luật Đầu tư công hiện hành giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn, vốn ngân sách Trung ương - bản chất là Quốc hội ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

“Nếu quy định như dự thảo Luật: Quốc hội ủy quyền cho Thủ tướng Chính phủ là chưa hợp lý. Việc quyết định điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giữa các bộ, ngành, địa phương được phân cấp cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội là phù hợp với chức năng của cơ quan dân cử. Do đó, đề nghị nghiên cứu giữ quy định như hiện hành để bảo đảm tuân thủ Hiến pháp và bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật”, đại biểu Triệu Quang Huy đề nghị.

Thà ít mà chất”, tháo gỡ thật triệt để

Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) đề nghị cho phép tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành các dự án độc lập đối với tất cả các nhóm dự án, bao gồm cả dự án nhóm B, C; quy định thẩm quyền giao cho UBND cấp tỉnh là cơ quan chủ quản thực hiện dự án trên địa bàn từ hai đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên; cho phép ủy thác Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện chính sách cho vay ưu đãi vốn từ các địa phương để thực hiện các chính sách ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội tại địa phương...

ĐBQH Lê Minh Nam (Hậu Giang) đề nghị đánh giá kỹ khả năng thực hiện của các cơ quan được phân cấp, phân quyền. Ảnh: Lâm Hiển

ĐBQH Lê Minh Nam (Hậu Giang) đề nghị đánh giá kỹ khả năng thực hiện của các cơ quan được phân cấp, phân quyền. Ảnh: Lâm Hiển

Theo đại biểu Lê Minh Nam, các nội dung trên hoàn toàn là những nội dung thực tế đang vướng mắc và đã được Quốc hội cho phép áp dụng thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù để xử lý. Cho biết ủng hộ các quy định trên, song đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn khi các chính sách này mới được thí điểm triển khai thực hiện trong thời gian ngắn cũng chưa được sơ kết, tổng kết, đánh giá ưu, nhược điểm và hiệu quả của chính sách. Hiện tại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng mới chỉ có báo cáo đánh giá sơ bộ tình hình thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù. Do đó, đại biểu đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát thêm để hoàn thiện các nội dung quy định cụ thể, đảm bảo triển khai hiệu quả, hiệu lực trong thực tế.

Theo dõi các phương tiện thông tin đại chúng thời gian vừa qua cho thấy kết quả triển khai một số dự án đang thực hiện có sự cải thiện rất tích cực về tiến độ cũng như kết quả thực hiện. Tuy nhiên, đại biểu một lần nữa nhấn mạnh yêu cầu phải rà soát, đánh giá kỹ, thận trọng, quy định sát, đúng hơn để khi thực hiện thuận lợi hơn. Thực tiễn thời gian qua cũng cho thấy, một số nội dung về cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng cho một số địa phương thì không hấp thụ được hết. “Vì vậy, cũng cần rà soát, “thà ít nhưng mà chất”, tháo gỡ thật triệt để thì có khi lại tốt hơn là đưa ra nhiều chính sách mà lại không trọng tâm", đại biểu Lê Minh Nam bày tỏ quan điểm.

Từ thực tiễn tại địa phương, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn cho biết, hiện đang thực hiện dự án Cầu Kênh Vàng nối Bắc Ninh và Hải Dương. "Trước đây đã có chủ trương của Quốc hội về dự án này, nhưng quy trình, thủ tục mất đến gần 3 năm, đến vừa qua mới khởi công được". Do đó, đại biểu đề nghị, với những địa phương đã cân đối được ngân sách, có điều tiết về Trung ương và có nhu cầu phát triển các hạ tầng chiến lược liên vùng để bảo đảm kết nối vùng thì việc quy định cho UBND cấp tỉnh làm chủ đầu tư các công trình liên vùng là cần thiết, UBND cấp huyện làm chủ đầu tư các công trình giữa hai, ba huyện cũng là cần thiết".

Đẩy mạnh phân cấp, trao quyền, tạo chủ động, linh hoạt trong công tác quản lý đầu tư công cần đi đôi với việc quy định chặt chẽ, tránh tình trạng quyết định đầu tư các dự án thiếu hiệu quả, thời gian thực hiện kéo dài, gây thất thoát, lãng phí; bảo đảm nguyên tắc phân công, phối hợp kiểm soát quyền lực theo quy định của Hiến pháp, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy trong quản lý đầu tư công. Phân cấp, phân quyền phải phù hợp với vai trò, chức năng, nhiệm vụ và khả năng, điều kiện tổ chức thực hiện để không phát sinh sai sót, hoặc không bảo đảm tính khả thi trong thực hiện

Báo cáo thẩm tra dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi)

Thời sự Quốc hội

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp - Ảnh Quang Khánh
Thời sự Quốc hội

Tạo cơ hội mới cho Hải Phòng phát triển mạnh mẽ và tự chủ hơn

Theo các đại biểu, việc thông qua Nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hải Phòng sẽ là bước đột phá lớn, tạo cơ hội mới để Hải Phòng sẽ phát triển mạnh mẽ và tự chủ hơn nữa. Đồng thời, phát huy được vị trí địa lý của thành phố, phù hợp với tính cách năng động của người dân Hải Phòng, thực hiện chủ trương "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm" như chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Chủ tịch Quốc hội Khuon Sudary
Thời sự Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Chủ tịch Quốc hội Khuon Sudary cắt băng khánh thành Tòa nhà hành chính Quốc hội Campuchia

Chiều 21.11, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Campuchia, tại Thủ đô Phnom Penh, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Chủ tịch Quốc hội Campuchia Samdech Khuon Sudary đã chủ trì lễ khánh thành và trao tặng công trình Tòa nhà hành chính Quốc hội Vương quốc Campuchia - món quà của Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam dành tặng Đảng, Nhà nước, nhân dân Campuchia.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Chủ tịch Quốc hội Khuon Sudary
Thời sự Quốc hội

Nhà nước Campuchia trao tặng Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn Huân chương Công trạng hạng Đại Thập tự

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Vương quốc Campuchia, chiều nay, 21.11, tại trụ sở Quốc hội Campuchia ở thủ đô Phnom Penh, thay mặt Nhà nước Campuchia, Chủ tịch Quốc hội Samdech Khuon Sudary đã trao Huân chương Công trạng hạng Đại Thập tự của Nhà nước Campuchia tặng Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.