Cân nhắc việc giao cho Chính phủ giao các bộ quy định cụ thể nội dung phân cấp
Thảo luận tại tổ, các ĐBQH cho rằng, các nội dung của dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) đã phân định thẩm quyền, trách nhiệm, quan hệ giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp; tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ, thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, hợp lý giữa trung ương và địa phương. Tuy nhiên, theo ĐBQH Mai Văn Hải (Thanh Hóa), cần bổ sung nguyên tắc về sự phối hợp giữa Chính phủ với Ủy ban MTTQ Việt Nam, với các đoàn thể và tổ chức chính trị xã hội ở Trung ương. “Mặc dù tại Điều 12 đã quy định trách nhiệm của Chính phủ với các tổ chức đoàn thể, nhưng nên bổ sung để rõ hơn về nguyên tắc phối hợp giữa Chính phủ với các đoàn thể chính trị xã hội ở Trung ương, bảo đảm hoạt động hiệu quả hơn”.
![ĐBQH Mai Văn Hải (Thanh Hóa) phát biểu thảo luận. Ảnh: Hồ Long z6313209785345-604e4a205d4153098f2e4ae494d40c33.jpg](https://cdn.daibieunhandan.vn/images/af14e604e1a53f9d88086f04c9be56c663d4c901b7e4c1cbfa5c7337eaf716bb51af4099007c3878fb9669068daa449ada98d71cfed5ae407f76a757511b72664ed53b45b90a8bee4112a7dd2682780a/z6313209785345-604e4a205d4153098f2e4ae494d40c33.jpg)
Cũng theo đại biểu Mai Văn Hải, dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) đã phân cấp rất mạnh mẽ về trách nhiệm, thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho các bộ, ngành, địa phương, cũng như yêu cầu phân cấp trách nhiệm của các Bộ trưởng, cơ quan ngang bộ cho các cơ quan trực thuộc bộ, các cơ quan ngang bộ. Tuy nhiên, những nội dung phân cấp chưa rõ ràng. Theo đó, đại biểu Hải đề xuất: nếu trong Luật Tổ chức Chính phủ không quy định rõ ràng nội dung phân cấp thì nên giao cho Chính phủ giao cho các Bộ quy định cụ thể những nội dung phân cấp, phân cấp như thế nào để tạo điều kiện thuận lợi, rõ ràng hơn cho Chính phủ và các địa phương trong thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội.
Về vấn đề này, ĐBQH Trần Văn Khải (Hà Nam) đánh giá, dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) năm 2025 có nhiều cải tiến tích cực nhưng vẫn tồn tại một số nhược điểm quan trọng. Đại biểu cho rằng, việc phân quyền mạnh mẽ có thể dẫn đến tình trạng cát cứ, chồng chéo trong quản lý giữa Trung ương và địa phương. Do đó, cần cơ chế giám sát rõ ràng để tránh tình trạng địa phương tự quyết định nhưng không bảo đảm tính đồng bộ với chính sách quốc gia.
![ĐBQH Trần Văn Khải (Hà Nam) phát biểu thảo luận. Ảnh: Hồ Long z6313209798742-42f98c8c71f382be7053f6fdb3521ce5.jpg](https://cdn.daibieunhandan.vn/images/af14e604e1a53f9d88086f04c9be56c663d4c901b7e4c1cbfa5c7337eaf716bb274cd3edd3b6e0402dacd7f89c9bb0d049f69ffa99165045cb4d396f8a227d3a88a653c06d884a574fd8661e56f21b49/z6313209798742-42f98c8c71f382be7053f6fdb3521ce5.jpg)
Liên quan đến việc quy định cụ thể số lượng Thứ trưởng, Phó Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ trong Dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ, một số ĐBQH Tổ 18 cho rằng, vấn đề này nên giao cho Chính phủ. Bởi, Luật đã quy định Chính phủ phải quy định về tổ chức bộ máy, chức năng nhiệm vụ nên vấn đề này không nên quy định cứng nhắc trong luật, vì đây cũng là những vấn đề rất dễ thay đổi. Bên cạnh đó, việc giới hạn số lượng Thứ trưởng có thể gây quá tải công việc ở các Bộ.
Cho phép HĐND và UBND “thu hồi” văn bản có hợp lý không?
Thảo luận về Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), ĐBQH Lại Thế Nguyên (Thanh Hóa) nhấn mạnh, tại các Điều 16, 19 và 22 đều có nội dung quy định về việc HĐND các cấp bao gồm cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã được quyền thu hồi, bãi bỏ, sửa đổi bổ sung một phần hoặc toàn bộ văn bản do mình ban hành khi xét thấy không còn phù hợp hoặc trái pháp luật. Tương tự, tại các Điều 18, 21 và 24 của dự thảo luật cũng có quy định về việc Chủ tịch UBND có quyền thu hồi, bãi bỏ, sửa đổi bổ sung một phần hoặc toàn bộ văn bản do mình ban hành khi xét thấy không còn phù hợp hoặc trái pháp luật.
![ĐBQH Lại Thế Nguyên (Thanh Hóa) phát biểu thảo luận. Ảnh: Hồ Long z6313209788904-3a18ba39c6fb3000eab8689af7bb400f.jpg](https://cdn.daibieunhandan.vn/images/af14e604e1a53f9d88086f04c9be56c663d4c901b7e4c1cbfa5c7337eaf716bb5a446b20ec30a25b6303420ee5eb6d08cb43416a9fb5227fae462c301d7927605d2d240aa0415246751cf5d6aa8ed318/z6313209788904-3a18ba39c6fb3000eab8689af7bb400f.jpg)
Nội dung của các điều luật trên đều có quy định về việc HĐND và Chủ tịch UBND các cấp đều có quyền thu hồi văn bản do mình ban hành khi xét thấy không còn phù hợp hoặc trái pháp luật. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và Dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ( sửa đổi) đang trình Quốc hội thì việc xử lý văn bản trong trường hợp không phù hợp hoặc trái pháp luật chỉ bằng các hình thức đình chỉ, tạm đình chỉ, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ mà không có hình thức thu hồi.
Đại biểu Lại Thế Nguyên cho biết: “Trên thực tế khi văn bản đã phát hành rồi thì việc thu hồi là không đúng, mà phải chấm dứt, bãi bỏ để kết thúc giá trị pháp lý của văn bản chứ không phải dùng biện pháp cơ học là thu hồi. Do đó, tôi đề nghị bỏ quyền “thu hồi” văn bản của HĐND và UBND để tạo sự thống nhất giữa Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật với Luật Tổ chức chính quyền địa phương”.
![Toàn cảnh thảo luận tại Tổ 18. Ảnh: Hồ Long to-18.jpg](https://cdn.daibieunhandan.vn/images/3f058b6c6b27d3551d8611e329d17b5a4907caee1a0ccb56d86130d32a47e33884a7f0e98f6d1708ff7d5d6c30c8863e/to-18.jpg)
Các ĐBQH đều cho rằng, nhiều nội dung của dự thảo luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, thể chế hóa kịp thời các yêu cầu về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, hợp lý giữa trung ương và địa phương theo phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”. Tuy nhiên, ĐBQH Phạm Hùng Thắng (Hà Nam) cho rằng, cần nghiên cứu làm rõ việc Chủ tịch HĐND có được ủy quyền cho Phó Chủ tịch HĐND, và Chủ tịch UBND có được ủy quyền cho Phó Chủ tịch UBND thực hiện một số nhiệm vụ và việc ủy quyền này được thực hiện theo quy định nào. Bên cạnh đó, chưa có tiêu chí cụ thể cho việc sáp nhập đơn vị hành chính, các quy định về nhập, chia, giải thể địa phương còn chung chung. Do vậy, cần có quy chuẩn cụ thể dựa trên dân số, địa lý, hiệu quả quản lý để tránh việc sáp nhập thiếu hiệu quả.
![ĐBQH Thạch Phước Bình (Trà Vinh) phát biểu thảo luận tổ. Ảnh: Đào Cảnh dbqh-thanh-phuoc.jpg](https://cdn.daibieunhandan.vn/images/3f058b6c6b27d3551d8611e329d17b5abdafa87a64efa77b4578febf496eabb6d33e413e3c971f522bad1f0a1c840578/dbqh-thanh-phuoc.jpg)
Về nội dung này, ĐBQH Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cũng nhấn mạnh: dự thảo luật có quy định về đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, nhưng lại chưa có quy định rõ ràng về tiêu chí thành lập. Do đó, cần bổ sung tiêu chí thành lập đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt và các quy định về điều kiện thay đổi đơn vị hành chính để bảo đảm việc thực hiện hiệu quả trong thực tế.
Thảo luận về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước, các ĐBQH Tổ 18 cho rằng, nghị quyết đã đưa ra đầy đủ các tình huống phát sinh sau sắp xếp, tổ chức bộ máy và các giải pháp xử lý để bộ máy sau sắp xếp hoạt động trơn tru. Tuy nhiên, có 2 vấn đề lớn mà nghị quyết chưa đề cập.
Một là vấn đề cấp phó của người đứng đầu, trong dự thảo có quy định là trong vòng 5 năm phải thực hiện sắp xếp lại theo đúng quy định. Tuy nhiên, cán bộ công chức dôi dư thì xử lý như thế nào, sau 5 năm hay sau 10 năm bởi vì việc sáp nhập các cơ quan thì số lượng cán bộ công chức dư thừa, rất lớn. Trong khi đó, số lượng về hưu trước tuổi rất ít, cán bộ dôi dư còn trẻ và đủ chuẩn thì sẽ xử lý như thế nào? Điều chuyển đi các cơ quan khác hay thực hiện chính sách nào để sắp xếp cho hợp lý, về đúng vị trí theo quy định?.
Thứ hai là vấn đề sau sắp xếp các cơ quan đơn vị sự nghiệp, công sở đều dôi dư, đến nay vẫn chưa xử lý được. Tới đây thực hiện sắp xếp bộ máy Nhà nước thì công sở càng dôi dư nhiều, hướng xử lý như thế nào? Trong nghị quyết chưa đề cập, đây là vấn đề lớn, nếu không có định hướng xử lý sẽ dẫn đến lãng phí, tốn kém tiền của Nhà nước.