Đã giao thẩm quyền thì cần tạo sự chủ động cho địa phương
Vị trí của quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn trong tổng thể hệ thống quy hoạch hiện nay, cũng như xử lý mâu thuẫn giữa các loại quy hoạch, các cấp độ quy hoạch đô thị và nông thôn là những vấn đề đang được các địa phương, cơ quan chức năng quan tâm nhất hiện nay.
Theo Luật Quy hoạch năm 2017, quy hoạch đô thị và nông thôn là quy hoạch ngành quốc gia, được lập, điều chỉnh theo phương thức quy hoạch cấp dưới phải tuân thủ quy hoạch cấp trên, phù hợp với các quy hoạch cùng cấp, quy hoạch ban hành trước. Nhưng, từ thực tiễn địa phương, ĐBQH Nguyễn Thành Nam (Phú Thọ) cho biết, hiện nay đang có sự chồng lấn giữa các loại quy hoạch, nhiều địa phương đang “vướng” do có sự không thống nhất giữa quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng và quy hoạch sử dụng đất và hiện cũng chưa có phương án tháo gỡ.
Đại biểu Nguyễn Thành Nam đề nghị, trong quá trình tiếp thu, bổ sung, hoàn thiện dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, các cơ quan cần rà soát các luật liên quan, tổng thể hệ thống quy hoạch quốc gia để xác định đâu là quy hoạch gốc, quy hoạch nào có trước, quy hoạch nào có sau… Nếu không làm rõ vấn đề này thì chỉ cần một quy hoạch ngành quốc gia điều chỉnh thì một tuyến giao thông đi qua khu đô thị đang triển khai thi công sẽ “gay go”.
Đối chiếu với các quy định về căn cứ lập quy hoạch đô thị và nông thôn được sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Luật mới nhất, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn băn khoăn khi tại Điều 14 chưa làm rõ vị trí của quy hoạch chung của đô thị và nông thôn với các loại quy hoạch cấp quốc gia khác, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành khác đã được phê duyệt. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách lưu ý, nội dung nào của quy hoạch cần tuân thủ tuyệt đối, nội dung nào chỉ cần xem xét tính phù hợp, và phù hợp là phù hợp ở mức độ như thế nào cũng chưa được quy định rõ tại dự thảo Luật.
Cùng với đó, các đại biểu cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục rà soát để quy định rõ hơn, mạnh mẽ hơn về phân cấp, phân quyền. Tại dự thảo Luật trình ra Quốc hội tại Kỳ họp thứ Bảy vừa qua đã đưa ra những quy định góp phần tăng cường phân cấp, phân quyền trong lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn, đặc biệt nhiều thẩm quyền về lập, phê duyệt quy hoạch đã được giao cho UBND cấp tỉnh thực hiện. Nhưng, tại các điều khoản ở dự thảo Luật vẫn giữ quy định trước khi UBND cấp tỉnh phê duyệt quy hoạch được giao sẽ phải xin ý kiến Bộ Xây dựng.
Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thành Nam cho rằng, đã giao thẩm quyền cho địa phương thì cần tạo sự chủ động cho địa phương, không nên phải xin ý kiến Bộ Xây dựng. Bộ Xây dựng nên tập trung xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn và tăng cường kiểm tra việc tuân thủ của địa phương thực hiện công tác lập quy hoạch.
Đối với vấn đề mối quan hệ giữa các loại, cấp độ quy hoạch đô thị và nông thôn, đại diện Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP. Hà Nội đề nghị, cần cân nhắc giữ quy hoạch chung của khu đô thị mới, thay vào đó sau khi quy hoạch chung của các thành phố được phê duyệt sẽ lập ngay các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đối với những địa bàn này. Bởi, quy hoạch chung của khu đô thị mới có tỷ lệ tương đương quy hoạch chung thành phố, gần như sẽ giữ cơ sở hạ tầng, hệ thống không gian như quy hoạch chung. Nếu loại hình quy hoạch này vẫn được giữ lại dễ có nguy cơ phát sinh thêm tầng nấc quy hoạch, làm tăng thời gian, chi phí đầu tư dự án của doanh nghiệp.
Quy định cụ thể về tính tuân thủ, phù hợp của quy hoạch đô thị và nông thôn
Trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Ngọc Bảo cho biết, các vấn đề như tính “tuân thủ”, “phù hợp” của quy hoạch đô thị và nông thôn với các loại quy hoạch được luận giải như thế nào, nội dung nào của quy hoạch cần tuân thủ tuyệt đối, nội dung nào chỉ cần xem xét tính phù hợp, và phù hợp ở mức độ như thế nào… đang được đặt ra.
Trong đó, với quy hoạch chung cần cân nhắc sẽ đưa ra những nội dung mang tính định hướng như thế nào, không đưa các nội dung, thông số, thông tin quá cụ thể, quá chi tiết về các dự án đầu tư, dẫn đến thiếu sự linh hoạt và gây khó khăn trong quá trình triển khai. Ngoài ra, các cơ quan cũng đang phải xử lý “bài toán” quy định mức độ cụ thể, chi tiết của quy hoạch phân khu như thế nào; quy hoạch chi tiết do nhà đầu tư lập, gắn với dự án đầu tư cụ thể nhưng phải được cơ quan quản lý nhà nước phê duyệt thì cần “tuân thủ”, “phù hợp” ra sao để bảo đảm được tính linh hoạt trong quá trình triển khai dự án đầu tư.
Góp ý về vấn đề này, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam Phan Đăng Sơn đề nghị, tại dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn cần quy định rõ nguyên tắc quy hoạch cấp dưới phải tuân thủ các quy hoạch cấp trên về cơ cấu tổ chức không gian, kết nối khung hạ tầng kỹ thuật và kế hoạch sử dụng đất. Nội dung cần tuân thủ giữa quy hoạch cấp dưới với quy hoạch cấp trên gồm: tính chất, các chức năng chủ yếu; cơ cấu tổ chức không gian; khung hạ tầng kỹ thuật; kế hoạch sử dụng đất theo từng giai đoạn quy hoạch…
“Mỗi đồ án quy hoạch cần làm rõ những nội dung bắt buộc tuân thủ, được phép thực hiện hoặc cần bảo đảm linh hoạt theo các nguyên tắc phù hợp với từng khu vực quy hoạch và mục tiêu đề ra, để đáp ứng nhu cầu xã hội luôn biến động, từ đó tăng khả năng phát triển của từng đô thị”.
Nhấn mạnh yêu cầu trên, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam đề nghị, chức năng sử dụng đất ở mỗi đồ án quy hoạch cần được cho phép điều chỉnh, thay đổi trong điều kiện phù hợp với mục tiêu phát triển, không ảnh hưởng đến nhu cầu sử dụng đất theo từng cấp độ quy hoạch. Tương tự, mật độ xây dựng, tầng cao xây dựng cũng cần được phép cho thay đổi trong điều kiện phù hợp với yêu cầu phát triển, nhất là khi sẽ giúp bảo đảm yêu cầu gia tăng tiện ích công cộng và cải thiện không gian kiến trúc, cảnh quan chung của mỗi đô thị.
Trên thực tế, do chưa quy định rõ những tiêu chí nào phải tuân thủ, tiêu chí nào chỉ cần bảo đảm phù hợp trong quy hoạch đô thị và nông thôn nên các cơ quan triển khai khá lúng túng, dễ bị quy trách nhiệm sau khi thanh tra, kiểm tra. Để tháo gỡ bài toán trong thực hiện lập quy hoạch này, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Ngô Trung Hải cho rằng, tại các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Bộ Xây dựng cần phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng các quy chuẩn, tiêu chuẩn với từng cấp quy hoạch đô thị và nông thôn, tạo cơ sở cho các địa phương triển khai.
Mặt khác, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn cũng cho rằng, khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mỗi đồ án quy hoạch đô thị thuộc thẩm quyền cần ban hành kèm theo đó một văn bản quy định các hoạt động được phép làm, không được phép làm, khuyến khích làm trong xây dựng quy hoạch phân khu, chi tiết, cũng như khi điều chỉnh những đồ án quy hoạch này. Thực tế, tại quyết định phê duyệt quy hoạch Thủ đô Hà Nội trước đây, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra quy định về quản lý kiến trúc, cảnh quan của Thủ đô. Kinh nghiệm thế giới cũng cho thấy, tại các quốc gia phát triển đều ban hành quy chế kiểm soát phát triển cùng với quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch chung đô thị hay quy hoạch xây dựng.