Lý do là tăng trưởng cho vay cao trong giai đoạn nửa đầu năm khiến tăng trưởng tín dụng của không ít ngân hàng đã "chạm trần" nên không thể hoặc đáp ứng hạn chế nhu cầu vốn của doanh nghiệp cũng như người dân. Việc hạn chế, dừng nhận hồ sơ cho vay, dừng giải ngân khiến kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp, tiêu dùng, đầu tư của khách hàng cá nhân bị ảnh hưởng... Do đó, việc Ngân hàng Nhà nước nới thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng năm nay thêm 1,5 - 2% sẽ góp phần thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế theo kịch bản cao nhất vào cuối năm.
Đánh giá về việc này, nhiều chuyên gia cho rằng, đây là động thái cần thiết nhằm giải quyết vấn đề thanh khoản của cả phía ngân hàng cũng như nền kinh tế, nhất là trong giai đoạn cuối năm. Cụ thể, như ý kiến của đại diện Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội thì các ngân hàng thương mại được tăng cung tín dụng và áp dụng lãi suất cho vay hợp lý sẽ giúp doanh nghiệp phục hồi và duy trì sản xuất kinh doanh từ nay đến cuối năm, đồng thời đáp ứng nhu cầu vốn để thực hiện kế hoạch phục hồi kinh tế - xã hội.
Ý kiến khác cũng khẳng định, việc điều hành tín dụng này của Ngân hàng Nhà nước cho thấy sự cầu thị và lắng nghe phản hồi từ thị trường. Việc nới thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng sẽ góp phần giúp doanh nghiệp hoạt động trở lại trong giai đoạn cuối năm nay. Đặc biệt, việc tăng tín dụng không có nghĩa là sẽ gây lạm phát mà điều quan trọng là tín dụng rót vào lĩnh vực nào. Nếu sử dụng vào các lĩnh vực hiệu quả, tăng tín dụng sẽ không kích lạm phát.
Cần nhấn mạnh rằng, sau quyết định này không lâu của Ngân hàng Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện 1156/CĐ-TTg ngày 12.12.2022 về cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế; kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, cung cấp vốn tín dụng kịp thời, đúng mục tiêu, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, người dân.
Theo đó, Công điện yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có các biện pháp kịp thời, hiệu quả, chỉ đạo các ngân hàng thương mại xem xét, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất từ nguồn ngân sách nhà nước theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20.5.2022 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; chủ động đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện chương trình.
Rà soát, tiết giảm chi phí hoạt động, thủ tục hành chính, các khoản chi không cần thiết để có dư địa chủ động giảm lãi suất cho vay, chia sẻ, hỗ trợ, giúp đỡ người dân, doanh nghiệp cùng vượt qua khó khăn, thách thức, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, góp phần kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội và góp phần xây dựng hệ thống ngân hàng hoạt động công khai, minh bạch, an toàn, lành mạnh, bền vững.
Tập trung tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng kinh tế như tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu; xây dựng khu công nghiệp, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; nâng cao chất lượng tín dụng, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, an ninh tài chính tiền tệ quốc gia.
Quyết định nới thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng là kịp thời và cần thiết. Và quan trọng hơn, với nguyên tắc điều chỉnh tăng chỉ tiêu tín dụng theo hướng các tổ chức tín dụng có thanh khoản tốt hơn, lãi suất thấp hơn sẽ được tăng trưởng tín dụng cao hơn; các đơn vị cân đối vốn phù hợp để cấp tín dụng, tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên, như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa... của Ngân hàng Nhà nước sẽ đem lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp nói riêng, nền kinh tế nói chung.