“Nói một đằng, làm một nẻo”
Trước đề xuất thành lập Viện Đạo đức học của nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng Nguyễn Trọng Phúc, nhiều người đặt câu hỏi việc thành lập Viện vào lúc này có thực sự cần thiết hay không? Cán bộ bị tha hóa, biến chất, vi phạm, thực sự là chưa được giáo dục về đạo đức, hay biết rồi nhưng vẫn “nói một đằng, làm một nẻo”?
Đạo đức là một hình thái ý thức xã hội xuất hiện tương đối sớm, được hiểu là hệ thống các quy tắc, chuẩn mực xã hội mà nhờ đó con người điều chỉnh hành vi của mình phù hợp với lợi ích của cộng đồng, xã hội. Ngay từ nhỏ, đứa trẻ đã được dạy phải biết đoàn kết, chia sẻ, yêu thương. Lớn lên một chút, từ cấp tiểu học, trẻ em được học môn đạo đức, thầy cô dạy biết thế nào sự trung thực và ý nghĩa của việc sống trung thực. Rồi những học sinh ấy lúc nào cũng thuộc lòng 5 điều Bác Hồ dạy, trong đó có điều thứ 5: “Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”… Và cứ thế chúng lớn lên với những điều tốt đẹp thuộc phạm trù đạo đức. Ở đó sự đoàn kết, trung thực luôn được nhấn mạnh như những điểm cốt lõi cho hành trang vào đời của mỗi con người. Đó cũng là nền tảng đạo đức vững chắc cho mỗi cán bộ, đảng viên nếu như thấm nhuần được tất cả những gì đã được học từ nhỏ.
Nhưng học là một chuyện, thực hiện như thế nào lại là chuyện khác!
Có những cán bộ nói rất hay, thậm chí tuyên bố hùng hồn không doanh nghiệp nào có thể mua chuộc được lãnh đạo thành phố, nhưng chính người đó lại sử dụng đến 2 căn nhà, 1 ô tô của doanh nghiệp. Câu chuyện về việc “quên” không kê khai hết tài sản của không ít cán bộ không còn là hiếm. Sau này, khi được hỏi thì giải thích thiếu trung thực. Hoặc có những cán bộ lợi dụng vị trí của mình để làm lợi cho người thân, gia đình, dù bị phát hiện và có hình thức kỷ luật nhưng vẫn không có được văn hóa tối thiểu là “văn hóa từ chức”. Đó là biểu hiện của việc tham quyền cố vị, thiếu dũng cảm khi đối diện với sai phạm của mình…
Nhiều và rất nhiều biểu hiện vi phạm đạo đức của cán bộ, đảng viên, làm giảm sút niềm tin của nhân dân vào đội ngũ cán bộ. Điều đáng nói rằng, không phải cán bộ không nhận thức được vấn đề này, bởi họ được giáo dục cơ bản ngay từ khi còn nhỏ và được bồi dưỡng sâu hơn khi đứng trong hàng ngũ lãnh đạo. Chỉ tiếc rằng, họ học rồi lại “quên” hoặc cố tình quên. Và chính vì đã trót “quên” những điều đã học nên nhiều người phải trả giá đắt.
Nhiều ý kiến cho rằng, nếu xử lý kỷ luật cán bộ, đảng viên vi phạm bằng hình thức kỷ luật Đảng hay bằng pháp luật với chế tài đủ mạnh đủ sức răn đe thì sẽ khắc phục được tình trạng vi phạm đạo đức cán bộ. Việc thành lập Viện Đạo đức học cũng là ý tưởng tốt nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch. Tuy nhiên, với yêu cầu hiện nay, tinh giản tổ chức bộ máy đang đặt ra cấp thiết, thì việc thành lập Viện này phải hết sức cân nhắc.