Chính phủ điều chỉnh lộ trình tăng học phí đại học
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 97/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục (Nghị định 97).
Nghị định 97 điều chỉnh lộ trình học phí như sau: Giữ ổn định học phí từ năm học 2023-2024 của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông bằng mức học phí năm học 2021-2022.
Lùi lộ trình học phí của giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp công lập 1 năm so với quy định tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP (tức là học phí năm học 2023-2024 tăng so với học phí năm học 2022-2023 nhưng mức tăng thấp hơn so với lộ trình quy định tại Nghị định 81) để phù hợp với điều kiện thực tiễn và giảm bớt khó khăn cho học sinh, sinh viên.
Theo Nghị định 97, mức trần học phí (mức cao nhất được thu) ở các đại học công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên năm học này là 1,2-2,45 triệu đồng/tháng, tùy khối ngành, thay vì mức 1,35-2,76 triệu như Nghị định 81. Còn mức thu đang áp dụng trước đó là 0,98-1,43 triệu đồng. Đến năm học 2026-2027, mức trần tăng lên 1,71-3,5 triệu đồng/tháng.
Với những cơ sở giáo dục đại học công lập đã tự chủ (tự bảo đảm chi thường xuyên/ tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư), tùy mức độ được thu tối đa bằng 2-2,5 lần mức trên, tức khoảng 2,4-6,1 triệu đồng/tháng trong năm học 2023-2024. Sau 5 năm, mức trần này tăng lên 3,4-8,75 triệu đồng/tháng.
Trước đó, trong 3 năm vừa qua, nhằm chia sẻ khó khăn với người học trong bối cảnh dịch bệnh, các trường đại học đều không tăng học phí theo quy định của Chính phủ.
Trao quyền chọn sách giáo khoa cho các trường
Bộ GD-ĐT vừa ban hành Thông tư số 27 quy định về việc lựa chọn sách giáo khoa trong các cơ sở giáo dục phổ thông, thay thế cho Thông tư 25 áp dụng từ ngày 11.10.2020 đến nay.
Theo Thông tư 27, Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa của cơ sở giáo dục do hiệu trưởng cơ sở giáo dục hoặc giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, người đứng đầu các cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông, chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS và cấp THPT thành lập, giúp người đứng đầu cơ sở giáo dục tổ chức lựa chọn sách.
Mỗi cơ sở giáo dục thành lập 1 hội đồng. Đối với cơ sở giáo dục có nhiều cấp học, mỗi cấp học thành lập 1 hội đồng. Hội đồng này bao gồm: Người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu; tổ trưởng tổ chuyên môn, tổ chuyên môn, đại diện giáo viên, đại diện ban đại diện cha mẹ học sinh của cơ sở giáo dục.
Số lượng thành viên hội đồng là số lẻ, tối thiểu là 11 người. Đối với cơ sở giáo dục có quy mô dưới 10 lớp, số lượng thành viên hội đồng tối thiểu là 5 người.
Thông tư cũng quy định, người đã tham gia biên soạn sách giáo khoa hoặc tham gia chỉ đạo biên soạn, xuất bản, in, phát hành sách giáo khoa (trong danh mục sách giáo khoa được Bộ trưởng GD-ĐT phê duyệt); cha, mẹ, cha mẹ vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; anh, chị, em ruột và anh, chị, em vợ hoặc chồng của người đã tham gia biên soạn sách giáo khoa hoặc tham gia chỉ đạo biên soạn, xuất bản, in, phát hành sách giáo khoa; người làm việc ở các nhà xuất bản, các tổ chức có sách giáo khoa không được tham gia hội đồng.
Nhiệm vụ của hội đồng là tổ chức thẩm định biên bản các cuộc họp của tổ chuyên môn; các phiếu nhận xét, đánh giá sách giáo khoa của giáo viên; danh mục sách giáo khoa do các tổ chuyên môn lựa chọn. Từ đó, tổng hợp, đề xuất với người đứng đầu danh mục sách giáo khoa do các tổ chuyên môn lựa chọn sau khi đã thẩm định đạt yêu cầu theo quy định.
Chủ tịch Hội đồng sẽ phải chịu trách nhiệm về hoạt động của hội đồng, lập kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch làm việc của hội đồng. Cùng đó, chịu trách nhiệm giải trình về việc lựa chọn sách giáo khoa của cơ sở.
Kết luận vụ cô giáo bị quây trong lớp tại Tuyên Quang: Điều chuyển hiệu trưởng, cảnh cáo cô giáo
Liên quan sự việc cô giáo bị học sinh nhốt trong lớp học, xúc phạm, ném dép, UBND tỉnh Tuyên Quang vừa có báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý vụ việc, báo cáo gửi Bộ GD-ĐT.
Theo kết quả kiểm tra, xác minh, UBND tỉnh Tuyên Quang xác nhận tập thể lãnh đạo Trường THCS Văn Phú chưa có biện pháp hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ của đơn vị theo đúng chức trách thẩm quyền được giao; chưa nắm chắc tình hình tư tưởng của giáo viên và học sinh trong nhà trường; công tác quản lý, giáo dục đạo đức học sinh chưa phát huy hiệu quả tích cực, còn có học sinh vi phạm đạo đức, xúc phạm nhân phẩm, thân thể đối với giáo viên, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục nhà trường và của ngành. Không báo cáo kịp thời báo cáo sự việc đến các cơ quan chức năng để xem xét, xử lý.
Đề nghị tự kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc trong tập thể lãnh đạo, quản lý nhà trường.
Đối với ông Nguyễn Duy Sáng, Hiệu trưởng, với trách nhiệm là người đứng đầu đơn vị trường học, chưa chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của đơn vị theo đúng chức trách, thẩm quyền được giao, chưa phát huy vai trò trách nhiệm của người đứng đầu, để tập thể cán bộ, giáo viên mất đoàn kết nội bộ trong cơ quan và giữa giáo viên với học sinh.
Ngày 25.12.2023, chủ tịch UBND huyện Sơn Dương ban hành quyết định thi hành kỷ luật đối với ông Nguyễn Duy Sáng bằng hình thức cảnh cáo. UBND huyện Sơn Dương thực hiện điều chuyển ông Nguyễn Duy Sáng nhận nhiệm vụ mới phù hợp; điều động ông Nguyễn Tiến Quyền, hiệu trưởng Trường THCS Vân Sơn, đến nhận công tác và bổ nhiệm giữ chức vụ hiệu trưởng Trường THCS Văn Phú.
Với cô giáo P.T.H., theo kết quả kiểm tra của UBND tỉnh Tuyên Quang, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại trường, cô H. đã có phát ngôn không chuẩn mực với đồng nghiệp và học sinh; ngôn ngữ, ứng xử chưa đảm bảo tính sư phạm. Trong sự việc xảy ra ngày 29.11.2023, bản thân cô có phát ngôn xúc phạm đến học sinh; có hành vi cầm giày đuổi theo và vung tay về phía học sinh.
UBND tỉnh Tuyên Quang xác nhận các hành vi trên đã vi phạm quy định về đạo đức nhà giáo, những điều viên chức không được làm, đã làm ảnh hưởng xấu, nghiêm trọng đến hình ảnh nhà giáo, môi trường giáo dục và tình hình an ninh trật tự địa phương. Ngày 27.12.2023, chủ tịch UBND huyện Sơn Dương ban hành quyết định thi hành kỷ luật đối với cô H. bằng hình thức cảnh cáo.
Hơn 5.800 thí sinh bước vào Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia
Kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia năm học 2023-2024 do Bộ GD-ĐT tổ chức diễn ra trong 2 ngày 5 và 6.1. Tổng số thí sinh đăng ký dự thi kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia năm nay là 5.819 thí sinh, tăng 1.230 thí sinh so với năm học 2022-2023.
Kỳ thi nhằm động viên, khuyến khích người dạy và người học phát huy năng lực sáng tạo, dạy giỏi, học giỏi; góp phần thúc đẩy việc cải tiến, nâng cao chất lượng dạy và học, chất lượng công tác quản lý, chỉ đạo của các cấp quản lý giáo dục; đồng thời, phát hiện người học có năng khiếu về môn học để tạo nguồn bồi dưỡng, thực hiện mục tiêu đào tạo nhân tài cho đất nước.
Kỳ thi năm nay sẽ có 68 Hội đồng coi thi với tổng số 403 phòng thi với 5.819 thí sinh tham dự.
Ngày 5.1, thí sinh thi viết các môn Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc và thi lập trình trên máy vi tính môn Tin học.
Ngày 6.1, thí sinh thi viết các môn Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học; thi nói các môn Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc và thi lập trình trên máy vi tính môn Tin học.
Nội dung thi nằm trong Chương trình giáo dục trung học phổ thông 2006 và hướng dẫn thực hiện chương trình chuyên sâu các môn chuyên cấp trung học phổ thông theo Công văn số 10803/BGDĐT-GDTrH ngày 16.12.2009 của Bộ GD-ĐT.