Mệnh lệnh từ trái tim người dầu khí
Trong Nghị quyết số 41-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, cũng như Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Chính trị nhấn mạnh, Petrovietnam phải tăng cường áp dụng tiến bộ về khoa học công nghệ trong tìm kiếm, gia tăng trữ lượng dầu mỏ, sản xuất kinh doanh dầu khí, điện, đạm, năng lượng mới (dầu đá phiến, khí hydrate, khí hydro…) bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Cùng với đó, trong mục tiêu tổng quát Chiến lược phát triển của Petrovietnam đặc biệt nhấn mạnh việc cần phải xây dựng tiềm lực khoa học công nghệ mạnh bằng những giải pháp đột phá. Đây được xem là động lực, nền tảng để Tập đoàn phát triển bền vững.
Trải qua hơn 63 năm truyền thống ngành dầu khí và gần 50 năm hình thành và phát triển, Petrovietnam đã không ngừng nâng cao tiềm lực nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, chủ động tiếp thu kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, phát huy sáng tạo, tối ưu hiệu quả công nghệ hiện có để đạt trình độ ngang bằng với các công ty dầu khí trong khu vực và trên thế giới. Hàng trăm giải thưởng đã được trao tặng cho các thành tựu về khoa học công nghệ của ngành dầu khí, trong đó có nhiều công trình, cụm công trình vinh dự nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về khoa học công nghệ, Giải thưởng VIFOTEC…
Các công trình khoa học công nghệ là thành quả nhiều năm miệt mài vừa làm chuyên môn vừa tìm tòi nghiên cứu, thử nghiệm của những nhà khoa học dầu khí. Đơn cử như cụm công trình “Nghiên cứu phát triển công nghệ thiết kế, thi công, lắp đặt các công trình dầu khí biển siêu trường, siêu trọng phù hợp với điều kiện Việt Nam” được triển khai và hoàn thành sau hơn 10 năm; "Nghiên cứu ứng dụng các giải pháp công nghệ trong thu gom, xử lý và sử dụng khí đồng hành ở các mỏ của Liên doanh Vietsovpetro và các mỏ lân cận" được thực hiện và triển khai liên tục trong 25 năm; "Hệ thống trạm đo carota tổng hợp xách tay TBM-02" được nghiên cứu chế tạo trong 21 năm; các giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ tối ưu hóa quá trình sản xuất của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất được nghiên cứu và hoàn thành trong 12 năm…
Đơn cử như "Hệ thống trạm đo carota tổng hợp xách tay TBM-02" làm lợi khoảng 2.636 tỷ đồng, hay các giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ tối ưu hóa quá trình sản xuất của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất làm lợi khoảng 4.270 tỷ đồng. Đặc biệt là giải pháp sớm đưa khí đồng hành tại các mỏ dầu ngoài khơi về bờ, đem lại khoản thu hàng chục nghìn tỷ đồng, góp phần bảo đảm cung ứng điện cho khu vực Đông Nam Bộ…
Bên cạnh đó, nhiều công trình khoa học công nghệ vẫn đang được Petrovietnam tiếp tục nghiên cứu, nâng cấp để phục vụ sản xuất khi điều kiện khai thác, thăm dò dầu khí ngày càng khó khăn, tính cạnh tranh các sản phẩm trên thị trường thế giới ngày càng lớn; đặc biệt với xu thế chuyển dịch năng lượng và chuyển đổi số hiện nay, khoa học công nghệ chính là chìa khóa của mọi sự thành công.
Nhớ lại, khi Nhà máy Lọc dầu Dung Quất - nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam bắt đầu vận hành, chất lượng sản phẩm ban đầu của nhà máy chưa ổn định; khi đó, Petrovietnam xác định, để nâng cao chất lượng vận hành nhà máy là một quá trình bền bỉ và lâu dài. Cải tiến, sáng tạo ngay trong thực tế sản xuất vận hành Nhà máy đã trở thành hành động thường xuyên, liên tục. Suốt 15 năm qua, hơn 30 giải pháp, sáng kiến đã ra đời, nâng công suất Nhà máy vượt thiết kế, bảo đảm chất lượng sản phẩm lên mức cao nhất; đóng góp lớn cho tỉnh Quảng Ngãi và ngân sách nhà nước; đặc biệt là góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Khoa học công nghệ gắn với phát triển bền vững
Nhận thức đúng đã tạo sự gắn kết khoa học công nghệ với công nghiệp dầu khí, thúc đẩy sự hình thành và triển khai các công trình nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ, gắn kết nghiên cứu với ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ trong hoạt động sản xuất kinh doanh tại Petrovietnam, là động lực cũng như cơ sở cho sự phát triển bền vững của Tập đoàn.
Hiện nay, khoa học công nghệ được áp dụng ở tất cả các lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh của Petrovietnam, đặc biệt các nghiên cứu tập trung vào hướng chuyên môn, chuyên ngành. Công tác nghiên cứu điều tra cơ bản về dầu khí được Tập đoàn chú trọng triển khai tích cực và kết quả nghiên cứu được coi là cơ sở quan trọng trong việc xây dựng chiến lược phát triển dài hạn của Tập đoàn, giúp đưa ra quyết sách, chủ trương đúng đắn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, ngoài ra còn giúp các bộ, ngành quy hoạch phát triển kinh tế đất nước. Công tác nghiên cứu điều tra cơ bản mang tính dẫn dắt, mở ra các hướng nghiên cứu chuyên sâu tiếp theo, các hướng nghiên cứu mới trong công tác tìm kiếm các loại năng lượng mới như khí than, khí sét, khí hydrate (băng cháy)…
Quản lý công nghệ là công cụ biến đổi mạnh mẽ nhất ở cả các nước phát triển và đang phát triển. Việc xây dựng năng lực quản lý công nghệ, nhân tố chính của tiềm lực công nghệ, có tầm quan trọng sống còn đối với một tập đoàn kinh tế kỹ thuật như Petrovietnam. Những năm gần đây, Petrovietnam liên tục đưa các sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào hoạt động quản trị, sản xuất kinh doanh; công tác chuyển đổi số được triển khai bài bản; chủ động tham gia chuỗi giá trị năng lượng xanh (điện gió ngoài khơi, hydro xanh...).
Từ đó, Petrovietnam vượt qua nhiều khó khăn thách thức, liên tục lập những kỷ lục về doanh thu, lợi nhuận và nộp ngân sách nhà nước. Gần đây nhất, năm 2024, doanh thu toàn Tập đoàn đã vượt 1 triệu tỷ đồng, tăng 36% so với thời kỳ trước đại dịch Covid-19 (năm 2019), tương đương khoảng 9% tổng GDP của cả nước.