Nhìn tận gốc vấn đề...

Ninh Hà 21/06/2022 07:01

Tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV, một đại biểu Quốc hội đã phát biểu rằng, nhiệm vụ đầu tư mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế là vô cùng quan trọng, tuy nhiên đang có vướng mắc về mặt pháp lý, có tình trạng sợ trách nhiệm, trông chờ dựa vào cấp trên... dù Chính phủ đã có các Nghị quyết, Chỉ thị nhưng dưới góc độ quản lý nhà nước, các quyết định, chỉ đạo này vẫn chưa đủ mạnh, quy trình thủ tục vẫn có "độ trễ" nhất định.

Và trong thông cáo báo chí của Bộ Y tế mới đây, vấn đề này một lần nữa lại được nhắc đến. Cụ thể, theo Bộ Y tế, đang có tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế ở nhiều nơi, chủ yếu là các loại thuốc, vật tư y tế thông dụng thuộc thẩm quyền mua sắm của các địa phương, đơn vị, gây ảnh hưởng đến công tác khám bệnh, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Nguyên nhân đầu tiêu là do tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ bị thanh tra, kiểm tra nên không dám làm, không dám đấu thầu, mua sắm ở một số địa phương, đơn vị. Do công tác mua sắm trong lĩnh vực y tế có lúc, có nơi xuất phát từ nhu cầu bị động, phụ thuộc nhiều vào các yếu tố như tình hình dịch bệnh, mô hình bệnh tật. Đặc biệt, trong các năm 2020 - 2021, nhiều gói thầu phải mua theo hình thức chỉ định thầu rút gọn, lựa chọn nhà thầu trong trường hợp khẩn cấp để phục vụ chống dịch Covid -19. Và cũng do ảnh hưởng của dịch nên nguồn nguyên liệu sản xuất, hàng hóa khan hiếm, giá cả hàng hóa nhiều biến động nên việc mua sắm thuốc, vật tư y tế, hóa chất, các sinh phẩm trở nên khó khăn hơn.

Nguyên nhân nữa là có đơn vị chưa thống nhất cách hiểu, thực hiện Nghị định của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính dẫn đến việc đấu thầu, mua sắm của các đơn vị sự nghiệp công lập bị chững lại, chưa tổ chức thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà thầu cung cấp tài sản, hàng hoá, dịch vụ kể từ khi Nghị định có hiệu lực. Là do một số khó khăn, chậm có kết quả đấu thầu tập trung quốc gia, đàm phán giá một số thuốc mua sắm tập trung dẫn tới các cơ sở phải thực hiện hình thức mua sắm tại cơ sở và không chủ động được thời gian, số lượng. Là do hết hạn số đăng ký của một số loại thuốc dẫn tới chậm thầu so với dự kiến đề ra...

Để giải quyết tình trạng này, Bộ Y tế đã ban hành văn bản đề nghị các địa phương, đơn vị chủ động đôn đốc tăng cường năng lực, hiệu quả công tác mua sắm, đấu thầu và kịp thời báo cáo Thủ tướng và các bộ, ngành. Theo đó, thủ trưởng đơn vị phải có trách nhiệm đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế theo thẩm quyền và theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm có đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân...

Thực tế, những bất cập, chồng chéo, mâu thuẫn trong quy định của pháp luật về đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế là có và cần thiết phải sớm sửa đổi, bổ sung. Tuy nhiên, đây chắc chắn không phải là những nguyên nhân căn cốt. Cái chính, như ý kiến của Phó trưởng Ban Dân nguyện Hoàng Anh Công là bệnh sợ trách nhiệm. Vì sao có những người khi thực thi nhiệm vụ, dù biết là đúng căn cứ, đúng quy định pháp luật nhưng vẫn sợ và không dám quyết định chỉ vì nhằm bảo đảm an toàn cho bản thân?

Rõ ràng, không chỉ trong lĩnh vực y tế mà việc đấu thầu, mua sắm trang thiết bị là việc thường xuyên, liên tục ở nhiều lĩnh vực, pháp luật cũng đã quy định. Nên như ý kiến của một đại biểu Quốc hội là phải làm rõ tại sao bây giờ lại nhiều vi phạm như vậy và làm như thế nào để chấm dứt tình trạng này thời gian tới? Phải làm sao để người ta không thể sai, không dám sai? Phải nhìn tận gốc vấn đề.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Nhìn tận gốc vấn đề...
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO