Nhìn lại các tin tức nổi bật về lừa đảo trực tuyến trong tuần qua

Cùng nhìn lại các tin tức nổi bật về lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam trong tuần qua (15.1 - 21.1.2024) với series "Điểm tin tuần" của Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông.

Nhìn lại các tin tức nổi bật về lừa đảo trực tuyến trong tuần qua -0

1. Cảnh báo: Cô gái sập bẫy chiêu trò đóng thuế trúng thưởng vì tin tưởng bạn chơi game trên mạng xã hội, bị chiếm đoạt hơn 800 triệu đồng.

Mới đây, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Biên Hòa (Đồng Nai) đang tạm giữ hình sự Nguyễn Lê Hoàng Thủy (31 tuổi, ngụ TP Biên Hòa) để điều tra hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo điều tra, đối tượng lừa đảo có quen biết chị N.T.Q.A. (30 tuổi, quê Bình Thuận) thông qua một trò chơi game điện tử trên mạng xã hội và nảy sinh ý định lừa chị A. lấy tiền trả nợ. Trong quá trình trò chuyện khi chơi game, đối tượng tự xưng là nhân viên bán hàng của Thế giới di động ở TP. Hồ Chí Minh, giới thiệu với nạn nhân nếu muốn mua điện thoại giá rẻ thì đối tượng sẽ hỗ trợ. Nhẹ dạ cả tin, nạn nhân đã chuyển khoản cho đối tượng trên số tiền 44,5 triệu đồng để nhờ mua 3 chiếc điện thoại di động. Tuy nhiên, sau khi nhận được tin, đối tượng ngay lập tức rút tiền để trả nợ; khi chị chị A. hỏi về tình trạng “đơn hàng” của mình thì đối tượng lấy lý do chưa có điện thoại giao.

Không dừng lại ở đó, đối tượng còn nói dối khi mua điện thoại cho chị A. rằng chị đã may mắn trúng thưởng hàng tỷ đồng và yêu cầu chị A. chuyển tiền đóng thuế 10% để nhận số tiền thưởng trên. Để chị A. tin tưởng, Thủy chỉnh sửa số dư tài khoản rồi chụp hình gửi đối phương. Tin lời, chị A. nhiều lần chuyển khoản cho Thủy với số tiền hơn 800 triệu đồng. Tuy nhiên, vì mãi sau nạn nhân vẫn không nhận được số tiền nào, nghi ngờ bị lừa đảo, nạn nhân đã đến Công an phường Thanh Bình (TP Biên Hòa) trình báo vụ việc.

Trước tình trạng trên, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần phải nâng cao cảnh giác trước những lời mời trên mạng xã hội. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ. Người dân cần tìm hiểu kỹ về đối tượng gọi đến, yêu cầu họ cung cấp đầy đủ thông tin về họ tên, chức vụ, đơn vị công tác, địa chỉ, số điện thoại (nếu bên tặng thưởng là cá nhân); tên Công ty, địa chỉ cụ thể, số điện thoại, mã số thuế, giấy phép đăng ký kinh doanh (nếu bên tặng thưởng là doanh nghiệp) để tìm hiểu, tra cứu xác minh đối tượng từ nhiều nguồn khác nhau. Liên hệ với các cơ quan có thẩm quyền như Sở Công Thương hoặc Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương để được giải đáp và hỗ trợ kịp thời về chương trình khuyến mãi, trao thưởng mà bên kia cung cấp bởi các chương trình khuyến mại, trao thưởng lớn đều phải được đăng ký và cấp phép.

Nhìn lại các tin tức nổi bật về lừa đảo trực tuyến trong tuần qua -0

2. Cảnh báo đối tượng lừa đảo bán hàng qua mạng, chiếm đoạt hơn 7 tỷ đồng của hàng trăm người.

Trong năm 2023, Phòng An ninh mạng phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Đắk Lắk và Công an TP Buôn Ma Thuột nhận được đơn trình báo của nhiều người về việc bị một đối tượng lừa bán hàng qua mạng xã hội rồi chiếm đoạt tiền cọc.

Nhận được thông tin, Mới đây,Công an TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk)đã điều tra và thực hiện tạm giữ hình sự Trần Quốc Vũ (23 tuổi, trú xã Nâm N'Jang, H.Đắk Song, Đắk Nông) để điều tra hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thông qua bán nội thất, gia dụng qua mạng.

Tại cơ quan công an, đối tượng khai nhận do cần tiền tiêu xài và đánh bạc trên mạng nên nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều người qua mạng xã hội. Đối tượng lên mạng liên hệ với một người không rõ nhân thân lai lịch có tên "Nhi Xinh" để cấu kết lập tài khoản nhận tiền của các nạn nhân do Vũ lừa đảo. Khi lừa được nạn nhân, đối tượng hướng dẫn họ chuyển tiền vào số tài khoản của "Nhi Xinh" và thỏa thuận trả tiền công cho "Nhi Xinh" 10% số tiền chiếm đoạt được.

Đối tượng mua các tài khoản mạng xã hội, đăng tải thông tin rao bán những món đồ nội thất, gia dụng lên các hội nhóm. Khi có người nhắn tin hỏi mua, đối tượng yêu cầu khách chuyển tiền đặt cọc đến các tài khoản của "Nhi Xinh". Sau khi nhận được tiền của nạn nhân, Vũ chặn liên lạc, chiếm đoạt tiền, sử dụng vào việc đánh bạc trên mạng.

Với thủ đoạn trên, từ tháng 1.2023 đến khi bị bắt giữ, Vũ lừa hơn 400 người ở nhiều tỉnh, thành chiếm đoạt hơn 7 tỷ đồng.

Để phòng tránh tình trạng trên tiếp tục diễn ra, Cục An toàn thông tin đưa ra khuyến cáo, người dân cần tỉnh táo khi thực hiện giao dịch mua bán không chỉ trên các trang mạng xã hội mà cả những sàn thương mại điện tử. Người dùng cần kiểm tra và tìm hiểu kỹ thông tin về người bán; chỉ thực hiện giao dịch khi đã xác nhận được mức độ uy tín và đảm bảo rằng người bán có đủ thông tin chi tiết về sản phẩm, hình ảnh chất lượng và mô tả chính xác. Đồng thời, nhận định từ các đánh giá của người mua khác về chất lượng sản phẩm. Không chuyển tiền, thanh toán dưới mọi hình thức khi chưa xác định được uy tín của người bán và chất lượng của sản phẩm. Ngoài ra, người dân cũng nên tìm hiểu về chính sách bảo hành và hoàn tiền của bên bán hàng để đảm bảo quyền lợi cho bản thân.

Nhìn lại các tin tức nổi bật về lừa đảo trực tuyến trong tuần qua -0

3. Sóc Trăng: cảnh báo hình thức lừa đảo mạo danh lãnh đạo sở thông tin và truyền thông để chiếm đoạt tài sản.

Mới đây, phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng đã ký công văn gửi các sở, ngành tỉnh và UBND các huyện thị xã, thành phố thông báo về sự việc một số đối tượng mạo danh lãnh đạo với mục đích lừa đảo.

Theo nội dung công văn, gần đây có một số đối tượng mạo danh lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng và lãnh đạo Công an tỉnh Sóc Trăng gọi đến các số thuê bao khác thông tin về việc sử dụng số thuê bao mang thông tin cá nhân của mình để thiết lập các tài khoản trên các nền tảng mạng xã hội, đăng phát thông tin chống phá Đảng, Nhà nước, hoặc có liên quan đến đường dây mua bán ma túy mà cơ quan công an đang điều tra. Sau đó, các đối tượng yêu cầu phối hợp xử lý vụ việc hoặc yêu cầu chuyển tiền.

Trước tình hình này, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng đề nghị cơ quan, đơn vị và các địa phương phối hợp thông tin tuyên truyền đến cán bộ, công chức, viên chức và người dân nâng cao tinh thần cảnh giác với các cuộc gọi có nghi vấn mạo danh.

Đồng thời, Cục An toàn thông tin cũng khuyến cáo người dân phải tuyệt đối cảnh giác khi nhận được những cuộc gọi như trên; tuyệt đối không làm theo yêu cầu của các đối tượng nghi vấn là mạo danh. Sở Thông tin và Truyền thông và Công an tỉnh là những cơ quan nhà nước, trường hợp có mời làm việc đều phát hành văn bản chính thức hoặc đến tận nhà nơi cư trú để mời trực tiếp. Trong trường hợp nhận được cuộc gọi nghi ngờ mạo danh, người dân có thể ghi âm cuộc gọi, lưu lại số điện thoại và thông báo kịp thời cho cơ quan công an nơi gần nhất để trình báo vụ việc.

Nhìn lại các tin tức nổi bật về lừa đảo trực tuyến trong tuần qua -0

4. Hà Nội: Tham gia chương trình "tuyển mẫu ảnh thời trang quý bà", người phụ nữ bị chiếm đoạt hơn 500 triệu đồng.

Theo Công an TP. Hà Nội, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an thành phố đã thường xuyên phát thông báo cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua tham gia các hoạt động hướng tới đối tượng là trẻ em như: tham gia diễn giả nhí, tham gia người mẫu nhí, tham gia trại hè...

Tuy nhiên, thời gian gần đây, các đối tượng tiếp tục mở rộng đối tượng hướng tới là các “quý bà”, thường xuyên sử dụng mạng xã hội Facebook. Các đối tượng lập ra Fanpage trên mạng xã hội và đăng tải các thông tin tuyển mẫu ảnh thời trang quý bà như: "Công ty cần Tuyển Mẫu ảnh Quý Bà Thanh Lịch; Cơ hội để bạn tỏa sáng, hiện thực hóa vẻ đẹp quý phái và sức quyến rũ của mình qua ống kính tài năng của các nhiếp ảnh gia hàng đầu; Hãy khám phá vẻ đẹp thanh lịch và sự duyên dáng của những bức ảnh với các quý bà hiện đại; Chúng tôi tìm kiếm những người phụ nữ tỏa sáng với phong cách riêng biệt, đẳng cấp và quyến rũ. Thông qua Fanpage, khi các nạn nhân có nhu cầu và liên hệ, các đối tượng sẽ cung cấp số điện thoại, kết bạn Zalo và thông tin cá nhân để đăng ký. Sau khi đăng ký thành công, các quý bà sẽ được tham gia vào các hoạt động nhóm và yêu cầu chọn các sản phẩm như: váy, túi xách, nước hoa, đồng hồ… với số tiền khác nhau.

Một nạn nhân của chiêu trò, Bà Q. trú tại Hà Nội sau khi mua sản phẩm và được hoàn lại gần 20 triệu, Bà Q. tiếp tục thực hiện thêm 10 lần giao dịch với tổng số tiền gần 500 triệu đồng nhưng không được hoàn lại tiền.

Trước chiêu trò đăng ký tuyển mẫu thời trang quý bà để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần cẩn trọng khi tìm hiểu các thông tin về chương trình tuyển mẫu thời trang trên các trang mạng xã hội để tránh bị lừa đảo. Tuyệt đối không tham gia các hội thi, lễ hội quảng bá trên mạng khi chưa trực tiếp xác minh, kiểm tra thông tin ngoài đời thực. Không chuyển tiền theo yêu cầu lừa đảo. Thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin tội phạm để phòng ngừa, tuyên truyền cho người thân, đặc biệt là người trung niên; trình báo cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc nghi vấn có hành vi thủ đoạn như trên.

Nhìn lại các tin tức nổi bật về lừa đảo trực tuyến trong tuần qua -0

5. Cảnh báo: Chiêu trò lừa đảo xin việc nở rộ, người phụ nữ chiếm đoạt gần 2 tỷ đồng của hơn 200 người.

Mới đây, Phòng cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Thị Thanh - 38 tuổi, trú thị trấn Kim Tân, huyện Thạch Thành - để điều tra về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Theo lời một trong những nạn nhân của đối tượng trên, anh B.V.T. (43 tuổi, ở phường Đông Hương, TP Thanh Hóa), đã nhiều lần chuyển cho Thanh tổng số tiền hơn 400 triệu đồng để xin việc cho một số người thân của mình. Sau nhiều lần hứa hẹn, người thân của anh T. không được đi làm, lúc này nạn nhân mới biết mình bị lừa nên đã trình báo Công an tỉnh Thanh Hóa.

Theo đó, đối tượng không có việc làm ổn định, thường thuê chung cư trên địa bàn TP Thanh Hóa để sinh sống. Tuy nhiên, Thanh luôn tự giới thiệu mình thân quen với nhiều người, nhiều doanh nghiệp, có thể xin được vào làm việc tại các công ty lớn, với mức thu nhập ổn định từ 10 triệu đến 30 triệu đồng (tùy vị trí việc làm). Ngoài ra, đối tượng lấy lý do và yêu cầu nạn nhân phải đặt cọc số tiền 5-10 triệu đồng thì mới được nhận vào công ty làm việc, tiền cọc sẽ được công ty hoàn lại sau 3 tháng đi làm. Đối với người có nhu cầu làm tài xế xe khách thì phải đặt cọc từ 10 triệu đến 30 triệu đồng. Sau hai năm đi làm, nếu không tự ý bỏ việc thì công ty sẽ hoàn trả số tiền đặt cọc. Tin lời của Thanh, nhiều người đã chuyển tiền vào tài khoản của đối tượng để đặt cọc với mong muốn có được vị trí việc làm ổn định. Tuy nhiên, đây hoàn toàn là chiêu trò lừa đảo nhằm chiếm đoạt tiền của nạn nhân.

Trước hiện trạng trên, Cục An toàn thông tin cũng đã nhiều lần đưa ra cảnh báo cho người dân, đặc biệt là những người lao động và có nhu cầu tìm việc. Người dân nên cẩn trọng với các lời giới thiệu việc làm trên mạng xã hội; cần tìm hiểu kĩ về người giới thiệu và chính sách của công ty mà đối tượng nhắc tới. Tuyệt đối không đặt cọc cho các đối tượng dưới bất cứ hình thức nào khi chưa nắm bắt rõ ràng thông tin và mức độ uy tín. Những người dân có nhu cầu tìm việc, nên tìm đến những văn phòng, công ty có danh tiếng, uy tín hoặc các trang web chính thống của họ; tuyệt đối không tin tưởng những đối tượng bắt đặt cọc trước.

Nhìn lại các tin tức nổi bật về lừa đảo trực tuyến trong tuần qua -0

6. Cảnh báo chiêu trò lên mạng xã hội kêu gọi từ thiện, nhóm đối tượng chiếm đoạt gần 2 tỷ đồng.

Mới đây, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao và Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bạc Liêu bắt giữ nhóm đối tượng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức kêu gọi từ thiện trên không gian mạng.

Các đối tượng bị bắt giữ gồm: Nguyễn Hồng Hận  (SN 1999); Nguyễn Khánh Duy (SN 1995);  Lê Huyền Trân (SN 2004); Huỳnh Thanh Toàn (SN 1997) và Trần Thị Kiều (SN 1970). Sau khi thực hiện khám xét nơi ở của các đối tượng, lực lượng Công an thu giữ: 4 bộ máy vi tính, hàng chục thẻ sim điện thoại, nhiều điện thoại di động, xe máy và một số tang vật khác có liên quan. Sau khi thực hiện khám xét nơi ở của các đối tượng, lực lượng Công an thu giữ: 4 bộ máy vi tính, hàng chục thẻ sim điện thoại, nhiều điện thoại di động, xe máy và một số tang vật khác có liên quan.

Theo hồ sơ của cơ quan Công an, từ khoảng năm 2022, nhóm đối tượng này tham gia nhiều hội, nhóm trên không gian mạng, nhất là các hội, nhóm thiện nguyện. Các đối tượng nói trên lấy thông tin từ các hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật đã đăng trên báo chí rồi đăng lại trên các hội, nhóm kêu gọi giúp đỡ. Tổng số tiền các đối tượng chiếm đoạt tiền gần 2 tỷ đồng của rất nhiều người dân trên địa bàn cả nước. Vụ việc đang được cơ quan Công an tiếp tục điều tra, mở rộng.

Trước tình trạng trên, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân nên tìm hiểu kỹ về các hoạt động từ thiện và hỗ trợ trên mạng xã hội. Đây là một hiện trạng đáng lên án khi lợi dụng lòng tốt của những nhà hảo tâm để chuộc lợi, gây mất niềm tin của người dân đối với các hoạt động thiện nguyện thật. Do đó, để lòng tốt được trao gửi đúng chỗ, những người có tấm lòng thiện nguyện nên lựa chọn các quỹ, chương trình từ thiện do Nhà nước, đoàn thể, quỹ xã hội, quỹ từ thiện được cơ quan có thẩm quyền cấp phép đứng ra tổ chức. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, cần báo cho cơ quan Công an gần nhất để kịp thời xử lý.

Nhìn lại các tin tức nổi bật về lừa đảo trực tuyến trong tuần qua -0

7. Hà Nội: Bị lừa cài đặt ứng dụng (app) giả mạo dịch vụ công, 6 người dân tại hà nội bị chiếm đoạt 20,6 tỷ đồng, trong đó có một người bị mất 15,3 tỷ đồng.

Ngày 17.1, Công an TP Hà Nội cho biết từ đầu tháng 1.2024 đến nay, Phòng an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TP đã tiếp nhận đơn trình báo của 6 người dân bị lừa cài đặt dịch vụ công giả mạo và bị chiếm đoạt gần 20,6 tỉ đồng. Trong đó, người bị chiếm đoạt nhiều nhất 15,3 tỷ đồng và người bị chiếm đoạt ít nhất là 252 triệu đồng.

Các đối tượng tội phạm này thường nhằm vào những người cao tuổi, ít am hiểu về công nghệ để thực hiện hành vi lừa đảo.

Một trong các nạn nhân là anh V., trú tại quận Long Biên (Hà Nội), sau khi truy cập đường dẫn do đối tượng giả mạo là cán bộ công an phường cung cấp, tải ứng dụng giả mạo dịch vụ công để bốc số thứ tự trước, không phải chờ khi lên quận làm thủ tục, anh V. đã bị chiếm đoạt 1,3 tỷ đồng trong 3 giao dịch chuyển tiền.

Tương tự, chị A., trú tại quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), được một người đàn ông gọi điện xưng là cán bộ Công an quận Hai Bà Trưng yêu cầu lên Công an quận cập nhật thông tin bằng lái xe. Do chị A. bận nên cán bộ công an quận giả mạo hướng dẫn cập nhật qua mạng. Sau khi tải ứng dụng dịch vụ công giả mạo do đối tượng cung cấp, chị A. đã bị chiếm đoạt gần 1 tỷ đồng trong tài khoản ngân hàng...

Theo Công an TP Hà Nội, thủ đoạn của những đối tượng là tạo ra những ứng dụng có giao diện giống với ứng dụng Cổng dịch vụ công. Sau đó, giả danh là công an phường/quận thông báo: Căn cước công dân chưa được đồng bộ dữ liệu đất đai thành công, chưa cập nhật thông tin thẻ bảo hiểm y tế, cập nhật thông tin bằng lái xe chưa thành công…; hướng dẫn nạn nhân cập nhật qua mạng vì để tiết kiệm thời gian.

Các đối tượng tiếp tục dẫn dắt người dân cài đặt ứng dụng giả mạo về điện thoại hoặc truy cập vào đường link cài đặt ứng dụng giả mạo gần giống với Cổng dịch vụ công; từ đó, mã độc sẽ song song được tải về điện thoại, cho phép đối tượng truy cập vào thiết bị để hoạt động truy cập dữ liệu, chụp ảnh màn hình, đọc tin nhắn, đặc biệt là quyền trợ năng để chiếm quyền điều khiển điện thoại. Sau khi đã cài mã độc vào thiết bị của nạn nhân, các đối tượng sẽ lấy cắp mật khẩu đăng nhập tài khoản ngân hàng và mã OTP giao dịch, thực hiện các lệnh chuyển tiền và chiếm đoạt tài sản.

Dù đây không phải chiêu trò mới những vẫn có nhiều người dân bị sập bẫy do không am hiểu về công nghệ cũng như không thường xuyên cập nhật thông tin về dịch vụ công nhà nước và an toàn không gian mạng. Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác trước các cuộc gọi và tin nhắn lạ có liên quan đến cán bộ của cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, cũng như không làm theo các yêu cầu thông qua điện thoại. Không truy cập vào các đường link nhận được qua tin nhắn; cảnh giác với các yêu cầu cài đặt phần mềm. Khi cài đặt bất kỳ ứng dụng nào, người dùng cần tìm hiểu kỹ thông tin, đừng vội đồng ý tất cả các điều khoản; chỉ nên truy cập và cài đặt ứng dụng thông qua Google Play (Android) hoặc Apple Store (Apple). Ngoài ra, người dân cũng nên sử dụng những phương thức bảo vệ tài khoản sinh trắc học như vân tay, Face ID (nhận diện khuôn mặt),... để đăng nhập ứng dụng ngân hàng và các ứng dụng thanh toán; không lưu thông tin bảo mật dịch vụ ngân hàng trên các phần mềm ứng dụng điện thoại. Khi nhận được các cuộc gọi và tin nhắn lạ từ các cơ quan chức năng, trước tiên hãy chủ động liên hệ lại với cơ quan đó để xác minh về cuộc gọi.

Tin tức

Công an tỉnh Lâm Đồng xử lý nhiều trường hợp rao bán giấy mời khai mạc Festival Hoa Đà Lạt
Tin tức

Công an tỉnh Lâm Đồng xử lý nhiều trường hợp rao bán giấy mời khai mạc Festival Hoa Đà Lạt

Công an tỉnh Lâm Đồng đã phát hiện, xử lý nhiều trường hợp có hành vi mua bán giấy mời lễ khai mạc Festival Hoa Đà Lạt 2024 qua không gian mạng; đồng thời tuyên truyền công khai, cảnh báo đến người dân biết, không vi phạm, không để đối tượng xấu lợi dụng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tiềm ẩn mất an ninh trật tự.

Nổi lên tình trạng sử dụng resort cao cấp để tổ chức sử dụng trái phép ma túy
Pháp luật

Nổi lên tình trạng sử dụng resort cao cấp để tổ chức sử dụng trái phép ma túy

Theo báo cáo tại hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai các giải pháp giảm nguồn cầu về ma túy do Bộ Công an tổ chức sáng ngày 18.11, thời gian qua, nổi lên tình trạng các đối tượng thuê, sử dụng khách sạn, căn hộ chung cư, resort nghỉ dưỡng cao cấp để tổ chức sử dụng trái phép ma túy.

Vai trò của phụ nữ khi tham gia lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy
Tin tức

Vai trò của phụ nữ khi tham gia lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy

Ngày 13.11, Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) cho biết: từ ngày 3-11.11, Đoàn công tác phụ nữ Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Việt Nam đã tham gia các hội thảo về vai trò của phụ nữ khi tham gia lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy tại trụ sở Cảnh sát liên bang Úc (AFP).

Khởi tố vụ án gây thất thoát, lãng phí đặc biệt lớn nguồn tài nguyên khoáng sản xảy ra tại Công ty Hưng Thịnh
Tin tức

Khởi tố vụ án gây thất thoát, lãng phí đặc biệt lớn nguồn tài nguyên khoáng sản xảy ra tại Công ty Hưng Thịnh

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố 9 bị can do khai thác khoáng sản vượt trữ lượng, gây thất thoát, lãng phí đặc biệt lớn tài nguyên và tiền thuế cho ngân sách Nhà nước tại Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư Khoáng sản Hưng Thịnh (Công ty Hưng Thịnh) .