Nhiều lợi ích của khi tham gia bảo hiểm thất nghiệp
Trong quá trình lao động, có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn tới việc NLĐ không tiếp tục làm việc, nghỉ việc, tạm dừng công việc đang làm. Khi đó, NLĐ ít nhiều gặp khó khăn về tài chính, thu nhập, ảnh hưởng đến đời sống. Lúc này, tham gia chính sách bảo hiểm thất nghiệp, người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp 60% của bình quân 6 tháng lương liền kề trước khi mất việc.
Ngoài ra, còn được hỗ trợ học nghề và tư vấn giới thiệu việc làm miễn phí, thẻ bảo hiểm y tế trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trong 3 tháng tính từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, thành để làm thủ tục.
Như trường hợp vợ chồng anh Nguyễn Văn Long và chị Lê Thị Hoa (TP.Biên Hòa) đều tham gia BHTN trên 7 năm nên khi công ty nơi anh chị làm việc giải thể, ngoài việc được hưởng các chế độ về tiền lương, trợ cấp thôi việc, anh chị còn được thêm trợ cấp BHTN với số tiền gần 2,5 triệu đồng/tháng/người (bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp). Nhờ vậy, anh Long, chị Hoa có điều kiện xoay xở chi tiêu cho gia đình trong thời gian chờ tìm kiếm việc làm mới.
Tương tự, anh Đào Thế Duy (TP. Biên Hòa) cho hay, nhờ có thời gian tham gia BHTN trên 3 năm nên khi công ty nơi anh làm việc giảm lao động và anh thuộc đối tượng bị cắt giảm, anh được hưởng trợ cấp thất nghiệp 1,5 triệu đồng/tháng và học nghề miễn phí, nhờ đó anh có điều kiện học nghề để sau này có tay nghề dễ xin việc hơn.
Nhiều quyền lợi chưa được người lao động tận dụng
Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp vì mới tham gia thị trường lao động, việc hiểu biết pháp luật còn hạn chế nên không ít NLĐ, nhất là lao động trẻ, đồng bào dân tộc thiểu số, lao động nhập cư chưa thật sự nắm vững quyền, nghĩa vụ của mình trong việc tham gia BHTN bắt buộc nên dẫn tới mất quyền lợi.
Theo bà Vũ Thị Thanh Liễu, Phó giám đốc Trung Tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội, để hưởng trợ cấp thất nghiệp phải nộp đủ bảo hiểm thất nghiệp 12 tháng trở lên, nhưng đối với người được hỗ trợ học nghề thì chỉ cần đóng từ đủ 9 tháng trở lên là người lao động có quyền được hỗ trợ học nghề.
"Đây là quyền lợi mà nhiều lao động bỏ quên. Chúng tôi đã cố gắng làm công tác thông tin tuyên truyền rất nhiều, để người lao động hiểu được rằng họ có được những quyền lợi như vừa nêu, chứ không phải chỉ đến để nhận khoản tiền trợ cấp thất nghiệp nhất định", bà Liễu chia sẻ.
Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, số người thất nghiệp lựa chọn học nghề thấp, chỉ chiếm tỉ lệ rất ít trong số người đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Từ năm 2015 đến nay, số người có quyết định hỗ trợ học nghề là gần 30.400 người/năm, chiếm 4% số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp mỗi năm.
Đơn cử, trường hợp của chị Bùi Thị Hồng (Cầu Giấy, Hà Nội) khi làm hồ sơ đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp, chị Hồng được tư vấn học nghề để chuyển đổi công việc. Tuy nhiên, chị vẫn lựa chọn hưởng trợ cấp thất nghiệp, cũng như muốn được tư vấn giới thiệu việc làm, để sớm đi làm trở lại. Chị Hồng bày tỏ: “có một số nghề phù hợp với bản thân nhưng tôi nghĩ học xong cũng khó tìm được việc làm. Bởi tôi thấy nhiều người lao động được đào tạo bài bản từ trong các trường cao đẳng, đại học chuyên nghiệp ra vẫn khó tìm việc nữa là các khoá vài tháng”.
Cùng cảnh mất việc như chị Hồng, anh Nguyễn Xuân Chương (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng chỉ nhận trợ cấp thất nghiệp mà không tham gia học nghề. Anh Chương cho biết, cuối tháng 3 vừa qua, khi đi làm thủ tục hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp thì anh mới biết được hỗ trợ học nghề miễn phí và anh tìm hiểu các gói học nghề nhưng cảm thấy không phù hợp.