Tại Hội nghị COP 26, Việt Nam lần đầu tiên cam kết sẽ đạt phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050. Mục tiêu này cũng đã được đưa vào Chiến lược Quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, theo Quyết định 896/QĐ-TTg ngày 26.7.2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Song song với việc thực hiện các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính và tăng cường hấp thụ khí nhà kính trong các lĩnh vực: năng lượng, nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất, chất thải, các quá trình công nghiệp và sử dụng sản phẩm công nghiệp, thị trường carbon là một trong những công cụ hữu hiệu để đạt mục tiêu Net Zero.
Thị trường tín chỉ carbon “cơ hội vàng” cho tăng trưởng xanh và phát triển bền vững
Tại tọa đàm “Thị trường tín chỉ carbon - đường đến Net Zero” do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức ngày 23.8, phân tích về ý nghĩa của việc xây dựng và vận hành thị trường carbon đối với nước ta nói chung và việc thực hiện mục tiêu Net Zero vào năm 2050 nói riêng, GS.TS Hoàng Văn Sâm, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế, Trường Đại học Lâm nghiệp cho biết, những năm gần đây, thị trường carbon thế giới phát triển rất sôi động.
Thị trường carbon đóng vai trò quan trọng trong việc giảm phát thải khí nhà kính, giảm thiểu các ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu và hướng tới mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0.
Tại Việt Nam, chúng ta dự kiến sẽ thí điểm thị trường carbon vào năm 2025 và vận hành chính thức vào năm 2028. Thị trường carbon được xem như cơ hội để thúc đẩy phát triển công nghệ ít carbon, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, các doanh nghiệp và lãnh đạo về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường gắn với phát triển kinh tế bền vững, kinh tế xanh.
GS.TS Hoàng Văn Sâm cho rằng, vận hành thị trường carbon hiệu quả không chỉ giúp cho người dân - những người tham gia vào trồng rừng, bảo vệ rừng, bảo vệ thiên nhiên nâng cao thu nhập mà còn góp phần vào bảo vệ môi trường.
Việc Việt Nam cam kết thực hiện mục tiêu Net Zero vào năm 2025 cũng được nhìn nhận như “cơ hội vàng” cho tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp chuyển đổi sang một mô hình kinh tế mới ít gây ô nhiễm hơn. Từ đó, cải thiện được vị trí cạnh tranh, thu hút các nguồn đầu tư và hướng đến thu hút được người tiêu dùng.
“Hiện nay, các sản phẩm sạch, sản phẩm hữu cơ thu hút được rất nhiều người tiêu dùng và giá cả thị trường cũng cao hơn nhiều so với sản phẩm khác. Vì vậy, việc xây dựng và vận hành thị trường carbon hiệu quả, minh bạch có ý nghĩa hết sức quan trọng, cũng là trách nhiệm lớn mà Việt Nam cam kết và hướng tới, không chỉ vì lợi ích môi trường mà còn vì sự phát triển bền vững kinh tế và công bằng xã hội”, GS.TS Hoàng Văn Sâm nhấn mạnh.
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường carbon tại Việt Nam
Liên quan đến vấn đề chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển thị trường carbon tại Việt Nam, GS.TS Hoàng Văn Sâm cho biết nhìn nhận từ thực tế ở Việt Nam hiện nay, nguồn nhân lực cho thị trường carbon còn khá khiêm tốn.
Trong khi đó, chúng ta có nhiều tiềm năng, lợi thế khi tham gia thị trường carbon như trí địa lý thuận lợi, tài nguyên rừng rất phong phú, đa dạng sinh học, hay sự tham gia của các bộ, ban, ngành liên quan trong việc thúc đẩy thị trường carbon,...
GS.TS Hoàng Văn Sâm cho rằng, vấn đề nguồn nhân lực là thách thức lớn đối với Việt Nam khi tham gia thị trường tín chỉ carbon kể cả phạm vi trong nước và phạm vi quốc tế. Vì vậy, việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực tín chỉ carbon là một trong những yếu tố rất quan trọng giúp đảm bảo sự tham gia hiệu quả của Việt Nam vào thị trường này.
Theo GS.TS Hoàng Văn Sâm, để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường carbon tại Việt Nam cần thực hiện 4 nhóm vấn đề chính.
Thứ nhất, xây dựng đội ngũ chuyên gia mạnh cấp quốc gia về thị trường carbon ở các khía cạnh: xây dựng các dự án về tín chỉ carbon, đo lường, tính toán lượng phát thải, lưu trữ carbon, xây dựng báo cáo, tiêu chuẩn và đàm phán mua bán tín chỉ carbon.
Thứ hai, Nhà nước cần có các chiến lược để phát triển nguồn nhân lực cho thị trường carbon, đặc biệt là hỗ trợ doanh nghiệp để họ sẵn sàng tham gia sân chơi này.
Thứ ba, mở rộng hợp tác quốc tế, mở rộng các chương trình, dự án liên quan với các đối tác quốc tế. Hiện nay, nhiều quốc gia đã có những kinh nghiệm vận hành thị trường carbon sớm hơn như Hàn Quốc, các nước EU, Bangladesh,...
“Chúng ta vừa có nguồn thu nhập tài chính từ chương trình này, vừa thực hiện được cam kết quốc tế và đặc biệt là học hỏi được từ họ những bài học kinh nghiệm, những thuận lợi, khó khăn...”, GS.TS Hoàng Văn Sâm nói.
Thứ tư, các trường đại học, cơ sở đào tạo liên quan cần xây dựng lộ trình cho các chương trình, bài giảng để đào tạo được nguồn nhân lực sẵn sàng tham gia thị trường carbon thời gian tới.
Được biết, Trường Đại học Lâm Nghiệp đã xây dựng ngành đào tạo chuyên môn hóa về quản lý phát thải carbon, tính toán lượng hấp thụ và lưu trữ carbon, hay lồng ghép các môn học liên quan đến biến đổi khí hậu. Nhà trường có lợi thế là carbon rừng, do đó sẽ tập trung đào tạo chuyên sâu hơn về dịch vụ carbon rừng.
Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu nâng cao năng lực về thị trường carbon rừng từ các cơ sở nhà nước, doanh nghiệp, Trường Đại học Lâm Nghiệp cũng thiết kế và vận hành các khoá tập huấn ngắn hạn liên quan đến thị trường carbon. Đồng thời, triển khai các chương trình nghiên cứu về thị trường để góp phần xây dựng chính sách carbon cho Việt Nam nói chung như những nghiên cứu về tính toán carbon rừng bằng công nghệ tiên tiến.
“Trường Đại học Lâm nghiệp đã và đang sẵn sàng góp phần đào tạo đội ngũ nguồn nhân lực tham gia thị trường carbon trong thời gian tới”, GS.TS Hoàng Văn Sâm cho hay.