
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại Phiên giải trình. Ảnh: Minh Trang
Đây là nội dung được Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh khi phát biểu tại Phiên giải trình của Ủy ban Pháp luật về “Thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan” chiều 14.1.
Thực hiện quản lý rủi ro đồng bộ
Luật Hải quan năm 2014 được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 23.6.2014 và có hiệu lực thi hành từ 1.1.2015 với nhiều chính sách mới, tiến bộ, đặc biệt là việc thay đổi căn bản phương thức thực hiện thủ tục hải quan từ phương thức truyền thống, bán điện tử sang phương thức điện tử.
Qua 10 năm thi hành, Luật đã đi vào cuộc sống, đóng góp tích cực vào việc thực hiện chủ trương cải cách hành chính và cải cách thủ tục hành chính nói chung, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan nói riêng; tăng cường hiệu quả cho công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới; góp phần bảo vệ an ninh, an toàn xã hội và bảo vệ lợi ích, chủ quyền quốc gia, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh kết quả đã đạt được, việc thực hiện Luật Hải quan năm 2014 và các văn bản quy định chi tiết thi hành cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần được khắc phục; trong đó, việc thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan cũng còn một số vướng mắc, bất cập.

ĐBQH Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) phát biểu
Qua thực tế khảo sát tại địa phương, ĐBQH Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) nhận thấy, hiện nay việc thực hiện cơ chế phối hợp giữa các bên khi kiểm tra hàng hóa còn nhiều khó khăn, vướng mắc và đây cũng là vấn đề được hầu hết các đơn vị phản ánh. Rất nhiều cơ quan quản lý nhà nước đều thực hiện việc kiểm tra và mỗi ngành, mỗi cơ quan lại có những quy định riêng, dẫn đến việc kiểm tra còn chồng chéo, phát sinh bất cập trong tổ chức thực hiện.
Giải trình tại phiên họp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Trần Đức Hùng nêu rõ, hiện nay ngành hải quan thực hiện quản lý rủi ro đồng bộ trên tất cả các mặt, tiến hành phân luồng kiểm tra hàng hóa. Tỷ lệ luồng xanh chiếm 65%, luồng vàng khoảng 30% (chỉ kiểm tra hồ sơ, giấy tờ), luồng đỏ khoảng 5% (kiểm tra thực tế hàng hóa). Đối với tỷ lệ hàng hóa luồng vàng là dư địa mà ngành hải quan vẫn còn có thể cải cách được nếu nhận được sự đồng thuận và ủng hộ của các bộ, ngành.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Trần Đức Hùng phát biểu
“Con số 30% chủ yếu là hàng hóa kiểm tra chuyên ngành với khoảng hơn 400 văn bản quy phạm pháp luật của các bộ, ngành và trên 8.000 dòng hàng liên quan phải thực hiện kiểm tra chuyên ngành thì cơ quan hải quan mới thông qua”, ông Trần Đức Hùng cho biết.
Đồng thời, trong quá trình làm việc, trao đổi về cải cách kiểm tra chuyên ngành, các bộ, ngành cũng đã cải cách rất nhiều nội dung, trong đó có áp dụng quản lý rủi ro, tỷ lệ phát hiện vi phạm ở một số đơn vị, bộ ngành khoảng 0,01% (hầu như không có vi phạm). Nhưng cũng có những trường hợp tiêu chuẩn, chuẩn mực quốc tế cao hơn của Việt Nam thì lại không có công cụ, trang thiết bị để kiểm tra tại thời điểm phải kiểm tra, dẫn đến làm ách tắc quá trình thông quan hàng hóa.
Có cơ chế phản hồi nhanh đề xuất của doanh nghiệp
Quan tâm đến nội dung tuân thủ pháp luật của các doanh nghiệp, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) dẫn nhận định từ báo cáo của Bộ Tài chính: Các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan vẫn chưa được mở rộng và phát huy hiệu quả một cách toàn diện. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp chưa tuân thủ các quy định của pháp luật, lợi dụng chính sách để trốn thuế, gian lận thương mại cũng chưa được kiểm tra và xử lý nghiêm minh. Qua đó, đại biểu đề nghị ngành hải quan cần làm rõ tại sao vẫn còn tình trạng này?

ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) phát biểu
Mặt khác, theo đại biểu Phạm Văn Hòa, việc miễn giảm kiểm tra chất lượng đối với hàng hóa đã được chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy; công bố hợp chuẩn, hợp quy; chứng nhận đã được áp dụng theo hệ thống quản lý tiên tiến, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực được thực hiện theo quy định của bộ quản lý ngành, lĩnh vực. Tuy nhiên, đến nay, một số ngành chưa có quy định cụ thể, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Giải trình về vấn đề này, ông Trần Đức Hùng nêu rõ, với khối lượng văn bản quy phạm pháp luật rất lớn, mức độ hiểu và tuân thủ của doanh nghiệp cũng còn nhiều khó khăn, kể cả với cán bộ của cơ quan hải quan. Trước thực trạng đó, ngành hải quan đã chủ động áp dụng theo những chuẩn mực quốc tế, thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp chưa nắm được quy định để họ tuân thủ tốt hơn.
Cũng từ việc áp dụng phương thức quản lý rủi ro, năm 2024, với trên 17 triệu tờ khai, ngành hải quan chỉ tiến hành kiểm tra thực tế 527 nghìn tờ khai. “Đây không phải là buông lỏng ở những khâu tạo thuận lợi mà ngành tiếp tục rà soát những lô hàng đã được phân luồng xanh, luồng vàng để thực hiện thanh tra, kiểm tra sau thông quan”, ông Trần Đức Hùng khẳng định.
Cũng theo ông Trần Đức Hùng, thời gian qua, ngành hải quan đã nỗ lực thực hiện công tác chống buôn lậu, bắt giữ và xử lý hơn 184 nghìn vụ việc, trị giá hàng hóa vi phạm lên tới 66.600 tỷ đồng. Riêng năm 2024, ngành hải quan đã thực hiện kiểm tra sau thông quan xấp xỉ chưa đến 2.000 cuộc và số hàng hóa thu qua công tác này đạt 619 tỷ đồng.

Quang cảnh Phiên giải trình
Về kiểm tra chuyên ngành, ngành hải quan cũng đã tham khảo kinh nghiệm quốc tế và nhận thấy tại nhiều quốc gia phát triển thường chỉ giao cho một cơ quan thực hiện kiểm tra chuyên ngành. Qua đó phần nào giải quyết được mối quan hệ phối hợp giữa các đơn vị, bộ, ngành, đạt hiệu quả về mặt thời gian.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, Đảng, Nhà nước ta đang thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, cơ cấu tổ chức của nhiều cơ quan, trong đó có ngành hải quan sẽ có sự thay đổi. Bộ Chính trị cũng vừa ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22.12.2024 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Trong đó, một trong những nhiệm vụ, giải pháp được đặt ra là “Đổi mới toàn diện việc giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công không phụ thuộc địa giới hành chính; nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ số cho người dân và doanh nghiệp, hướng tới cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình, cá nhân hoá và dựa trên dữ liệu”.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thời gian tới tiếp tục chỉ đạo Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Hải quan năm 2014 để phục vụ công tác sắp xếp, tinh gọn bộ máy, đồng thời, khắc phục những bất cập, hạn chế đã chỉ ra.
Về giải pháp trước mắt, cần nghiên cứu sớm sửa đổi Nghị định số 85/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Trong đó, tập trung vào những nội dung liên quan đến cơ chế phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành; xây dựng cơ sở dữ liệu chung để chia sẻ thông tin, kiểm tra chuyên ngành, cấp phép, kiểm soát hàng hóa, kết nối trao đổi dữ liệu qua hệ thống một cửa quốc gia; công khai thông tin chia sẻ, có cơ chế phản hồi nhanh đối với những ý kiến đề xuất của doanh nghiệp.
Các bộ, ngành bám sát yêu cầu tại các nghị quyết, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các quy định trong các luật chuyên ngành. Đối với những vấn đề còn bất cập trong luật chuyên ngành cần đề xuất giải pháp để sửa đổi, bổ sung; nghiên cứu rà soát ban hành văn bản theo thẩm quyền, bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, tháo gỡ bất cập, hạn chế trong lĩnh vực phụ trách.