Nhiều ưu thế giúp chi phí không cần thiết
Sở dĩ EU kiên định mong muốn bộ sạc chuẩn cho các thiết bị điện tử là bởi trung bình, người tiêu dùng ở EU sở hữu khoảng ba bộ sạc điện thoại di động, trong đó họ sử dụng hai bộ sạc thường xuyên. Mặc dù vậy, 38% người tiêu dùng cho biết đã gặp sự cố ít nhất một lần liên quan đến việc không thể sạc điện thoại do bộ sạc có sẵn không tương thích. Tình huống này không những gây bất tiện mà còn lãng phí, bởi theo Ủy ban châu Âu, người tiêu dùng đã phải chi khoảng 2,4 tỷ euro hàng năm cho các bộ sạc riêng không đi kèm với các thiết bị điện tử. Theo số liệu năm 2020, xấp xỉ 420 triệu điện thoại di động và các thiết bị điện tử cầm tay khác đã được bán ra ở EU.
Ngoài ra, các bộ sạc bị vứt bỏ và không sử dụng được ước tính tạo ra 11.000 tấn rác thải điện tử mỗi năm, theo nghiên cứu được EU ủy quyền năm 2019 nhằm đánh giá tác động của các bộ sạc thông thường. Chính vì thế, Chỉ thị về bộ sạc chung sẽ giúp giảm đáng kể hàng tấn nhựa và đồng ở các bãi chôn lấp. EU đã thu gom khoảng 4,5 triệu tấn rác thải điện tử trong năm 2019.
Ngoài vấn đề ô nhiễm môi trường, Chỉ thị về bộ sạc chung cũng rất quan trọng nếu nhìn từ góc độ bền vững. Việc chuẩn hóa giao diện sạc USB Type C sẽ cho phép người tiêu dùng chia sẻ cùng một bộ sạc và cáp giữa nhiều thiết bị. Điều này dự kiến sẽ làm giảm đáng kể khối lượng phần cứng của bộ sạc được đưa vào các bãi chôn lấp, từ đó giảm thiểu tác động đến môi trường liên quan đến việc sản xuất và xử lý bộ sạc, hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh và kỹ thuật số.
Các nhà lập pháp EU chọn USB Type C thay vì Lightning như Apple là bởi tính ưu việt. Theo Ủy ban châu Âu, cổng USB Type C có nhiều ưu điểm nổi bật, một trong số đó là khả năng xử lý điện năng cao hơn. USB Type C được thiết kế để xử lý công suất đầu ra lên đến 100W, khiến nó trở nên phổ biến hơn cho toàn bộ hệ sinh thái thiết bị, bao gồm cả các sản phẩm nặng hơn như máy tính xách tay.
Ngoài khả năng tương thích, giao diện USB Type C cũng vô song về khả năng cung cấp điện. Giao thức USB PD (USB Power Delivery) mới nhất có thể đẩy công suất lên đến 240W thông qua các thiết bị tương thích. Điều này làm cho giao diện sạc Type C trở thành giao diện duy nhất có thể sạc lại các thiết bị khác nhau, từ tai nghe TWS nhỏ bé đến máy tính xách tay chơi game hiện đại ngốn điện trên 200W.
Chưa hết, các thiết bị sở hữu cổng kết nối USB Type C được tối ưu về kích thước, mỏng nhẹ hơn rất nhiều vì khe cắm USB Type C khá nhỏ gọn. Đồng thời khả năng cắm 2 chiều, giúp cho người sử dụng kết nối dây cáp dễ dàng hơn, không còn phải loay hoay chiều này xoay chiều kia như các ổ cắm khác. Chi phí chế tạo cổng kết nối USB Type C rẻ hơn nhiều so với các cổng kết nối khác. Từ đó đem lại lợi nhuận tốt hơn cho các nhà sản xuất…
Tạo thuận lợi cho người tiêu dùng
Chỉ thị bộ sạc chung của EU sẽ buộc các nhà sản xuất thiết bị phải chỉ định hiệu suất sạc bằng các nhãn mác dễ thấy trên bao bì. Luật mới sẽ “hài hòa giữa giao diện sạc và công nghệ sạc nhanh” để giúp người dùng dễ dàng cắt giảm sự lộn xộn của cáp và bộ sạc trong khi vẫn duy trì tốc độ sạc đồng đều trên các thiết bị của họ.
Người tiêu dùng sẽ được khuyến khích mua một bộ sạc tốc độ cao để phục vụ nhiều loại thiết bị sạc chậm và nhanh. Các nhà lập pháp EU ước tính điều này sẽ tiết kiệm cho công dân các nước thành viên 250 triệu euro mỗi năm. Nỗ lực để các nhà sản xuất điện thoại thông minh ở EU sử dụng cùng một tiêu chuẩn sạc ít nhất có từ năm 2009, khi Apple, Samsung, Huawei và Nokia ký một thỏa thuận tự nguyện sử dụng một tiêu chuẩn chung. Trong những năm kể từ đó, ngành công nghiệp các thiết bị điện tử đã dần dần sử dụng Micro USB và gần đây là USB Type C như cổng sạc tiêu chuẩn.
Mặc dù thực tế là số lượng tiêu chuẩn sạc đã giảm từ hơn 30 xuống chỉ còn ba (Micro USB, USB-C và Lightning), các nhà quản lý châu Âu tuyên bố rằng cách tiếp cận tự nguyện này không đạt được mục tiêu của họ. Do đó, Chỉ thị của EU quan trọng theo hai cách chính. Trước tiên, nó sẽ hạn chế khả năng của các nhà sản xuất thiết bị thiết kế theo thông số kỹ thuật của riêng họ, ít nhất là trong trường hợp kết nối sạc. Apple hiện có toàn quyền kiểm soát thiết kế của các thiết bị của mình và sau đó là các cổng sạc. Thứ hai, động thái của EU còn có thể mở đường cho các quy định về quyền sửa chữa bổ sung, chẳng hạn như việc thực hiện các loại pin có thể thay thế cho người dùng.