Giai đoạn xây dựng ban đầu (1949 - 1998)
Trong những ngày đầu sau khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 1949, do kinh tế còn kém phát triển nên tổng số vụ cháy và thiệt hại liên quan tương đối thấp. Vào những năm 1950, Trung Quốc xảy ra trung bình 60.000 vụ cháy mỗi năm, gây thiệt hại khoảng 60 triệu nhân dân tệ. Bước quan trọng đầu tiên hướng tới một khuôn khổ phòng cháy, chữa cháy cơ bản diễn ra vào năm 1957 với việc ban hành Quy định về giám sát hỏa hoạn của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, được Quốc hội thông qua.
Quy định này gồm 12 điều, trong đó nêu rõ công tác giám sát phòng cháy, chữa cháy phải dựa vào người dân, lần đầu tiên thiết lập hệ thống trách nhiệm phòng cháy, chữa cháy ở các doanh nghiệp, cơ quan, hợp tác xã. 7 trách nhiệm cho các cơ quan giám sát hỏa hoạn đã được thiết lập, bao gồm xây dựng các quy tắc và thông số kỹ thuật an toàn chống hỏa hoạn, tiến hành kiểm tra an toàn chống cháy nổ, thống nhất chỉ huy và tổ chức chữa cháy hiện trường. Tất cả là nhằm đặt nền móng cho việc xây dựng pháp luật về phòng, chống hỏa hoạn của Trung Quốc.
Thời kỳ cải cách và mở cửa sau năm 1978 chứng kiến sự phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ, kéo theo tình trạng gia tăng đáng kể các vụ cháy, nổ và thiệt hại liên quan. Trong giai đoạn 1978 - 1980, trung bình mỗi năm có 3.442 ca tử vong do hỏa hoạn, với thiệt hại trực tiếp về kinh tế lên tới 204 triệu nhân dân tệ. Xu hướng đáng báo động này đòi hỏi phải cập nhật các quy định an toàn phòng cháy, chữa cháy. Do đó, Quy định phòng cháy, chữa cháy của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã được ban hành năm 1984, dựa trên cơ sở Quy định về giám sát hỏa hoạn trước đó.
Những quy định mới, với chủ trương “phòng cháy trước tiên” đã mở rộng đáng kể phạm vi giám sát hỏa hoạn, bao gồm giám sát thực hiện các quy chuẩn kỹ thuật phòng cháy, chữa cháy trong thiết kế, thi công công trình xây dựng, cũng như trong các tòa nhà dân cư. Lần đầu tiên, Trung Quốc làm rõ cả quyền tham gia hoàn thiện và nghiệm thu dự án xây dựng, lẫn thẩm quyền giám sát, kiểm tra quy hoạch, xây dựng công trình phòng cháy, chữa cháy công cộng trong xây dựng đô thị. Bên cạnh đó, nước này còn đưa ra khái niệm về "nguy cơ hỏa hoạn", giải thích rõ ràng các thủ tục giải quyết vi phạm an toàn chống hỏa hoạn.
Trong giai đoạn này, Bộ luật Hình sự cũng đưa ra hình phạt đối với các tội gây ra hỏa hoạn, đốt phá dẫn đến tai nạn nghiêm trọng...
Giai đoạn cải tiến dần dần (1998 - 2012)
Giai đoạn này diễn ra từ khi ban hành Luật Phòng cháy, chữa cháy năm 1998 đến trước Đại hội toàn quốc lần thứ XVIII của Đảng Cộng sản Trung Quốc (2012).
Trước khi luật trên được ban hành năm 1998, Trung Quốc chứng kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất, kéo theo sự gia tăng tần suất và mức độ nghiêm trọng của các vụ cháy. Điều đó đòi hỏi một khuôn khổ pháp lý toàn diện hơn. Ngày 29.4.1998, Luật Phòng cháy, chữa cháy chính thức được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, và có hiệu lực từ 1.9.1998.
Luật này thể hiện tiến bộ đáng kể so với các quy định trước đây, mở rộng số quy định từ 32 lên 54, làm cho nội dung cụ thể, khoa học và toàn diện hơn. Nó xác định rõ ràng trách nhiệm phòng cháy, chữa cháy của chính quyền, các đơn vị và người dân, cũng như trách nhiệm pháp lý đối với các hành vi vi phạm. Luật đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường hệ thống pháp luật và thúc đẩy xã hội hóa công tác quản lý phòng cháy, chữa cháy. Năm 2008, Bộ Công an đề xuất sửa đổi luật lần đầu tiên, đưa ra nhiều cải cách đáng kể liên quan đến công tác phòng chống hỏa hoạn, cháy nổ, điều tra các nguy cơ và tăng cường công tác cứu hộ khẩn cấp.
Giai đoạn phát triển có hệ thống (2012 đến nay)
Kể từ Đại hội XVIII của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm 2012, ngành phòng cháy, chữa cháy đã bước vào giai đoạn phát triển nhanh chóng và bền vững mới, được đánh dấu bằng nhiều cải cách toàn diện, trong đó tiếp tục sửa đổi, điều chỉnh đối với Luật Phòng cháy, chữa cháy. Ngày 23.4. 2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 13 đã thông qua Quyết định sửa đổi 8 luật, trong đó có luật trên, chuyển trách nhiệm quản lý phòng cháy, chữa cháy từ Bộ Công an sang Bộ Quản lý tình trạng khẩn cấp, đồng thời thành lập đội cứu hỏa toàn diện quốc gia. Ngoài ra, trách nhiệm hướng dẫn rà soát, nghiệm thu thiết kế phòng cháy, chữa cháy cho các dự án xây dựng sẽ được chuyển sang Bộ Nhà ở và phát triển đô thị, nông thôn.
Trong khi đó, những sửa đổi tiếp theo của luật vào năm 2021 tập trung vào việc thực hiện kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy; hủy bỏ bằng cấp, giấy phép của các cơ sở dịch vụ kỹ thuật phòng cháy chữa cháy, và quy định trách nhiệm pháp lý đối với các hành vi vi phạm...
Hệ thống pháp luật về phòng cháy, chữa cháy của Trung Quốc đã phát triển đáng kể trong hơn 70 năm qua, hình thành một khuôn khổ toàn diện bao gồm các luật, quy định và văn bản quy phạm. Hệ thống này đã thích ứng với những thách thức của từng thời đại, phản ánh tầm quan trọng của an toàn chống cháy nổ trong việc bảo vệ tiến bộ kinh tế và ổn định xã hội.