Tiếp tục ưu tiên ổn định kinh tế
Trong Báo cáo Chính phủ tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 2 Nhân đại toàn quốc Khóa XIV, Trung Quốc đã đặt mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khoảng 5% cho năm 2024. Đây được coi là tín hiệu chính sách quan trọng nhất tại kỳ họp Nhân đại toàn quốc. Ngoài ra, trong báo cáo, Thủ tướng Lý Cường cũng cho biết, Trung Quốc sẽ nỗ lực chuyển đổi mô hình phát triển, hạn chế tình trạng dư thừa công suất nông nghiệp, giảm thiểu rủi ro trong lĩnh vực bất động sản và cắt giảm chi tiêu lãng phí của chính quyền địa phương.
Thủ tướng Lý Cường giải thích, khi đặt mục tiêu tăng trưởng trên, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc "đã tính đến nhu cầu tăng việc làm và thu nhập cũng như ngăn ngừa và giảm thiểu các rủi ro". Ông cho biết thêm, Bắc Kinh dự kiến có lập trường tài chính "chủ động" và chính sách tiền tệ "thận trọng".
Mục tiêu tăng trưởng này về cơ bản phù hợp với nhận định trước đây của các tổ chức trong và ngoài Trung Quốc, góp phần ổn định kỳ vọng của thị trường. Dẫu vậy Chính phủ Trung Quốc cũng thừa nhận việc đạt được mục tiêu như vậy sẽ không dễ dàng. Đặc biệt khi quốc gia này đang đối mặt với nhiều vấn đề như tình trạng dư thừa công suất, giảm phát đến khủng hoảng nợ và tình hình bất động sản có nhiều biến động.
Theo tờ Global Times (Trung Quốc), các nhà phân tích chỉ ra mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% đồng nghĩa nền kinh tế Trung Quốc sẽ là một trong những nền kinh tế lớn có mức tăng trưởng nhanh và đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng toàn cầu. Tờ báo nhận định, mặc dù vẫn còn nhiều thách thức, nhưng Trung Quốc vẫn có nhiều công cụ chính sách để bảo đảm đạt được mục tiêu này vào cuối năm 2024.
Trong khi đó, theo hãng tin Reuters (Anh) và tờ Financial Times (Anh), các nhà phân tích cũng cảnh báo việc đạt được mục tiêu tăng trưởng 5% trong năm nay sẽ khó hơn so với năm 2023, đòi hỏi Chính phủ Trung Quốc phải "kích thích tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn" để đạt được mục tiêu.
Nền kinh tế thứ 2 thế giới cũng đặt mức thâm hụt ngân sách tài chính ở mức 3% GDP cho năm nay. Con số này thấp hơn mức thâm hụt điều chỉnh là 3,8% vào năm 2023, nhưng vẫn bằng mục tiêu 3% được công bố ban đầu hồi năm ngoái.
Năm 2024, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đối mặt nhiều “cơn gió ngược”, trong đó có tình trạng giảm phát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1.2024 của nước này giảm 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi giảm 0,3% vào tháng 12.2023. Đây là mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2009.
Chỉ số giảm phát GDP (GDP deflator) của Trung Quốc giảm 1,5% trong quý IV năm 2023, đánh dấu quý giảm thứ ba liên tiếp và là chuỗi giảm dài nhất kể từ năm 1999. Đây là chỉ số phản ánh mức giá chung của tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ sản xuất trong nước.
Xu hướng này được dự báo sẽ còn tiếp diễn, làm tăng thêm áp lực phục hồi tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. CPI năm 2023 của Trung Quốc chỉ tăng 0,3%, so với mục tiêu 3% Chính phủ đặt ra.
Theo các nhà phân tích tại ngân hàng Goldman Sachs, việc đặt mục tiêu tăng trưởng tham vọng và duy trì mục tiêu CPI bất chấp áp lực giảm phát cho thấy các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc sẽ chú trọng kích thích tăng trưởng kinh tế.
Đưa ra chính sách tiền tệ vững chắc
Trong báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Lý Cường nhấn mạnh tới chính sách tiền tệ vững chắc, duy trì tính thanh khoản hợp lý và đầy đủ, quy mô tài chính xã hội và cung tiền phải phù hợp với mục tiêu dự kiến về tăng trưởng kinh tế và mặt bằng giá cả, thúc đẩy sự ổn định và giảm thiểu chi phí tài chính xã hội toàn diện. Điều này nhất quán với nhận định tại Hội nghị công tác kinh tế Trung ương Trung Quốc trước đó. Đáng chú ý, từ năm nay, Trung Quốc có kế hoạch phát hành trái phiếu kho bạc đặc biệt siêu dài hạn trong nhiều năm liên tiếp, trong năm nay sẽ phát hành 1.000 tỷ NDT, giải quyết một cách có hệ thống vấn đề vốn của một số dự án lớn trong quá trình xây dựng đất nước hùng mạnh và chấn hưng đất nước. Mặt khác, việc xử lý các rủi ro tiềm ẩn đã đề cập đến các khía cạnh như tối ưu hóa chính sách bất động sản, giải quyết rủi ro nợ địa phương, xử lý rủi ro của các tổ chức tài chính vừa và nhỏ ở một số nơi.
Ổn định thị trường vốn
Báo cáo của Chính phủ cũng đặt trọng tâm vào tăng cường tính ổn định vốn có của thị trường vốn, nâng cao hiệu quả phân bổ nguồn lực, thu hút đầu tư vốn dài hạn, hỗ trợ phát triển nền kinh tế thực, thúc đẩy đầu tư vào các ngành công nghiệp công nghệ cao và đổi mới. Kích thích sự linh hoạt của các chủ thể kinh doanh, coi doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn nước ngoài là lực lượng quan trọng trong xây dựng hiện đại hóa, tạo môi trường cạnh tranh công bằng và phát triển cho các doanh nghiệp thuộc mọi loại hình sở hữu, tạo môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch và dễ dự đoán hơn, nâng cao sức hấp dẫn của Trung Quốc như một điểm đến đầu tư toàn cầu, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế chất lượng cao.
Xây dựng thương hiệu “Đầu tư vào Trung Quốc”
Một trong những nhiệm vụ đặt ra tại kỳ họp vừa qua là cải thiện các lĩnh vực còn yếu kém của nền kinh tế, đặc biệt là thúc đẩy nhu cầu trong nước và cải thiện môi trường kinh doanh cho đầu tư và thương mại nước ngoài.
Trong năm 2023 thu hút vốn đầu tư nước ngoài giảm. Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ đã ban hành các hướng dẫn nhằm cải thiện điều kiện cho các công ty nước ngoài, bao gồm các biện pháp tăng cường sự tham gia của nước ngoài vào hoạt động mua sắm của Chính phủ, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và bảo đảm quyền tiếp cận bình đẳng.
Tại kỳ họp năm nay, Chính phủ Trung Quốc tiếp tục đặt mục tiêu đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài thông qua thu hẹp danh mục hạn chế tiếp cận đầu tư nước ngoài, xóa bỏ các hạn chế tiếp cận đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất, nới lỏng tiếp cận thị trường cho các ngành viễn thông, y tế và dịch vụ khác. Chính phủ cũng sẽ mở rộng danh mục ngành nghề khuyến khích đầu tư nước ngoài, khuyến khích doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tái đầu tư trong nước; tăng cường bảo đảm dịch vụ cho đầu tư nước ngoài, xây dựng thương hiệu “Đầu tư vào Trung Quốc”. Những giải pháp này không chỉ giúp ổn định ngoại thương và đầu tư nước ngoài mà còn thúc đẩy mức độ mở cửa cao hơn.