“Ngập lụt” lòng tin
TP Hồ Chí Minh ngập lụt chưa từng có. Hải Phòng cũng ngập và không thể thiếu Hà Nội. Chuyện mưa là ngập; mưa to ngập nặng, mưa nhỏ ngập nhẹ ở Hà Nội đã chuyện thường ngày. Hay như tại TP Hồ Chí Minh, không mưa cũng ngập (do triều cường), nay thêm có mưa nữa, ngập càng nặng hơn cũng trở nên bình thường.
Có lẽ, chuyện ngập với người dân bây giờ đã trở nên quá quen thuộc. Người dân quen cả với những cảnh báo của cơ quan khí tượng thủy văn rằng vùng này, vùng kia có thể bị ngập úng… phải đề phòng. Người dân cũng đã quen với hình ảnh ứng phó với ngập lụt của ngành thoát nước: vài chiếc xe ô tô với vài công nhân đứng để… mở miệng cống cho nước thoát hoặc cùng lắm là vận hành máy bơm (mà bơm đi đâu được khi khắp nơi đều ngập). Tất cả chỉ có thế.
Người dân Hà Nội chưa thể nào quên trận lụt năm 2008. Ngành thoát nước có đủ lý do để giải thích. Nhưng, bao nhiêu tiền ngân sách được chi cho các công trình chống ngập nhưng ngập vẫn hoàn ngập thì ít khi được đề cập đến; hoặc có chăng chỉ là giảm thiểu được chút ít, còn lại, vẫn “nhờ trời”. Người dân TP Hồ Chí Minh cũng trong tình cảnh tương tự. Tiền của ngân sách đầu tư bao nhiêu nhưng cũng “nguyễn y vân”. Nguyên nhân, là do hệ thống thoát nước đã xuống cấp, do dân cư phát triển nhanh, ao hồ bị lấp; do không đủ ngân sách để xây dựng, cải tạo hệ thống thoát nước… Nay, thêm cả “khoản” biến đổi khí hậu, mưa nắng thất thường; bão lũ kỳ lạ… Vậy thì hiển nhiên ngập vẫn hoàn ngập, thậm chí thậm chí còn tăng về số điểm ngập, mức độ ngập và thời gian ngập…
Đúng là những nguyên nhân mà các cơ quan chức năng đưa ra đều rất chí lý. Nhưng có một điều mà các cơ quan chức năng quên mất là việc quy hoạch. Cái quan trọng là quy hoạch. Ngập ở các tuyến đường, phố cũ là một chuyện. Nay, ngay ở các tuyến đường mới mở, đôi khi ngay cạnh sông hồ cũng vẫn bị ngập. Vậy thì các cơ quan chức năng giải thích sao đây hay lại là quy hoạch chưa đồng bộ, hoặc do bất khả kháng?
Phải nhắc lại rằng, dù ngân sách nhà nước đã đầu tư rất nhiều cho việc khắc phục tình trạng ngập lụt tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh nhưng chưa bao giờ các cơ quan chức năng đưa ra được câu trả lời chính xác rằng có khắc phục được không hoặc bao giờ khắc phục được. Tiền ngân sách cũng là tiền của dân nên người dân có quyền yêu cầu các cơ quan chức năng trả lời câu hỏi đó chứ không phải chỉ ở việc “cố gắng hạn chế, cố gắng khắc phục” hay “đến năm này, năm kia sẽ cơ bản hết ngập” bởi người dân đã miễn nhiễm với những lời hứa kiểu như vậy.
Người dân cần một lời hứa và lời hứa phải được thực hiện, phải có cam kết về thời gian, số lượng công trình và số vốn phải bỏ ra để có thể chống được ngập úng chứ không phải “đếm cua trong lỗ”. Đừng để lòng tin của người dân bị ngập lụt thêm nữa.