Khó khăn vẫn đeo bám
VASEP thông tin, dưới tác động của lạm phát và bất ổn chính trị, ngành hàng cá tra đối mặt với nhiều khó khăn; ước tính năm 2023, diện tích thả nuôi cá tra cả nước đạt khoảng 5.700ha (bằng 98% năm 2022); sản lượng khoảng 1,61 triệu tấn (tương đương cùng kỳ). Về xuất khẩu, hết tháng 11.2023, xuất khẩu cá tra đã đạt gần 1,7 tỷ USD - thấp hơn 26% so với cùng kỳ năm ngoái; cả năm 2023 xuất khẩu ước đạt 1,8 tỷ USD, bằng 75% so với cùng kỳ năm 2022.
Các thị trường nhập khẩu cá tra năm 2023 đều có xu hướng giảm. Trong đó, Trung Quốc giảm gần 22%, Hoa Kỳ giảm hơn 53%, EU giảm hơn 17%; thị trường Đức, Anh, Brazil, Saudi Arabia tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm 2022 nhưng đây đều là những thị trường chiếm tỷ trọng nhỏ.
Cuối năm 2023, giá xuất khẩu khó có cơ hội tăng do áp lực bán hàng của các doanh nghiệp vào dịp cuối năm và lượng tồn kho vẫn còn nhiều tại Mỹ. Trung Quốc đang là thị trường chiếm 32% thị phần nhưng khác các năm trước, các nhà nhập khẩu lớn Trung Quốc không còn đặt số lượng hàng lớn, các nhà nhập khẩu đồng loạt không tăng giá.
Theo VASEP, bất ổn chính trị và lạm phát toàn cầu khiến nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thủy sản có xu hướng giảm, hoạt động xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, lượng hàng tồn kho lớn, một số quốc gia giảm nhập khẩu từ Việt Nam; thứ nữa sản phẩm cá tra còn đơn điệu, sản phẩm giá trị gia tăng chiếm tỷ trọng nhỏ nên chưa tạo ra sự cạnh tranh và giá trị thương mại lớn.
Hiện, chi phí thức ăn còn chiếm tỷ trọng lớn từ 70 - 80% trong giá thành sản xuất cá tra, nhưng một số cơ sở sản xuất giống nhưng chưa quan tâm đến việc kiểm soát chặt chẽ đàn cá bố mẹ, vẫn xảy ra tình trạng chưa tuân thủ đúng thời hạn sử dụng cá bố mẹ, tỷ lệ sống giai đoạn ương dưỡng còn thấp. Vẫn còn một số địa phương chưa thực hiện cấp giấy xác nhận nuôi cho các cơ sở nuôi nhỏ lẻ theo quy định...
Khó khăn tiếp tục đeo bám ngành hàng này trong năm 2024. VASEP đặt mục tiêu sản lượng cá tra thương phẩm đạt 1,7 triệu tấn, dự báo xuất khẩu mang về 2 tỷ USD.
Không vì lợi nhuận mà bỏ quên môi trường
Đại diện Công ty CP Vĩnh Hoàn cho biết, tại COP26, Việt Nam đã cam kết giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp với lộ trình đến năm 2030 giảm 30% so với năm 2020 và phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Chương trình hành động chính của Việt Nam bao gồm phát triển nông nghiệp sinh thái, xây dựng hệ thống thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững giai đoạn 2022 - 2030. Trong tương lai, Việt Nam có thể áp dụng phân bổ hạn ngạch phát thải trên đơn vị sản phẩm... Khi những quy định này có hiệu lực thì việc giảm thải của ngành thủy sản sẽ trở thành vấn đề tuân thủ. Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần xem xét các chương trình hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho ngành cá tra trong việc sản xuất giảm phát thải, hướng tới tham gia vào thị trường carbon trong và ngoài nước để gia tăng giá trị cho cá tra.
Thực tế, ngày càng nhiều quốc gia xem xét, quyết định nhập khẩu sản phẩm dựa vào việc giảm phát thải trong quá trình sản xuất, trong đó có EU.
Ông Nguyễn Bá Thông, Quản lý của Tổ chức Sáng kiến Thương mại bền vững (IDH) cho biết, theo một nghiên cứu mới đây, để sản xuất 1kg cá tra ở trang trại sẽ làm phát sinh 6 - 7kg khí carbon. Như vậy, với sản lượng cá tra được sản xuất ra vào năm ngoái là khoảng 1,5 triệu tấn có nghĩa lượng khí carbon phát thải ra là khoảng 9 - 10,5 triệu tấn. Để ngành cá tra phát triển bền vững, ông Thông cho rằng, cần đưa ra công cụ nghiên cứu, đo đạc, đánh giá và lộ trình giảm phát thải trong chuỗi, không riêng lẻ một trang trại hay ao nuôi. Từ đó, tìm ra điểm nóng phát thải trong chuỗi để xây dựng các sáng kiến thực hành giảm phát thải và nhân rộng cho toàn ngành.
Hiệp hội cá tra Việt Nam nhấn mạnh, nếu chỉ chú trọng diện tích và năng suất để thu lợi nhuận mà bỏ quên ô nhiễm môi trường thì đây sẽ là cản trở lớn nhất cho phát triển ngành cũng như xuất khẩu trong thời gian tới.Vì vậy, Hiệp hội kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu giải pháp tổng thể xử lý ô nhiễm môi trường ao nuôi cá tra thâm canh tại các vùng nuôi cá tra đồng bằng sông Cửu Long.
Ví dụ xây dựng hệ thống thu gom và quy trình công nghệ xử lý nước thải ao nuôi cá tra theo hướng tái sử dụng phục vụ cho vùng nuôi; phát triển được hệ thống tự động hóa thu gom và tách bùn đáy ao phù hợp với các địa hình của từng khu vực nuôi; xây dựng được quy trình công nghệ và mô hình xử lý bùn ao nuôi cá tra để sản xuất phân bón hữu cơ có sự tham gia của doanh nghiệp. Cùng với đó, ứng dụng các giải pháp IoT (internet vạn vật) để kiểm soát môi trường tự động trong ao nuôi cá tra thâm canh, qua đó giúp nâng cao năng suất, hạ giá thành sản phẩm…