Thời sự Quốc hội

Nên thống nhất quy định “UBND cấp xã trong cả nước đều thành lập phòng chuyên môn”

Đào Cảnh 07/05/2025 19:40

Thảo luận tại tổ chiều 7/5 về dự thảo Luật Tổ chức Chính quyền địa phương (sửa đổi), các ĐBQH Tổ 18 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Thanh Hóa, Lâm Đồng, Tiền Giang) đề xuất nên thống nhất quy định UBND cấp xã trong cả nước đều thành lập phòng chuyên môn để tham mưu tốt nhất và giải quyết nhiều vấn đề chuyên môn hóa, chuyên sâu như đất đai, đầu tư…

Tăng cường trách nhiệm cho chính quyền cơ sở

Thảo luận tại tổ 18, các ĐBQH nhất trí với phạm vi sửa đổi toàn diện Luật Tổ chức Chính quyền địa phương nhằm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng và các nội dung đang được dự kiến sửa đổi, bổ sung trong Hiến pháp năm 2013; đồng thời, cụ thể hóa các yêu cầu, định hướng về thực hiện mô hình địa phương 2 cấp.

img_1651.jpg
Quang cảnh thảo luận tổ 18. Ảnh: Đào Cảnh

Tuy nhiên, dự án luật liên quan đến nhiều văn bản pháp luật xác định nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương các cấp. Do đó, đề nghị ban soạn thảo báo cáo rõ hơn kết quả rà soát văn bản pháp luật liên quan, làm rõ mối quan hệ của luật này với các luật khác như: Luật Quy hoạch; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Đất đai;… để có giải pháp xử lý đồng bộ, thống nhất khi triển khai thực hiện.

img_1692.jpg
ĐBQH Lại Thế Nguyên (Thanh Hóa) phát biểu thảo luận tại tổ. Ảnh: Đào Cảnh

Góp ý vào dự thảo luật này, ĐBQH Lại Thế Nguyên (Thanh Hóa) nêu: Khoản 4, Điều 11 về phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương quy định “Trường hợp cần thiết UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh trực tiếp chỉ đạo điều hành việc giải quyết những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp mình, UBND, UBND cấp xã”. Ban soạn thảo cần cân nhắc nội dung “trực tiếp chỉ đạo, điều hành” này, bởi nếu quy định như vậy thì không phải là phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền giữa UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh mà là “làm thay” công việc, thẩm quyền của cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và cấp xã.

“Trong thực tế nhiều việc khó, nhạy cảm và phải chịu trách nhiệm thì cơ quan chuyên môn cấp xã sẽ đẩy trách nhiệm lên UBND cấp tỉnh, đẩy lên Chủ tịch UBND tỉnh và sinh ra tâm lý trông chờ, ỉ lại. Quy định như vậy sẽ không phù hợp với nguyên tắc là những công việc thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương thì phải do chính quyền địa phương quyết định, tổ chức thực hiện và phải tự chịu trách nhiệm”- đại biểu Nguyên nhấn mạnh.

Cũng theo ĐBQH Lại Thế Nguyên, Khoản 3, Điều 12 của dự thảo luật quy định “UBND cấp tỉnh được đề xuất với Chính phủ đề nghị Quốc hội phân quyền cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền ở địa phương thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn phù hợp với khả năng và điều kiện thực tiễn của địa phương”, nội dung này liệu có cần thiết quy định trong luật?

Đại biểu Nguyên lý giải, nếu đề xuất như nội dung trên thì chính là phản ánh, kiến nghị Chính phủ, Quốc hội sửa đổi luật; có nghĩa là từ bất cập trong thực tiễn thì kiến nghị Chính phủ và Quốc hội sửa luật. Nếu quy định nhằm tháo gỡ khó khăn cho cơ sở thì nên viết lại là “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được quyền phân quyền cho cơ quan, tổ chức ở địa phương thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn phù hợp với khả năng và điều kiện của địa phương và chịu trách nhiệm về việc phân quyền đó”. Đây mới là điều mà cơ sở đang cần, bởi nếu UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh thấy công việc nào phân công cho cấp xã làm được thì phân công và chịu trách nhiệm, không cần “mất quá nhiều thời gian” để báo cáo lên Chính phủ, Chính phủ lại trình Quốc hội.

img_1679.jpg
Quang cảnh thảo luận tại tổ 18. Ảnh: Đào Cảnh

Thảo luận tại tổ, các ĐBQH quan tâm sâu đến quy định tại Khoản 3, Điều 39 về cơ cấu tổ chức của UBND với quy định “Căn cứ các tiêu chí về quy mô dân số, diện tích tự nhiên, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và các yếu tố đặc thù của từng loại đơn vị hành chính ở nông thôn, đô thị, hải đảo, miền núi, Ủy ban nhân dân cấp xã được tổ chức các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác hoặc bố trí các chức danh công chức chuyên môn để tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp xã về ngành, lĩnh vực ở địa bàn cấp xã theo quy định của Chính phủ.

Theo các đại biểu, đây là quy định mang tính tùy nghi, tức là tùy tình hình của địa phương để UBND cấp xã được thành lập phòng hay không thành lập phòng hoặc làm việc theo chế độ chuyên viên. Trên nguyên tắc tổ chức bộ máy của nhà nước nói chung và UBND cấp xã nói riêng, các đại biểu đề nghị nên thống nhất quy định UBND cấp xã trong cả nước đều thành lập phòng chuyên môn. Cấp xã hiện nay sẽ làm hai nhiệm vụ của cả cấp huyện và của các cấp xã nên nếu tổ chức các phòng thì sẽ xây dựng được lề lối làm việc khoa học, chuyên môn hóa, chuyên sâu để tham mưu tốt cho chính quyền cấp xã.

Nếu ở cấp xã hiện nay không tổ chức phòng để làm chuyên môn hóa thì rất khó khăn vì liên quan đến vấn đề đất đai, đầu tư, các công việc chuyên môn sâu rất khó xử lý. Do đó, ban soạn thảo cần nghiên cứu kỹ lưỡng để có sự thống nhất trong cả nước, tránh chồng lắp và cũng làm cơ sở để các tỉnh giải quyết những “điểm nghẽn” trong việc sắp xếp bộ máy hành chính hai cấp để bộ máy hoạt động trơn tru và hiệu quả.

img_1664.jpg
ĐBQH Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) phát biểu thảo luận tại tổ. Ảnh: Đào Cảnh

Cũng liên quan đến luật này, ĐBQH Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) quan tâm đến quy định về phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương. Khoản 2, Điều 11 quy định một số nguyên tắc quan trọng về phân định thẩm quyền như: trách nhiệm giải trình; cơ chế kiểm soát quyền lực; kịp thời điều chỉnh nội dung phân quyền, phân cấp khi cơ quan tổ chức, cá nhân được phân quyền, phân cấp thực hiện không hiệu quả các nhiệm vụ, quyền hạn được giao…

Đại biểu Sơn đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể về cơ chế đánh giá, tiêu chí giám sát hiệu quả thực hiện các quyền được phân cấp, phân quyền nhằm tránh dẫn tới nguy cơ khó kiểm soát hậu quả nếu việc phân quyền không phù hợp với năng lực địa phương.

Bên cạnh đó, về quy định nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND tỉnh, Dự thảo luật mở rộng thẩm quyền lập quy hoạch, ban hành chính sách địa phương, quyết định đầu tư, tài chính, đất đai… Các đại biểu đề nghị việc liệt kê này là không cần thiết dễ dẫn đến mâu thuẫn, chồng chéo, không đầy đủ.

Trong khi đó, luật hiện hành đã có quy định về “thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp và các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật”. Điểm a, Khoản 3, Điều 15 dự thảo luật quy định về HĐND cấp tỉnh quyết định quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội cấp tỉnh chưa đồng bộ, thống nhất với quy định của Luật Quy hoạch hiện hành “đối với quy hoạch tỉnh thì do HĐND xem xét, thông qua để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt” - nội dung này tiếp tục được quy định tại dự án Luật Quy hoạch (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp này.

Không nên bó hẹp quyền chất vấn của đại biểu

Tại Khoản 2, Điều 115 Hiến pháp 2013 quy định “Đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền chất vấn Chủ tịch Ủy ban nhân dân, các thành viên khác của Ủy ban nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Thủ trưởng cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân…”. Dự thảo Nghị quyết Sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 115: “Đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền chất vấn Chủ tịch Ủy ban nhân dân, các thành viên khác của Ủy ban nhân dân và người đứng đầu cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân…”. Theo dự thảo nghị quyết, đại biểu HĐND sẽ không thực hiện chất vấn đối với “Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân”.

img_1685.jpg
ĐBQH Lê Thanh Hoàn (Thanh Hóa) phát biểu thảo luận tổ. Ảnh: Đào Cảnh

Thảo luận tại tổ, các ĐBQH cho rằng, không nên “bó hẹp” quyền chất vấn của đại biểu. Theo ĐBQH Lê Thanh Hoàn (Thanh Hóa), dự thảo nghị quyết nên quy định cơ chế mở, đó là “quyền chất vấn của đại biểu HĐND đối với người đứng đầu các cơ quan, tổ chức khác”. Đây là sự thể hiện việc thực hiện quyền giám sát việc thi hành hiến pháp và pháp luật tại địa phương. Nếu để cơ chế mở như vậy thì khi sửa Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND mới có cơ sở để sửa, còn nếu đóng khung các đối tượng như trong dự thảo nghị quyết thì sẽ không còn bất cứ “tổ chức, cá nhân” nào mà đại biểu HĐND có quyền được chất vấn nữa. “Quy định như thế này là chúng ta đang bó hẹp quyền chất vấn của đại biểu - ĐBQH Lê Thanh Hoàn khẳng định.

img_1672.jpg
ĐBQH Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) phát biểu thảo luận tổ. Ảnh: Đào Cảnh

Đồng tình với quan điểm này, các ĐBQH tổ 18 cũng cho rằng, để bảo đảm kiểm soát quyền lực Nhà nước giữa các cơ quan, tổ chức, các cấp thẩm quyền ở địa phương, vẫn nên để cơ chế để đại biểu HĐND cấp tỉnh có thẩm quyền chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân. “Thậm chí chúng ta nên trao thêm quyền để đại biểu HĐND chất vấn cả người đứng đầu cơ quan Thi hành án đối với cấp tỉnh, cấp khu vực” - ĐBQH Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) nhấn mạnh.

img_1690.jpg
ĐBQH Cao Mạnh Linh (Thanh Hóa) phát biểu thảo luận. Ảnh: Đào Cảnh

Liên quan đến nội dung này, ĐBQH Cao Mạnh Linh (Thanh Hóa) cho rằng, cần giữ nguyên quyền chất vấn của đại biểu HĐND. Bởi, theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND thì HĐND có 4 hoạt động, gồm: chất vấn, giám sát văn bản, giám sát việc thi hành pháp luật ở địa phương và giám sát việc giải quyết khiếu nại tố cáo. Trong đó, quyền chất vấn rất đặc thù, thể hiện rõ nét nhất quyền lực của cơ quan dân cử và trách nhiệm của các đại biểu dân cử với cử tri. Do đó, không nên “bó hẹp” quyền chất vấn của đại biểu HĐND.

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Nên thống nhất quy định “UBND cấp xã trong cả nước đều thành lập phòng chuyên môn”
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO