Ngày 25.7, Trường Đại học Phenikaa phối hợp với Mạng lưới Quản lý giáo dục không biên giới (EdulightenUp) và Viện Nghiên cứu phát triển Quản lý giáo dục (ELRD) tổ chức khóa đào tạo về "Hướng nghiệp quốc tế".
Đây là lần thứ hai khóa học được tổ chức, thu hút gần 50 thầy cô là lãnh đạo và giáo viên hướng nghiệp, định hướng nghề nghiệp đến từ 30 trường THPT khu vực phía Bắc.
Khóa đào tạo "Hướng nghiệp quốc tế" thuộc Dự án “Tư vấn hướng nghiệp cho học sinh phổ thông” do Viện Nghiên cứu Phát triển Quản lý giáo dục xúc tiến và xây dựng, nhằm nâng cao chất lượng tư vấn hướng nghiệp, cũng như đổi mới cách tiếp cận trong việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh THPT.
Hoạt động chính của Dự án “Tư vấn hướng nghiệp cho học sinh phổ thông” là tổ chức các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cho giáo viên, cán bộ quản lý các trường THPT về kỹ năng tư vấn và tổ chức hoạt động tư vấn hướng nghiệp hiện đại trong nhà trường theo xu hướng quốc tế.
Nâng cao chất lượng định hướng nghề nghiệp cho học sinh trong kỷ nguyên hội nhập
Phát biểu tại chương trình, PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền, Chủ tịch Viện Nghiên cứu phát triển Quản lý giáo dục cho biết, với tinh thần đổi mới sáng tạo và mong muốn tìm ra con đường tối ưu cho sự phát triển của học sinh, dự án “Hướng nghiệp quốc tế” được ra đời. Dự án này gồm 2 giai đoạn, giai đoạn đầu đã thành công với sự tài trợ của Trường Đại học Phenikaa.
"Hy vọng những kiến thức, kỹ năng và trải nghiệm trong khóa học này sẽ giúp thầy cô tìm ra phương pháp tối ưu cho trường mình, góp phần nâng cao chất lượng hướng nghiệp cho học sinh", PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền bày tỏ.
Tại khóa học, với vai trò là cố vấn chuyên môn đồng hành cùng các trường THPT trong công tác hướng nghiệp, PGS.TS Nguyễn Phú Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa đã chia sẻ những góc nhìn sâu sắc về xu hướng hướng nghiệp quốc tế, giúp thầy cô từ các trường THPT nắm bắt được những định hướng mới nhất trong lĩnh vực này.
PGS.TS Nguyễn Phú Khánh cũng đưa ra những gợi ý thiết thực để các trường có thể áp dụng vào công tác hướng nghiệp của mình, góp phần nâng cao chất lượng định hướng nghề nghiệp cho học sinh trong kỷ nguyên hội nhập.
"Chìa khóa" giúp học sinh tìm câu trả lời cho câu hỏi về tương lai nghề nghiệp
Khóa học "Hướng nghiệp quốc tế" tập trung vào các nội dung chính như xu hướng hướng nghiệp quốc tế; xây dựng các chân dung “Người công dân toàn cầu”, “Nhà Tư vấn hướng nghiệp quốc tế”, “Nhà Lãnh đạo hướng nghiệp quốc tế”; hướng dẫn tổ chức hoạt động tư vấn hướng nghiệp, lựa chọn và sử dụng công cụ hướng nghiệp chuyên nghiệp và hướng dẫn xây dựng bản đồ hướng nghiệp quốc tế.
Theo TS Vũ Thị Kiều Anh, Chủ tịch Edmod Vietnam, hướng nghiệp quốc tế không đơn thuần là việc định hướng cho học sinh du học hay làm việc ở nước ngoài. Thay vào đó, đây là quá trình trang bị cho học sinh những kiến thức, kỹ năng và tư duy cần thiết để có thể thích nghi và thành công trong môi trường làm việc đa văn hóa, đa quốc gia, ngay cả khi các em vẫn học tập và làm việc tại Việt Nam.
TS Vũ Thị Kiều Anh chỉ ra rằng, hướng nghiệp quốc tế trong thời đại số hóa và toàn cầu hóa, ranh giới địa lý đã không còn là rào cản. Vì vậy, việc chuẩn bị cho học sinh những kỹ năng, kiến thức và tầm nhìn cần thiết là nhiệm vụ quan trọng của công tác hướng nghiệp hiện đại.
Nói về tầm quan trọng của hướng nghiệp quốc tế, TS Vũ Thị Kiều Anh nhìn nhận, đây là "chìa khóa" giúp học sinh tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi quan trọng về tương lai nghề nghiệp của mình.
Theo đó, hướng nghiệp quốc tế không chỉ giúp các em xác định đam mê và sở trường, mà còn mở ra cánh cửa đến với một tương lai rạng rỡ trong bối cảnh toàn cầu hóa. Hướng nghiệp quốc tế chắp cánh ước mơ tương lai của các em cao hơn, xa hơn, mở ra cơ hội học tập và làm việc, nâng cao năng lực cạnh tranh sòng phẳng và phát triển toàn diện, giúp các em sẵn sàng đối mặt với những thách thức và trở thành một công dân toàn cầu.
Xây dựng bản đồ hướng nghiệp toàn diện
Trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng, việc chuẩn bị cho học sinh bước vào thị trường lao động quốc tế trở thành một nhiệm vụ quan trọng của các trường học. Nhận thức được điều này, nhiều cơ sở giáo dục đang chuyển hướng từ phương pháp tư vấn hướng nghiệp truyền thống sang mô hình tư vấn hướng nghiệp quốc tế hiện đại và hiệu quả hơn.
Theo TS Vũ Thị Kiều Anh, sự khác biệt giữa hai phương pháp này nằm ở việc sử dụng công cụ hướng nghiệp hỗ trợ tư vấn cũng như hướng dẫn tổ chức hoạt động tư vấn hướng nghiệp quốc tế tại trường học. Trong khi phương pháp truyền thống thường không tận dụng các công cụ này, phương pháp tư vấn hướng nghiệp quốc tế đã tích hợp chúng một cách hiệu quả vào quy trình tư vấn.
Để giúp các trường học triển khai hiệu quả hoạt động tư vấn hướng nghiệp quốc tế, TS Vũ Thị Kiều Anh đưa ra hướng dẫn lựa chọn và sử dụng công cụ hướng nghiệp thông minh.
Bên cạnh đó, trong quá trình tư vấn hướng nghiệp quốc tế, việc xây dựng một bản đồ hướng nghiệp toàn diện là bước quan trọng, giúp học sinh có cái nhìn tổng quan về các lựa chọn và con đường sự nghiệp của mình. Tại khóa học, TS Vũ Thị Kiều Anh đã hướng dẫn chi tiết các bước tạo ra một bản đồ hướng nghiệp hiệu quả, bao gồm cả các lựa chọn du học và học tập tại các trường đại học/cao đẳng trong nước.
Ngoài ra, bằng cách xây dựng một bản đồ hướng nghiệp quốc tế toàn diện, học sinh sẽ có được cái nhìn rõ hơn về những bước đi cần thiết để đạt được mục tiêu. Điều này không chỉ giúp các em tự tin hơn trong việc đưa ra quyết định, mà còn chuẩn bị tốt hơn cho những thách thức và cơ hội trong môi trường học tập, làm việc quốc tế.
"Việc nâng cao kiến thức và kỹ năng về hướng nghiệp quốc tế và áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong công tác hướng nghiệp đang trở thành một xu hướng tất yếu trong giáo dục hiện đại. Bằng cách cập nhật liên tục các xu hướng và mô hình hướng nghiệp quốc tế tiên tiến, các nhà giáo dục và tư vấn viên có thể nâng tầm công tác tư vấn hướng nghiệp trong nhà trường", TS Vũ Thị Kiều Anh nhấn mạnh.
Một số hình ảnh tại khóa đào tạo về "Hướng nghiệp quốc tế", tổ chức ngày 25.7 tại Trường Đại học Phenikaa: