Nỗ lực đứng trong top 10 toàn quốc
Thực hiện Đề án Sắp xếp đơn vị hành chính, Nam Định có 2 đơn vị hành chính cấp huyện thực hiện sắp xếp (huyện Mỹ Lộc và TP. Nam Định) và có 77 đơn vị cấp xã (gồm 55 xã, 17 phường, 5 thị trấn). Sau sắp xếp, tỉnh còn 9 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm 8 huyện và TP. Nam Định); 175 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 146 xã, 14 phường, 15 thị trấn), giảm 1 đơn vị hành chính cấp huyện, 51 đơn vị hành chính cấp xã.
Tương ứng với đó là cán bộ, công chức phải thay đổi mã định danh theo địa chỉ mới, để nhanh chóng tiếp nhận sự chỉ đạo, điều hành của các cấp cũng như không làm gián đoạn việc phục vụ giao dịch hành chính trên môi trường mạng. Với tiêu chí các đơn vị, cá nhân duy trì hoạt động thường xuyên các nền tảng số, dịch vụ số dùng chung của tỉnh bảo đảm nhanh chóng, chính xác, không bị gián đoạn thông tin, Sở Thông tin và Truyền thông đã triển khai thực hiện 11 nhiệm vụ ngay sau khi có quyết định sắp xếp lại đơn vị hành chính.
Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các doanh nghiệp viễn thông tổ chức thay đổi tên, mã đơn vị. Đồng thời, phân quyền cho 1 đơn vị cấp huyện, 51 đơn vị xã, phường, thị trấn với gần 600 tài khoản trên Cổng Dịch vụ công tỉnh và gần 100 tài khoản trên phần mềm chứng thực điện tử, hệ thống báo cáo Chính phủ, hệ thống phản ánh kiến nghị, thay đổi mã định danh cho gần 200 đơn vị trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh và quốc gia.
Bên cạnh đó, dừng hoạt động 48 mã định danh, tạo mới 8 mã định danh trên trục Liên thông văn bản của tỉnh và trục quốc gia; tạo mới khoảng 1.000 tài khoản trên hệ thống quản lý văn bản điều hành, cấp gần 300 tài khoản email công vụ cho các phòng, ban, các xã sáp nhập vào TP. Nam Định.
Ngay sau sáp nhập, ở tất cả các đơn vị có biến động về địa giới hành chính và cá nhân cán bộ, công chức có thay đổi chức danh công việc đều được hướng dẫn và chuẩn hóa thông tin, để đáp ứng yêu cầu giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp. Bộ phận một cửa của các đơn vị hành chính sau sáp nhập chủ động bố trí cán bộ hiểu rõ địa bàn, nắm vững từng hộ dân để dễ dàng hướng dẫn công dân đến giải quyết TTHC.
Qua đó, góp phần hoàn thành thắng lợi một trong những mục tiêu sắp xếp đơn vị hành chính của tỉnh là cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức theo vị trí việc làm; sàng lọc, nâng cao chất lượng và trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, mở rộng không gian phát triển, tập trung nguồn lực, phát huy tiềm năng, lợi thế của các địa phương nhằm phát triển bền vững.
Chủ độngtháo gỡ điểm nghẽn
Mặc dù Sở Thông tin và Truyền thông cùng các sở, ngành và địa phương nỗ lực bảo đảm thông tin thông suốt, song, trong quá trình chuyển đổi còn một số cán bộ chưa thích nghi ngay với công việc. Đơn cử như cán bộ của huyện Mỹ Lộc trước đây chưa bắt kịp quy trình công nghệ của hệ thống đăng nhập một lần, do hệ thống này mới chỉ áp dụng trên địa bàn TP. Nam Định. Nhiều người dân, doanh nghiệp chưa thực hiện việc chuyển đổi thông tin cá nhân và đơn vị mình hoặc chuyển đổi rồi nhưng vẫn nhầm lẫn giữa thông tin cũ khiến cho việc giải quyết TTHC phải mất thêm công đoạn chuẩn hóa thông tin cá nhân.
Nguyên nhân khách quan dẫn đến việc tỉ lệ TTHC cập nhật, công khai đúng hạn còn thấp là do tỷ lệ hồ sơ đồng bộ lên Cổng Dịch vụ công quốc gia chưa khớp với số liệu thực tế giải quyết tại địa phương, tỉ lệ thanh toán trực tuyến thấp... Đây cũng chính là nguyên nhân cơ bản làm giảm thứ hạng của tỉnh trong việc thực hiện bộ chỉ số.
Nhận diện rõ những tồn tại làm giảm điểm thực hiện bộ chỉ số trong tháng 9 và 10; hiện nay, toàn tỉnh đang tổ chức rà soát, đánh giá lại toàn bộ nhiệm vụ, chỉ tiêu giao về công tác cải cách, kiểm soát TTHC, xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Trên cơ sở đó các sở, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện đúng quy định về công bố, công khai TTHC, tái cấu trúc xây dựng dịch vụ công trực tuyến toàn trình, sử dụng lại hồ sơ, dữ liệu số hóa… nhằm tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC; cung cấp đầy đủ TTHC có yêu cầu nghĩa vụ tài chính trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Bên cạnh đó, nhanh chóng khai thác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hóa để tránh lãng phí dữ liệu; người dân, doanh nghiệp không phải nộp lại đầy đủ thành phần hồ sơ khi thực hiện TTHC. Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường hỗ trợ các đơn vị xử lý các vấn đề phát sinh trên các cổng điện tử... Theo đó, tích cực hoàn thiện, nâng cấp kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân; giúp nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công của các cơ quan hành chính Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện TTHC.