Nắm chắc diễn biến tư tưởng, giải quyết kịp thời tình huống phát sinh trong công tác tổ chức cán bộ
Chi bộ Vụ Tổ chức - Cán bộ xác định, làm tốt công tác tư tưởng không chỉ giúp ổn định nội bộ, tạo sự đồng thuận và đoàn kết trong cơ quan, đơn vị mà còn góp phần trực tiếp vào việc nâng cao chất lượng công tác tổ chức, sử dụng cán bộ, từ đó tăng cường niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, bảo đảm sự vận hành trôi chảy, hiệu lực, hiệu quả của cả hệ thống.
Bản lĩnh, khách quan, tỉnh táo và sâu sát thực tiễn
Trong thời gian qua, công tác tổ chức cán bộ có những bước chuyển mạnh mẽ, thể hiện rõ qua việc cụ thể hóa các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về đổi mới hệ thống chính trị, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.

Nhiều nội dung quan trọng đã và đang được triển khai quyết liệt, như: rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn đầu mối, giảm cấp trung gian, tinh giản biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước, sáp nhập, hợp nhất, kết thúc hoạt động một số đơn vị. Thực hiện luân chuyển, điều động cán bộ giữa các đơn vị, đặc biệt chú trọng việc trẻ hóa, bổ sung cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số, tăng cường cán bộ cho cơ sở và những địa bàn khó khăn, phức tạp.
Tăng cường công khai, minh bạch trong quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ, đặc biệt đẩy mạnh việc lấy phiếu tín nhiệm, thực hiện dân chủ trong công tác cán bộ, qua đó nâng cao trách nhiệm của người được lựa chọn và người giới thiệu.
Kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực trong công tác cán bộ như chạy chức, chạy quyền, “lợi ích nhóm”, đặc biệt thông qua việc xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy trình bổ nhiệm, sai phạm trong hồ sơ cán bộ.
Từng bước chuyển đổi phương thức đánh giá cán bộ, chuyển từ đánh giá hình thức sang thực chất, lấy kết quả công việc, năng lực thực tiễn và mức độ tín nhiệm của tập thể làm thước đo chủ yếu; đồng thời khuyến khích cán bộ mạnh dạn đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Những thay đổi đó là động lực cho sự phát triển, nhưng đồng thời tác động mạnh đến tâm lý, tư tưởng, vị trí công tác, thậm chí là định hướng phấn đấu lâu dài của nhiều cán bộ, đảng viên. Do đó, đặt ra yêu cầu đối với những người làm công tác tổ chức cán bộ, đòi hỏi phải thật sự bản lĩnh, khách quan, tỉnh táo và sâu sát thực tiễn trong việc nắm bắt tư tưởng cán bộ, đảng viên.
Để có biện pháp giải quyết, xử lý những vấn đề tư tưởng nảy sinh, chúng ta cần làm rõ một số biểu hiện tư tưởng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay.
Qua thực tiễn, có thể nhận diện một số biểu hiện tư tưởng ở một bộ phận cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay, nhất là trong bối cảnh tổ chức bộ máy có nhiều thay đổi, cụ thể: tư tưởng dao động, thiếu yên tâm công tác, nhất là khi cơ cấu tổ chức thay đổi, vị trí việc làm được sắp xếp lại hoặc chưa cụ thể rõ ràng.
Tâm lý so sánh giữa các cán bộ trong đơn vị về vị trí công tác, chế độ đãi ngộ hay cơ hội phát triển là hiện tượng không hiếm gặp, đặc biệt trong bối cảnh có sự thay đổi về tổ chức, nhân sự. Nếu không nhận diện và định hướng kịp thời, những so sánh này dễ tạo cảm giác thiếu công bằng, ảnh hưởng đến đoàn kết nội bộ, làm suy giảm động lực phấn đấu của cán bộ, đảng viên.
.jpg)
Biểu hiện “trung bình chủ nghĩa”, làm việc cầm chừng, thiếu khát vọng vươn lên, chỉ cố gắng duy trì ở mức “an toàn” để không bị đánh giá thấp, nhưng cũng không dám bứt phá hay đổi mới. Ngại va chạm, né tránh trách nhiệm, nhất là khi được giao việc khó, việc mới; dẫn đến tình trạng đùn đẩy, trì hoãn, làm giảm hiệu lực, hiệu quả thực thi nhiệm vụ của tổ chức.
Một số ít trường hợp có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, thể hiện qua lời nói thiếu chuẩn mực, thái độ thờ ơ với nhiệm vụ chính trị, xa rời sinh hoạt tổ chức làm suy giảm vai trò tiên phong, gương mẫu của người cán bộ, đảng viên...
Những biểu hiện tư tưởng nêu trên không phải là phổ biến, nhưng đáng lưu tâm, bởi chúng không diễn ra rầm rộ, công khai, mà ngấm ngầm, dai dẳng và âm thầm, khó nhận diện nếu không có sự theo dõi sát sao và nắm bắt kịp thời.
Cần cách tiếp cận tổng thể, linh hoạt, phù hợp với từng giai đoạn
Để nắm chắc diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên và xử lý kịp thời các tình huống phát sinh trong công tác tổ chức cán bộ, đòi hỏi phải có cách tiếp cận tổng thể, linh hoạt và phù hợp với từng đối tượng, từng giai đoạn, Chi bộ Vụ Tổ chức - Cán bộ đề xuất một số giải pháp sau đây:
Một là, tăng cường truyền thông nội bộ và đối thoại trong Đảng.
Truyền thông nội bộ không chỉ là thông tin một chiều, mà cần trở thành công cụ định hướng nhận thức, tạo sự đồng thuận, lan tỏa thông điệp tích cực và nâng cao niềm tin vào sự lãnh đạo của tổ chức.
Trong việc sắp xếp tổ chức, cán bộ các đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội trong giai đoạn vừa qua, bên cạnh công tác xây dựng đề án, triển khai sắp xếp theo kế hoạch, lộ trình cụ thể, Lãnh đạo Văn phòng Quốc hội luôn chú trọng, tổ chức đối thoại, trao đổi với các đơn vị, với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, nhất là đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp từ công tác sắp xếp tổ chức, bộ máy, nhân sự để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, phổ biến các chế độ, giải thích định hướng bố trí nhân sự, từ đó tạo niềm tin, sự ổn định về tư tưởng ngay từ đầu.
Nhờ vậy, dù có nhiều biến động về tổ chức và nhân sự, quá trình triển khai vẫn được thực hiện một cách thuận lợi, có sự đồng thuận, không phát sinh đơn thư khiếu kiện hay tư tưởng tiêu cực.
Hai là, nêu gương người đứng đầu và cán bộ chủ chốt.
Một trong những giải pháp có tính thuyết phục cao và tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ trong công tác tổ chức cán bộ là phát huy vai trò nêu gương của người đứng đầu và cán bộ chủ chốt. Trong bối cảnh tổ chức bộ máy được sắp xếp, điều chỉnh, việc cán bộ lãnh đạo thể hiện tinh thần gương mẫu, chủ động nhận nhiệm vụ mới, sẵn sàng điều động, luân chuyển, thậm chí đến những vị trí khó khăn hơn không chỉ là yêu cầu chính trị, mà còn là hành động cụ thể thể hiện sự cống hiến và bản lĩnh.

Chính từ những hành động “đi trước”, “làm trước” ấy, tập thể sẽ cảm nhận rõ sự công tâm, trách nhiệm vì việc chung, từ đó củng cố niềm tin, tạo sự đồng thuận và lan tỏa tinh thần sẵn sàng nhận nhiệm vụ trong toàn đơn vị. Ở đâu người đứng đầu thể hiện rõ vai trò nêu gương, ở đó sẽ có sự chuyển động tích cực về tư tưởng và tinh thần trách nhiệm trong toàn bộ đội ngũ.
Ba là, tiếp tục chú trọng thực hiện công khai, minh bạch, công tâm trong công tác cán bộ.
Việc bố trí, sắp xếp cán bộ, đảng viên cần được thực hiện trên nguyên tắc công bằng, minh bạch, đúng quy định và phù hợp với năng lực, sở trường của từng cá nhân. Mọi quyết định về tổ chức, nhân sự phải bảo đảm sự công tâm, tránh biểu hiện cảm tính, thiếu khách quan hoặc những yếu tố dễ làm phát sinh tâm lý so bì, hoài nghi và mất niềm tin trong nội bộ.
Chỉ khi công tác cán bộ được triển khai một cách rõ ràng, thuyết phục, có lý, có tình mới thật sự tạo dựng được sự đồng thuận, khơi dậy tinh thần trách nhiệm và động lực cống hiến của đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Bốn là, chú trọng công tác bồi dưỡng, chuẩn bị nguồn cán bộ có chiều sâu.
Công tác tạo nguồn, quy hoạch và đào tạo cán bộ cần được triển khai một cách bài bản, có tầm nhìn dài hạn và luôn đi trước một bước. Không chỉ dừng lại ở việc bảo đảm “có người để thay”, mà quan trọng hơn là chuẩn bị được đội ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực, bản lĩnh sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới trong mọi tình huống, kể cả khi có sự thay đổi về tổ chức hoặc yêu cầu đột xuất về nhân sự.
Việc chủ động xây dựng nguồn cán bộ kế cận có chiều sâu không chỉ giúp tổ chức vững vàng trước những thay đổi, mà còn tạo niềm tin, sự ổn định về tư tưởng trong đội ngũ. Bởi lẽ, khi cán bộ được chuẩn bị kỹ về chuyên môn, bản lĩnh chính trị và tâm thế sẵn sàng nhận nhiệm vụ, thì mọi sự sắp xếp, điều động đều có thể triển khai một cách thuận lợi và đồng thuận.
Năm là, xây dựng môi trường làm việc dân chủ, công bằng, khơi dậy động lực cống hiến.
Tạo dựng môi trường làm việc dân chủ, công bằng, có động lực là yếu tố quan trọng giúp ổn định tư tưởng, củng cố niềm tin và khơi dậy tinh thần cống hiến trong cán bộ, đảng viên. Trước hết, cần bảo đảm thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách để cán bộ yên tâm công tác, không phát sinh tâm lý so bì, đùn đẩy công việc. Việc bố trí, sử dụng, đánh giá cán bộ phải dựa trên năng lực, phẩm chất, kết quả thực hiện nhiệm vụ, bảo đảm công khai, minh bạch, tránh cảm giác “ưu ái” hay “thiếu công bằng”. Đồng thời, cần quan tâm đến yếu tố tinh thần trong môi trường làm việc, tôn trọng, lắng nghe, khuyến khích sáng tạo và ghi nhận đóng góp. Khi cán bộ cảm thấy mình được tôn trọng và có cơ hội phát triển, họ sẽ gắn bó và có trách nhiệm hơn với tập thể và tổ chức.
Trong bối cảnh hiện nay, khi bộ máy hành chính Nhà nước và các cơ quan trong toàn hệ thống chính trị đang tiếp tục được sắp xếp theo hướng tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; khi yêu cầu đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đặt ra ngày càng cao; khi đội ngũ cán bộ đứng trước nhiều thử thách cả về chuyên môn lẫn tư tưởng, thì việc nắm chắc diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên và xử lý kịp thời những tình huống phát sinh trở thành nhiệm vụ cấp thiết, có ý nghĩa quyết định.
Làm tốt công tác tư tưởng không chỉ giúp ổn định nội bộ, tạo sự đồng thuận và đoàn kết trong cơ quan, đơn vị mà còn góp phần trực tiếp vào việc nâng cao chất lượng công tác tổ chức, sử dụng cán bộ, từ đó tăng cường niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, bảo đảm sự vận hành trôi chảy, hiệu lực, hiệu quả của cả hệ thống.
Nhiệm vụ đó không chỉ là trách nhiệm của đơn vị tham mưu về công tác tổ chức cán bộ, mà còn là yêu cầu sống còn của toàn hệ thống chính trị. Từng cấp ủy, từng đồng chí lãnh đạo, từng cán bộ chủ chốt cần phát huy cao độ vai trò, trách nhiệm nêu gương, thường xuyên, lắng nghe, thấu hiểu và chủ động tháo gỡ vướng mắc ngay từ cơ sở. Chỉ khi tư tưởng đã thông, hành động mới thống nhất. Chỉ khi cán bộ yên tâm, tin tưởng và sẵn sàng cống hiến, thì tổ chức mới mạnh, Đảng mới vững và công cuộc đổi mới mới thành công bền vững.