Lấy hệ thống doanh nghiệp làm trụ cột
Chúng ta đang dành nguồn lực rất lớn để phát triển hạ tầng, phát triển triển xã hội, trong đó dành hơn 800.000 tỷ đồng đầu tư cho giao thông, sắp tới sẽ dành khoảng 60 tỷ USD đầu tư đường sắt cao tốc Bắc Nam. Với nguyên tắc đầu tư công dẫn dắt đầu tư, song, ĐBQH Trịnh Xuân An (Đồng Nai) lưu ý, tỷ lệ tăng vốn đầu tư tư nhân đang ngày càng giảm đi, ở mức chỉ khoảng 7% - bằng một nửa so với giai đoạn trước.
Tại sao đầu tư công đầu tư lớn như vậy mà không dẫn dắt được đầu tư tư? Cần phải làm rõ điểm nghẽn này để thúc đẩy đầu tư tư vào nền kinh tế. Cần lấy hệ thống doanh nghiệp làm trụ cột, phải đầu tư cho hệ thống doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân", đại biểu Trịnh Xuân An nhấn mạnh.
Phân tích thêm về vấn đề này, đại biểu cho rằng, chúng ta có rất nhiều chương trình, nhiều đề án, nhưng lại bị "nghẽn" ở chính thủ tục. "Doanh nghiệp tư rất cần cơ chế. Đối với những công trình trọng điểm quốc gia, công trình lớn nên mạnh dạn giao cho doanh nghiệp tư, nhằm tăng tỷ trọng đầu tư tư đối với toàn xã hội".
Đại biểu Trịnh Xuân An cũng thống nhất với việc tăng vốn điều lệ cho Vietcombank (VCB) để bảo đảm chỉ số an toàn và sức mạnh của ngân hàng thương mại nhà nước này. Tuy nhiên, đại biểu cũng nêu vấn đề: tăng vốn cho VCB thì chúng ta sẽ ứng xử như thế nào với hệ thống ngân hàng thương mại nhà nước? Vì hệ thống ngân hàng thương mại nhà nước đang có sự tụt hậu cả về tỷ lệ vốn, chỉ số an toàn vốn so với ngân hàng thương mại tư nhân. VCB, BIDV, ViettinBank đang đứng thứ hai so với Techcombank và VPbank.
"Tại sao các ngân hàng thương mại tư nhân lại làm tốt như vậy, nhưng ngân hàng thương mại nhà nước, được gọi là “anh cả đỏ” lại đang gặp khó khăn trong việc tăng vốn? Rõ ràng, các ngân hàng thương mại nhà nước đang gặp khó khăn về quy trình thủ tục", đại biểu Trịnh Xuân An nói.
Nhìn rộng ra với doanh nghiệp nhà nước, đại biểu Trịnh Xuân An cho biết, hiện nay nhiều doanh nghiệp nhà nước đang là “anh cả đỏ”, là “đầu đàn” nhưng vướng nhiều về mặt cơ chế, thủ tục, rất cần được “cởi trói” để các doanh nghiệp này có "đường ray" tốt, đóng góp vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, "muốn vươn mình phải có doanh nghiệp khỏe, doanh nghiệp tốt".
Thực hiện các Chương trình đào tạo chuyên sâu về công nghiệp bán dẫn
Nêu ý kiến về ngành công nghiệp bán dẫn, ĐBQH Trịnh Thị Tú Anh (Lâm Đồng) chỉ rõ, đây là nền tảng cho các thiết bị công nghệ, giữ vai trò cốt lõi trong nền kinh tế số của quốc gia.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1018/QĐ-TTg ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Đối với nước ta, đây là cơ hội lớn để vươn thành điểm đến an toàn trong chuỗi cung ứng công nghiệp bán dẫn trên toàn cầu.
Theo đại biểu Trịnh Thị Tú Anh, mặc dù có nhiều tiềm năng nhưng nước ta vẫn đối mặt với thách thức lớn trong phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, đặc biệt là sự thiếu hụt về công nghệ và nhân lực. Công nghệ sản xuất chip vẫn là điểm yếu của nước ta so với các nước phát triển. Trong khi các doanh nghiệp trong nước chủ yếu tham gia vào khâu thiết kế.
Do đó, để thực sự vươn tầm trong chuỗi cung ứng toàn cầu về công nghiệp bán dẫn, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh đề nghị, Việt Nam cần có chính sách phát triển các mảng sản xuất, đóng gói và thử nghiệm vốn có giá trị gia tăng cao hơn. Cụ thể như: công nghệ sản xuất chip tiên tiến là những công nghệ cốt lõi để chế tạo các chip với kích thước siêu nhỏ, hiệu năng cao, chất lượng, bề mặt chip đồng đều và hiệu suất cao, đạt được độ tinh khiết và giảm tối đa tỷ lệ lỗi sản phẩm; thiết kế mặt tích hợp như chip AI chuyên dụng, 5G, 6G…
Đại biểu nhấn mạnh, để thực hiện được, nguồn nhân lực là rất cần thiết, với nhu cầu lên đến 10.000 kỹ sư/năm, nước ta chỉ mới đáp ứng được khoảng 20%, tạo ra một khoảng trống lớn về nhân lực, lực lượng lao động, đặc biệt là các kỹ sư thiết kế chip và các nhà khoa học vật liệu.
Trong khi đó, các chương trình đào tạo hiện nay còn nhiều hạn chế và chưa đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế. Các trường đại học, cao đẳng chưa được trang bị đầy đủ máy móc, thiết bị hiện đại phục vụ cho việc đào tạo và thực hành. Số lượng giảng viên có chuyên môn sâu về thiết kế vi mạch, bán dẫn vẫn còn hạn chế, dẫn đến chất lượng đào tạo chưa đồng đều.
Chương trình đào tạo hiện tại của nhiều trường đại học, cao đẳng chưa được cập nhật theo những tiến bộ mới nhất của công nghệ bán dẫn. Việc hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp trong lĩnh vực này còn hạn chế dẫn đến khoảng cách giữa lý thuyết và thực tế sản xuất…
"Những điều này dẫn đến tình trạng thiếu nguồn cung nhân lực chất lượng cao, không đủ cầu, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của ngành". Nhấn mạnh như vậy, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh đề nghị, Chính phủ cần có sự quan tâm đặc biệt trong việc xây dựng và triển khai các Chương trình đào tạo chuyên sâu về công nghiệp bán dẫn, có giải pháp cụ thể thúc đẩy hợp tác công – tư nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn; có cơ chế chính sách ưu đãi để khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân tham gia sâu hơn vào quá trình quản lý và vận hành các cơ sở đào tạo liên quan đến lĩnh vực này.
Cùng với đó, theo đại biểu, cần tạo điều kiện thuận lợi để khu vực tư nhân chia sẻ tài chính, hạ tầng, các nguồn lực khác nhằm phát huy tối đa tính năng động và sáng tạo trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp bán dẫn.
"Trong quá trình rà soát, sửa đổi các luật có liên quan như Luật Đầu tư công, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công..., cần bổ sung các quy định cụ thể để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động hợp tác này", đại biểu Trịnh Thị Tú Anh nhấn mạnh.