Đây là thông tin được nêu ra tại Chương trình: "Đối thoại, tư vấn, hướng nghiệp học sinh THPT về khối ngành công nghệ" do Báo Tuổi trẻ Thủ đô phối hợp Trường Đại học Thành Đô tổ chức ngày 13.4 tại trường THPT Lý Thường Kiệt, quận Long Biên, Hà Nội. Chương trình thu hút hơn 1.000 học sinh tham gia trực tiếp và trực tuyến.
Tại sự kiện, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thông tin về những điểm mới trong tuyển sinh đại học năm 2024, đồng thời lưu ý thí sinh quy định về xét tuyển sớm.
Theo đó, năm 2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn giữ quy chế tuyển sinh như hai mùa tuyển sinh gần nhất. Toàn bộ quy trình xét tuyển, từ đăng ký xét tuyển, đăng ký nguyện vọng, thay đổi nguyện vọng, nộp lệ phí tuyển sinh và xác nhận nhập học đều tiến hành trực tuyến.
Để tham gia vào các phương thức xét tuyển sớm của các trường đại học, học sinh cần nghiên cứu rất kỹ đề án tuyển sinh của các trường công bố trên website để bám sát về hồ sơ, thủ tục, giấy tờ và thời hạn.
“Khi các em được thông báo đã trúng tuyển xét tuyển sớm vẫn chưa phải là trúng tuyển đại học bởi chưa dự thi tốt nghiệp THPT, chưa tốt nghiệp THPT, do đó chưa trúng tuyển chính thức. Tất cả nguyện vọng của các em dù trúng tuyển sớm hay sau khi có điểm thi tốt nghiệp THPT đều phải đăng ký trên hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo”, bà Thủy lưu ý.
Theo TS. Nguyễn Thúy Vân, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thành Đô, để chọn ngành nghề phù hợp, trước hết các em cần phải dựa trên năng lực bản thân, sau đó tìm hiểu nhu cầu tuyển dụng của xã hội.
Năm nay, ngoài 3 phương thức xét tuyển ổn định như năm 2023, gồm xét tuyển theo học bạ cấp 3; xét tuyển theo kết quả thi THPT; xét tuyển kết hợp chứng chỉ tiếng Anh với kết quả THPT, thì Trường Đại học Thành Đô có thêm hình thức mới là xét tuyển theo kỳ thi năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội. Các em học sinh có thể xem thông tin tuyển sinh trên website của nhà trường để có sự lựa chọn phù hợp, TS. Nguyễn Thúy Vân thông tin.
Một trong những nội dung được nhiều học sinh quan tâm là thi tuyển vào ngành thiết kế chip vi mạch bán dẫn. TS. Lê Đình Nam, Phó trưởng Ban Tuyển sinh - Hướng nghiệp, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, để được lựa chọn đào tạo bài bản về ngành này, học sinh cần có kiến thức nền tảng về các môn học Toán, Vật lý và các kiến thức liên quan đến Tin học, Ngoại ngữ. Cụ thể, các bạn học sinh khối A00, A01 sẽ đáp ứng tốt ngành nghề này.
Hiện, Đại học Bách khoa Hà Nội có 2 chuyên ngành đào tạo trực tiếp và 7 ngành đào tạo gần về thiết kế, sản xuất, đóng gói và kiểm thử, hỗ trợ ứng dụng chip bán dẫn, đó là các ngành: Điện tử viễn thông; thiết kế vi mạch; hệ thống nhúng; điện/tự động hóa; cơ điện tử; kỹ thuật máy tính/khoa học máy tính; vật lý kỹ thuật; vật liệu/vật liệu điện tử; công nghệ vi điện tử và nano. Các chương trình đào tạo sẽ tập trung vào cung cấp nhân lực chất lượng cao, chuyên gia trong lĩnh vực thiết kế vi mạch và sản xuất, đóng gói, kiểm tra vi mạch.
Vi mạch bán dẫn là ngành nghề đang rất được quan tâm hiện nay. Chính phủ đang xây dựng Chiến lược quốc gia về công nghiệp bán dẫn đến năm 2030; Đề án phát triển nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn với mục tiêu đào tạo, phát triển 50.000 nhân lực cho ngành đến năm 2030.
Nhằm tạo bước đà cho việc triển khai đề án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giao Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) ký thỏa thuận hợp tác với hai tập đoàn lớn nhất của Mỹ về thiết kế chip là Synopsys và Cadence hợp tác trong việc thành lập các trung tâm nghiên cứu, ươm tạo thiết kế vi mạch bán dẫn; đồng thời, phối hợp với hơn 30 trường đại học, viện nghiên cứu lớn trong nước và quốc tế để triển khai các chương trình đào tạo nguồn nhân lực.