Mua bán thuốc online ngày càng tăng
Theo các chuyên gia, hoạt động bán thuốc online tại Việt Nam bắt đầu có từ những năm 2017 - 2018 và ngày càng phát triển mạnh. Ước tính thị trường thuốc online Việt Nam tới năm 2024 đạt khoảng 5 - 8% thị phần bán thuốc và đang tăng trưởng không ngừng.
Tại cuộc tọa đàm, các chuyên gia đều cho rằng, việc mua thuốc kê đơn qua mạng mang lại sự tiện lợi cho người tiêu dùng, đặc biệt là những người sống ở vùng sâu, vùng xa, nơi các hiệu thuốc không phải lúc nào cũng có sẵn thuốc. Thay vì phải đến tận nơi khám bệnh và mua thuốc, người bệnh có thể đặt hàng trực tuyến một cách nhanh chóng, tiết kiệm thời gian và công sức. Khi người dân có thể mua thuốc kê đơn qua mạng, số lượng bệnh nhân đến trực tiếp các bệnh viện và phòng khám có thể giảm bớt, góp phần giảm tải cho hệ thống y tế và tránh lây nhiễm chéo.

Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) bà Lê Thị Hà cho biết, hiện nay việc giao dịch trực tuyến không còn xa lạ với người dân. Hiện, có khoảng 1.000 cơ sở bán thuốc online đã thực hiện thủ tục đăng ký, khai báo với Bộ Công thương. Thực tế, trong thời gian qua vẫn có một số cơ sở kinh doanh dược sau khi được cấp phép nhưng vẫn bán thuốc kê đơn không đúng quy định pháp luật, ngay trong tháng 11 Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã có công văn gửi đến các doanh nghiệp để yêu cầu không bán thuốc kê đơn theo quy định của Luật Dược.
Phó trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội bà Trần Thị Nhị Hà cho biết thêm, việc mua bán thuốc online trên các sàn thương mại điện tử diễn ra rất phổ biến. Dưới góc độ quản lý nhà nước, các sở y tế của các địa phương đã phối hợp với các sàn để kiểm soát việc mua bán thuốc online. “Điều đáng nói, mặc dù mua bán thuốc online là do nhu cầu của người dân và tạo sự thuận lợi, tuy nhiên thuốc là mặt hàng đặc biệt ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người nên đòi hỏi phải có sự quản lý. Vì vậy, Dự thảo Luật Dược lần này đưa nội dung mua bán thuốc online vào Dự thảo là hợp lý” bà Hà nhấn mạnh.
Phù hợp với sự phát triển của xã hội
Một trong những điểm mới của Dự thảo luật được sửa đổi lần này là đa dạng hóa hệ thống và phương thức kinh doanh, phân phối thuốc, nguyên liệu làm thuốc và cụ thể là bổ sung quy định cho phép bán thuốc theo phương thức thương mại điện tử hay còn gọi là bán thuốc online.
Theo Dự thảo, việc bán thuốc online được thực hiện qua các sàn giao dịch website, ứng dụng thương mại điện tử, bán hàng có chức năng đặt hàng trực tuyến và doanh nghiệp kinh doanh online cũng phải bảo đảm các yêu cầu về cơ sở vật chất, con người, điều kiện kinh doanh, nguồn gốc xuất xứ an toàn cho người dân và đặc biệt là phải có nhân lực để hướng dẫn người dân sử dụng thuốc. Dự thảo chỉ cho phép bán online thuốc không kê đơn và không được phép bán online thuốc kê đơn.
Chia sẻ tại tọa đàm, theo Phó trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội bà Trần Thị Nhị Hà, đổi mới này rõ ràng yêu cầu phải xây dựng pháp luật theo hướng quản lý nhà nước, tuy nhiên khuyến khích sáng tạo, đổi mới, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển.
Quan điểm này hoàn toàn phù hợp với sự phát triển của xã hội, xu thế của thời đại, kỷ nguyên số. Liên quan đến việc có nên hay không nên khuyến khích mua bán dược phẩm trên môi trường điện tử thì đây vẫn là vấn đề phức tạp, tuy nhiên thương mại điện tử hiện nay khá phổ biến nên nếu cấm có thể đi ngược lại với xu hướng. Bên cạnh đó, nhiều nước trên thế giới không cấm việc mua bán thuốc online mà thay vào đó họ quản lý chặt, bảo đảm chất lượng thuốc, bảo vệ người tiêu dùng. Ngoài ra, những lưu vết trên giao dịch điện tử sẽ dễ quản lý, truy vết.
“Đây là một trong những vấn đề được người tiêu dùng và các doanh nghiệp liên quan đến ngành dược đặc biệt quan tâm. Chúng tôi mong muốn trong Dự thảo lần này phải có sự minh bạch và giao Chính phủ quy định những nội dung liên quan đến kiểm soát giữa hình thức bán buôn và bán lẻ. Đồng thời, cần xây dựng công cụ để giúp phân biệt được người mua thuốc trên sàn thương mại điện tử là để dùng hay là cơ sở có pháp nhân kinh doanh dược phẩm. Bên cạnh đó, ngoài quy định thuốc bán lẻ là thuốc không kê đơn thì nên bổ sung thêm hình thức thuốc bán lẻ là thuốc kê đơn với điều kiện phải được áp dụng hình thức hệ thống kê đơn thuốc điện tử để phù hợp với xu hướng khám chữa bệnh từ xa, phù hợp với xu hướng số hóa việc kê đơn thuốc điện tử” bà Nhị Hà nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, Giám đốc vận hành eDoctor, thành viên Nhóm Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới về Ứng dụng Khám chữa bệnh từ xa ông Vũ Thái Hà cho biết, qua quan sát thị trường nhận thấy nhu cầu mua bán thuốc online của người dân tương đối lớn và chúng ta không thể đi ngược lại với xu thế đó. Từ góc nhìn của đơn vị làm công nghệ, đối với hình thuốc kê đơn, trong tương lai nên từng bước cho giao dịch trực tuyến và tùy vào diễn biến thị trường, mức độ tuân thủ, nhận thức của người tham gia kinh doanh, người sử dụng thuốc sẽ có những điều chỉnh.
Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) bà Lê Thị Hà cho biết, Bộ Y tế đã triển khai hệ thống đơn thuốc quốc gia giúp việc quản lý đơn thuốc minh bạch, rõ ràng. Hệ thống có đầy đủ mã cơ sở khám chữa bệnh, mã bác sĩ, mã đơn thuốc. Những dữ liệu này được liên thông, tập trung trên hệ thống quản lý thuốc kê đơn. Chúng ta hoàn toàn có thể triển khai việc mua bán thuốc trên sàn thương mại điện tử một cách hợp lệ.
“Tôi mong muốn thời gian tới sẽ điện tử hóa mọi quy trình quản lý đối với mặt kinh doanh là dược phẩm, thuốc. Đồng thời, cơ quan quản lý cần làm tốt công tác hậu kiểm bởi thực tế câu chuyện phức tạp đòi hỏi phải có sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý” bà Hà nhấn mạnh.