Mạnh ai nấy làm!
Chủ trương liên kết vùng đã được đặt ra đã lâu nhưng đến nay vẫn thiếu thể chế, chính sách, cơ chế pháp lý cho hoạt động này. Đặc biệt, việc thiếu vắng “nhạc trưởng” giữ vai trò điều phối là nguyên nhân chính dẫn đến chuỗi liên kết lỏng lẻo, “mạnh ai nấy làm” dù các tỉnh đã ký kết chương trình hợp tác.
Dễ thấy nhất của thực trạng này là việc tỉnh nào cũng có khu, cụm công nghiệp, cảng biển, sân bay; tỉnh nào cũng bằng mọi cách thu hút đầu tư bằng cơ chế chính sách riêng theo kiểu mỗi địa phương là một “pháo đài kinh tế”. Tại Phiên thảo luận về Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020; Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, Kỳ họp thứ 2, QH Khóa XIV mới đây, nhiều ĐBQH cũng đã chỉ rõ điều này. ĐBQH Lý Tiết Hạnh (Bình Định) nêu vấn đề: Phát triển kinh tế vùng không phải là vấn đề mới. Trong hơn 10 năm qua Đảng và Nhà nước ta đã luôn quan tâm và có nhiều chủ trương, chínnh sách để thực hiện phát triển kinh tế vùng và liên kết vùng kinh tế, tuy nhiên, thực tế hiện nay quá trình triển khai thực hiện chủ trương, cơ chế, chính sách về phát triển vùng còn nhiều hạn chế. Như việc 63 địa phương là 63 nền kinh tế khác nhau dẫn đến việc phát triển manh mún, nguồn lực phân tán, có lúc các tỉnh, thành phố có hiện tượng cạnh tranh lẫn nhau, dẫn đến kìm hãm sự phát triển chung. Một trong những nguyên nhân của tình hình trên đó là do còn thiếu cơ chế quản trị điều phối vùng hiệu quả nên sự điều phối liên kết giữa các địa phương thực tế còn rất hạn chế. Để khắc phục hạn chế này, ĐB Lý Tiết Hạnh đề nghị cần có sự chỉ đạo, điều phối của Chính phủ thông qua hoạt động của các bộ, ngành; Chính phủ cần cụ thể hóa Nghị quyết của Đảng, chỉ đạo tiếp tục rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch vùng và các bộ, ngành, Trung ương trên cơ sở quy hoạch tổng thể và quy hoạch ngành, lĩnh vực của quốc gia tham gia các chương trình dự án cụ thể gắn với lợi thế của từng vùng.
Hay theo ĐBQH Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) thì cần thẳng thắn rằng việc quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế vùng và quy hoạch ngành theo từng vùng như hiện nay chưa phát huy hết tính hiệu quả trong định hướng, điều phối, phân bổ ngân sách, vai trò ràng buộc liên kết vùng và nội vùng vẫn còn nhiều hạn chế. Việc liên kết vùng vẫn còn là sự ghép nối giữa các tỉnh, thành với nhau, một số nơi là số ghép cơ học, chưa có sự liên kết thực sự, cơ bản chỉ trên tinh thần tự nguyện cam kết giữa các địa phương trong vùng, chưa có tính pháp lý, không có chế tài bảo đảm sự thực hiện lâu dài, nếu có cũng chỉ dừng lại ở mức hỗ trợ. Bên cạnh đó, việc thu hút đầu tư và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giữa các địa phương đang mang tính chạy đua, mạnh ai nấy làm, thay nhau trải thảm đỏ mời đầu tư với nhiều hình thức ưu đãi. Điều này khiến cho lợi ích tổng thể giảm ở cấp độ quốc gia cũng như trong vùng và các tỉnh, thành đầu tư dàn trải, lãng phí, không có trọng điểm. Các vùng kinh tế trọng điểm chưa thực sự phát huy được vai trò đầu tàu, tác dụng lan tỏa, hiệu quả đầu tư chưa thực sự vượt trội, thiếu cơ chế, chính sách đặc thù để thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng và vùng có lợi thế là đầu tàu kéo nền kinh tế phát triển.
Để khắc phục những hạn chế này, theo ĐBQH Cao Đình Thưởng (Phú Thọ), Nhà nước phải là chủ thể thực hiện quy hoạch tổng thể trên phạm vi cả nước, không nên để mỗi địa phương, mỗi tỉnh tự quy hoạch bởi như vậy sẽ dẫn đến tình trạng “trăm hoa đua nở”, dẫn đến quy hoạch và đầu tư dàn trải, thiếu đồng bộ, thiếu tính liên thông, liên kết không hiệu quả gây thất thoát, lãng phí ngân sách nhà nước và phát sinh nhiều bất cập trong quá trình triển khai thực hiện.
Đã đến lúc quy hoạch và quy hoạch đầu tư cần có sự cân nhắc hết sức thận trọng phù hợp với từng vùng, tạo động lực thúc đẩy nền kinh tế - ĐB Cao Đình Thưởng kiến nghị. Còn ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) thì khẳng định, vấn đề cốt lõi là phân bổ lại và sử dụng nguồn lực một cách hiệu quả, bảo đảm có sự tham gia của người dân, doanh nghiệp, nhà khoa học, Nhà nước trong từng chương trình, dự án cụ thể trên các lĩnh vực...