"Lùm xùm" tại KCN Sơn Mỹ I Bình Thuận: Thêm trường hợp bị thu hồi hơn 61ha đất nuôi trồng thủy sản, nhận bồi thường về đất "0 đồng"
Công ty TNHH TM Đại Thanh phản ánh bị thu hồi hơn 61ha đất nuôi trồng thủy sản tại xã Sơn Mỹ (huyện Hàm Tân) để làm Dự án khu công nghiệp Sơn Mỹ I nhưng không được bồi thường về đất, chỉ được đền bù hơn 5,2 tỷ đồng tài sản trên đất.
Sau khi Báo Đại biểu Nhân dân có bài “TAND tỉnh Bình Thuận thụ lý vụ khởi kiện bị thu hồi 8,7ha đất nuôi trồng thuỷ sản nhưng nhận bồi thường về đất 0 đồng”, Báo tiếp tục nhận phản ánh Công ty TNHH TM Đại Thanh (Công ty Đại Thanh) cũng trong tình cảnh tương tự.
Thu hồi 61ha đất nuôi trồng thuỷ sản, bồi thường về đất 0 đồng

Theo tài liệu đính kèm, năm 2001 và 2004, Công ty Đại Thanh được UBND tỉnh Bình Thuận cho thuê tổng cộng 566.000m2 đất tại xã Sơn Mỹ để thực hiện 2 dự án: Dự án nuôi tôm (300.000m2, thời hạn thuê 20 năm) và Dự án đầu tư trồng rừng kết hợp nuôi thủy sản (266.000m2, thời hạn cho thuê đất 50 năm). Trong quá trình triển khai thực hiện dự án, Công ty Đại Thanh còn thỏa thuận, nhận chuyển nhượng đất từ các hộ gia đình, cá nhân, nâng tổng diện tích đất đã và đang quản lý, sử dụng hơn 672.400m2.
Ngày 22/12/2011, UBND tỉnh Bình Thuận ban hành Quyết định số 2766/QĐ-UBND thu hồi 615.472m2 đất của Công ty Đại Thanh để thực hiện Dự án khu công nghiệp (KCN) Sơn Mỹ I (589.934m2 làm KCN và 25.538 giao UBND xã Sơn Mỹ quản lý).

Theo các tài liệu đính kèm, để thực hiện việc bồi thường cho Công ty Đại Thanh do bị thu hồi đất, từ năm 2011 đến nay, UBND huyện Hàm Tân đã ban hành nhiều quyết định: quyết định phê duyệt phương án bồi thường, điều chỉnh phương án bồi thường, hủy bỏ, thay thế các quyết định liên quan phương án bồi thường… Đáng chú ý trong các quyết định này, phần bồi thường về đất đều 0 đồng.
Cụ thể: Ngày 27/2/2012, UBND huyện Hàm Tân có Quyết định số 207/QĐ-UBND về chi trả tiền bồi thường cho Công ty Đại Thanh. Theo đó, tổng số tiền hỗ trợ là hơn 6,8 tỷ đồng (bồi thường tài sản (BTTS) hơn 2,3 tỷ đồng, các khoản hỗ trợ hơn 4,5 tỷ đồng). Tiền bồi thường 589.934m2 đất: 0 đồng.
Đến ngày 9/10/2012, UBND huyện Hàm Tân có Quyết định số 2793/QĐ-UBND hủy Quyết định số 207/QĐ-UBND nêu trên. Theo quyết định này, tổng số tiền chi trả cho Công ty Đại Thanh nâng lên thành 9,8 tỷ đồng (BTTS hơn 3,7 tỷ, các khoản hỗ trợ hơn 5,8 tỷ, giá trị thu hồi sau khi đã trừ 10% giá trị tài sản hơn 256 triệu đồng). Số tiền bồi thường 615.472m2 là 0 đồng.

Đến ngày 5/8/2014, UBND huyện Hàm Tân có 2 quyết định: Tại Quyết định 2112/QĐ-UBND tổng số tiền hỗ trợ cho Công ty Đại Thanh là hơn 2,2 tỷ đồng (BTTS hơn 314 triệu đồng, các khoản hỗ trợ hơn 1,9 tỷ đồng); tại Quyết định số 2097/QĐ-UBND, số tiền bồi thường, hỗ trợ cho Công ty Đại Thanh là hơn 1,5 tỷ đồng (BTTS: hơn 357 triệu đồng, các khoản hỗ trợ hơn 1,1 tỷ đồng, khấu trừ giá trị thu hồi tài sản (10%) hơn 214 triệu đồng).
Ngày 11/4/2025, UBND huyện Hàm Tân lại có tiếp 2 quyết định: Quyết định 650/QĐ-UBND (điều chỉnh Quyết định 2793/QĐ-UBND ngày 9/10/2012), số tiền bồi thường cho Công ty Đại Thanh điều chỉnh từ hơn 9,8 tỷ xuống còn hơn 3,9 tỷ đồng (chỉ BTTS). Trong khi đó, tại Quyết định số 654/QĐ-UBND (điều chỉnh Điều 1 Quyết định số 2112/QĐ-UBND ngày 5/8/2014) điều chỉnh tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ từ hơn 2,2 tỷ đồng thành hơn 314 triệu đồng (chỉ BTTS, không có khoản hỗ trợ hơn 1,9 tỷ đồng).

Tiếp đó, ngày 16/4/2025, UBND huyện Hàm Tân có tiếp Quyết định số 726/QĐ-UBND, tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ (bổ sung) cho Công ty Đại Thanh là hơn 835 triệu đồng (BTTS hơn 772 triệu đồng, chi phí di chuyển tài sản: 20 triệu đồng, tiền hỗ trợ hơn 43 triệu đồng).
Mới đây, ngày 21/4/2025, huyện Hàm Tân có Quyết định số 769/QĐ-UBND điều chỉnh Quyết định số 2097/QĐ-UBND ngày 5/8/2014. Theo đó, tổng số tiền từ hơn 1,5 tỷ đồng điều chỉnh còn hơn 357 triệu đồng (các khoản hỗ trợ hơn 1,1 tỷ đồng bị cắt)…
Cơ sở nào xác định bồi thường hơn 5,2 tỷ đồng?

Theo trình bày của Công ty Đại Thanh, tổng diện tích mà công ty đang quản lý, sử dụng hơn 672.400m2 đất. Tuy nhiên, khi thuê đất của Nhà nước: Dự án nuôi tôm (300.000m2 đất,), chỉ có hơn 203.000m2 đất là đất sạch, còn hơn 97.000m2 đất do các hộ gia đình, cá nhân quản lý; Dự án trồng rừng và nuôi tôm (266.000m2 đất) chỉ có 221.000m2 đất sạch, còn 45.000m2 đất do các hộ gia đình, cá nhân quản lý, sử dụng.
“Như vậy, theo 2 quyết định của UBND tỉnh cho thuê đất, tổng diện tích hơn 566.000m2, trong đó có hơn 142.000m2 là đất do các hộ gia đình, cá nhân quản lý, sử dụng. Công ty Đại Thanh phải tiến hành thỏa thuận, nhận chuyển nhượng và bồi thường đối với các hộ dân. Ngoài ra, chúng tôi còn tự thỏa thuận, nhận chuyển nhượng thêm hơn 106.400m2 mới có được tổng diện tích 2 dự án hơn 672.400m2 đất. Tổng số diện tích đất mà Công ty Đại Thanh phải tiến hành thỏa thuận, nhận chuyển nhượng và bồi thường đối với các hộ dân là hơn 248.400m2”, đại diện Công ty Đại Thanh trình bày.

Công ty Đại Thanh phản ánh, dù UBND huyện Hàm Tân liên tục ra quyết định điều chỉnh số tiền bồi thường, tuy nhiên mới đây, ngày 20/5/2025, Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Hàm Tân có Thông báo số 63/TB-PTQĐ. Theo đó đơn vị này căn cứ một số quyết định bồi thường của UBND huyện Hàm Tân gửi số tiền hơn 5,2 tỷ đồng là tiền đã được UBND huyện Hàm Tân phê duyệt bồi thường, hỗ trợ cho Công ty Đại Thanh vào tài khoản tiền gửi của Trung tâm tại ngân hàng.
Trước vấn đề trên, Công ty Đại Thanh cho rằng: "Chúng tôi không rõ căn cứ vào cơ sở nào để các đơn vị của huyện Hàm Tân đưa ra số tiền bồi thường là 5,2 tỷ đồng. Bởi Nhà nước cho thuê đất chỉ có 424.000/566.000m2 là đất sạch; còn lại chúng tôi phải tự thỏa thuận bồi thường, chuyển nhượng hơn 142.000m2 (trong dự án) và nhận chuyển nhượng thêm hơn 106.400m2 (ngoài ranh dự án).
Như vậy, tại sao khi thu hồi để làm Dự án KCN thì không bồi thường về đất cho Công ty Đại Thanh? Ngoài ra, cũng không được bồi thường về chi phí đầu tư vào đất? Thậm chí hệ thống điện trung thế, trạm biến áp, điện hạ thế mà công ty đã đầu tư cũng không được bồi thường mà chỉ hỗ trợ chi phí di dời trong khi không bố trí địa điểm khác cho công ty hoạt động. Có những nội dung “đầu tư trên đất như: đào ao…” đã được kiểm đếm, đưa vào phương án bồi thường nhưng trong các quyết định điều chỉnh, bổ sung lại trở thành “0 đồng”.

Theo tính toán của Công ty Đại Thanh nếu dựa trên các đơn giá của UBND tỉnh Bình Thuận ban hành theo Quyết định số 37/2019/QĐ-UBND ngày 20/12/2019 và Quyết định số 09/2022/QĐ-UBND ngày 18/3/2022 thì số tiền phải bồi thường, hỗ trợ cho Công ty Đại Thanh phải hơn 150 tỷ đồng.
“Chúng tôi là doanh nghiệp tham gia đầu tư vào tỉnh Bình Thuận theo lời kêu gọi của UBND tỉnh nhưng hiện nay bị thu hồi đất trước thời hạn. Chúng tôi chấp nhận bị thu hồi đất để phục vụ cho mục mục tiêu mới của tỉnh. Tuy nhiên, với phương án đền bù do UBND huyện Hàm Tân ban hành đã ảnh hưởng, gây thiệt hại lớn về quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty chúng tôi.
Luật Đất đai 2024 vừa có hiệu lực thể hiện nhiều tính ưu việt nhưng tại sao lại không được vận dụng để bồi thường cho doanh nghiệp trong khi quá trình thu hồi, bồi thường đã kéo dài hơn 15 năm? Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng tại tỉnh Bình Thuận cần xem xét lại để đưa ra phương án bồi thường, hỗ trợ hợp tình, hợp lý hơn thì mới tạo được cầu nối, kêu gọi nhiều doanh nghiệp khác đầu tư vào tỉnh”, đại diện Công ty Đại Thanh chia sẻ.
* Báo Đại biểu Nhân dân sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc và cử tri cả nước.