Lỗi ở người lớn!

Thái An 10/10/2015 08:22

Dạy thêm, học thêm đã được nói rất nhiều nhưng vẫn chưa cho hồi kết. Cứ vào một năm học mới, câu chuyện này lại được xới lại. Người bảo nên, người bảo không nên; địa phương cấm triệt để, địa phương không cấm; ngành chủ quản đã ban hành một số quy định liên quan nhưng cũng chưa thật rõ ràng, cụ thể…(!?). Chỉ tội cho trẻ nhỏ phải học nhiều quá, học đến “mụ” cả người. Đã có nhiều thành ngữ mới miêu tả về “hiện trạng” học thêm của học sinh hiện nay: “Sống vội, ăn tạm, ngủ thiếu”; “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương; chính khóa học bình thường, phần nhiều là học nhóm”.

Phải khẳng định rằng, dạy thêm, học thêm là một hiện tượng xã hội không phải của riêng Việt Nam mà của rất nhiều quốc gia trên thế giới. Bản chất của việc dạy thêm, học thêm là tốt nhằm củng cố kiến thức, kỹ năng cho học sinh; phụ đạo học sinh học lực yếu kém; bồi dưỡng học sinh khá giỏi. Thực tế, nhiều học sinh tiến bộ rõ rệt trong học tập nhờ dạy thêm học thêm… Tuy nhiên, hiện nay việc dạy thêm, học thêm ở nhiều nơi phát triển tràn lan, ít nhiều có sự biến tướng. Để xảy ra thực trạng đó, lỗi thuộc về người lớn, cụ thể ở đây bao gồm: nhà quản lý (ngành giáo dục); thầy, cô giáo và các bậc phụ huynh.

Liên quan đến vấn đề dạy thêm, Bộ GD - ĐT đã ban hành một số văn bản như: Quyết định số 03/2007; Thông tư số 17/2012; Chỉ thị  số 5105/2014… nhằm “điều chỉnh” và “chấn chỉnh”. Tuy nhiên, các quy định này chỉ mang tính hình thức nhằm trấn an dư luận, bởi lẽ người tham gia dạy thêm không khó để “lách” những yêu cầu được đưa ra. Cụ thể, theo quy định mới, ai có nguyện vọng dạy thêm phải có đơn đăng ký, còn phụ huynh muốn cho con học thêm phải viết đơn xin học. Quy định này tạo một “kẽ hở” cho việc dạy thêm, học thêm, bởi thực tế việc giáo viên đẩy phụ huynh vào thế “không dám nói không” với “xin” tự nguyện học thêm là chuyện quá đơn giản!

Để khắc phục học thêm, dạy thêm tràn lan, Bộ GD - ĐT khẳng định, cùng với việc triển khai đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông, Bộ đã và đang tập trung đổi mới phương pháp dạy học; đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển năng lực của học sinh, đổi mới từng bước cách thức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập... Giải pháp này là rất trúng, nhưng để thực hiện thì đâu thể ngày một ngày hai nên tình trạng dạy thêm, học thêm vẫn cứ thản nhiên diễn ra ngay trước mắt các cơ quan quản lý…(!?)

Nói đi phải nói lại cho công bằng. Trong văn hóa giáo dục, người thầy luôn mong muốn học sinh mình học giỏi, đỗ đạt cao. Với đa số thầy cô, dạy thêm chỉ vì muốn bồi dưỡng nâng cao trình độ học sinh khá giỏi; phụ đạo và bổ sung kiến thức cho học sinh yếu kém; chỉ cầu cho học sinh mình tiến bộ. Thế nên đừng vì “không quản được thì cấm” để rồi “hoang phí” kiến thức, trí tuệ và nhiệt tâm của những thầy cô chân chính.

Tuy nhiên, cần lưu ý “nhu cầu học thêm” khác hoàn toàn với “bắt buộc phải học thêm”. Thực tế, một số thầy, cô giáo đã lợi dụng việc dạy thêm để thu lợi cá nhân; thậm chí bằng cách này cách khác “bắt ép” học sinh học thêm. Chính những người này đã làm cho việc dạy thêm, học thêm trở nên tràn lan, biến tướng; gây bức xúc trong dư luận và làm mất đi hình ảnh đẹp của người thầy. Đây mới chính là hiện tượng đáng lên án.

Trách nhiệm còn thuộc về phía phụ huynh. Ai cũng muốn con mình học giỏi. Thực tế, nhìn lịch học của con cái ở trường rồi lịch học thêm và số lượng đề cương, bài tập các môn đến hàng chục trang sách toán nâng cao… nhiều phụ huynh không khỏi chạnh lòng và xót xa. Nhưng chỉ vì không muốn “thua em kém chị” nên cứ nài, cứ bắt con cái học… đến “mụ” cả người.

Học thêm là chuyện của con trẻ, nhưng là trách nhiệm của người lớn. Có lẽ, đã đến lúc “các bên người lớn” cần thấu triệt trách nhiệm của mình, để kết thúc câu chuyện dạy thêm, học thêm một cách có hậu và thực sự vì tương lai con trẻ.

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Lỗi ở người lớn!
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO