Loay hoay với sông Tô Lịch

Khánh Ninh 03/12/2019 07:53

Sông Tô Lịch bị ô nhiễm, chủ yếu do các nguồn thải chưa qua xử lý. Tô Lịch cần được “giải cứu” là đòi hỏi tất yếu. Việc thực hiện có lúc “khoan”, có khi “nhặt”. Thế nhưng xem ra vẫn loay hoay...

Thông tin với báo chí mới đây, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, vừa qua thành phố đã nghiên cứu các phương án làm sạch sông Tô Lịch. Đầu tiên là thu gom tại chỗ tất cả các điểm xả thải, song phương án này không thực hiện được vì dọc bờ sông có quá nhiều điểm xả thải. Phương án thứ hai của Công ty Việt Nhật dùng công nghệ Nano - Bioreactor, thành phố mời đến thí điểm và đơn vị này đã thất bại (thông tin này đang bị Tổ chức Xúc tiến thương mại - Môi trường Nhật Bản phản ứng gay gắt vì cho rằng, sau thí điểm, cả 6/6 mục tiêu đều đạt). Ngoài ra, Công ty Thoát nước Hà Nội cũng thí điểm dùng hóa chất làm sạch (Giám đốc Sở Xây dựng không nói đến kết quả thí điểm). Hiện chỉ còn phương án cuối cùng là xây dựng hệ thống cống thu gom nước thải đặt dọc hai bên bờ sông, nước thải sẽ được đưa về nhà máy nước thải Yên Xá để xử lý. Và theo tiến độ, việc xây dựng hệ thống cống thu gom hoàn thành vào năm 2020 nhưng đang chậm tiến độ. Dự kiến năm 2021, hệ thống thu gom này sẽ hoàn thành và giải quyết được vấn đề ô nhiễm sông Tô Lịch - Giám đốc Sở Xây dựng cho biết.

Ngoài những phương án nêu trên, dư luận và người dân còn biết đến một phương án nữa, nhưng cũng đang gặp nhiều ý kiến trái chiều, đó là lấy nước sông Hồng bổ cập cho hồ Tây sau đó dẫn vào “pha loãng”, làm sạch nước sông Tô Lịch. Các ý kiến không ủng hộ phương án này cho rằng, đây là giải pháp không khả thi, không có nước nào làm, chỉ mang tính tình thế và không xuất phát từ căn nguyên của vấn đề. Ngoài ra, chưa kể đến các yếu tố kỹ thuật khác cũng như chi phí vận hành và nạo vét tầng bùn đáy sông Tô Lịch... Luồng ý kiến ủng hộ thì cho rằng, để giải quyết ô nhiễm, đây là cách làm nhanh nhất và hiệu quả nhất...

Giải quyết ô nhiễm sông Tô Lịch tất nhiên phải có thời gian, nhưng cũng không vì thế mà kéo dài hết năm này qua năm khác. Và với tình trạng ô nhiễm hiện nay, một giải pháp có khi không giải quyết được mà phải kết hợp nhiều giải pháp. Ví như trước đây và cả hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng chỉ cần giải quyết vấn đề cốt lõi là tách nguồn nước thải, không cho đổ trực tiếp vào sông. Thế nhưng, đây là giải pháp cần nhưng chưa đủ. Bởi ai cũng biết, hồ Tây và sông Tô Lịch từng là một nhánh của sông Hồng, nhưng do nhiều thay đổi, hồ Tây và sông Tô Lịch không còn kết nối tự nhiên với sông Hồng. Do vậy, hiện nguồn nước bổ cập cho cả hồ và sông chủ yếu là nước mưa và nước thải sinh hoạt. Vậy khi “cắt” nguồn thải thì giải pháp nào để tạo dòng chảy tự nhiên cho sông, bởi nếu không tạo được dòng chảy thì đương nhiên vẫn là “sông chết”.

Chọn lựa phương án nào là trách nhiệm của các cơ quan chức năng TP Hà Nội nhưng buộc phải hướng đến mục đích là giải quyết ô nhiễm sông Tô Lịch cả trước mắt và lâu dài, với mức chi phí hợp lý nhất.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Loay hoay với sông Tô Lịch
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO