Tham gia đoàn công tác có Phó Tổng Giám đốc Petrovietnam Dương Mạnh Sơn, lãnh đạo các Ban chuyên môn/ Văn phòng Tập đoàn. Tại PTSC Thanh Hóa, đoàn công tác đã đến tham quan cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị tại xưởng cơ khí, khu vực bãi lắp ráp, tổ hợp Suction bucket - Dự án điện gió ngoài khơi CHW2... tại Cảng PTSC/PTSC Thanh Hóa.
Báo cáo nhanh tại buổi làm việc, ông Phạm Hùng Phương - Giám đốc PTSC Thanh Hóa cho biết, trong 10 tháng năm 2023, Công ty đã thực hiện đầu tư máy móc thiết bị và xây dựng cơ bản đạt trên 168 tỷ đồng, đạt 36,61 kế hoạch. Doanh thu 4 dịch vụ chính gồm dịch vụ chứng nhận bắt buộc Trung Quốc (CCC) và Logictisc, dịch vụ cơ khí dầu khí công nghiệp, dịch vụ bảo dưỡng, sữa chữa (O&M) và dịch vụ tàu cơ bản đạt kế hoạch đề ra. Tổng doanh thu 10 tháng đạt 740,31 tỷ đồng, đạt 67% kế hoạch, lợi nhuận trước thuế đạt 38,59 tỷ, đạt 91% kế hoạch.
Bên cạnh những kết quả đạt được, lãnh đạo PTSC Thanh Hóa cũng báo cáo đoàn công tác một số khó khăn vướng mắc trong công tác bàn giao, tiếp nhận dự án từ Vinashin; một số thủ tục xin điều chỉnh dự án để gia hạn, các thỏa thuận pháp lý giữa Tập đoàn và PTSC; quy hoạch chi tiết cảng biển khu vực Nghi Sơn - Thanh Hóa...
Lãnh đạo PTSC Thanh Hóa cũng đề xuất kiến nghị một số vấn đề liên quan đến công tác chuyển nhượng tại dự án đầu tư khai thác cảng và dịch vụ dầu khí tổng hợp tại Khu kinh tế Nghi Sơn; phương án chuyển nhượng, giá trị chuyển nhượng các hạng mục, thiết bị từ SBIC; hỗ trợ PTSC Thanh Hóa có thể tham gia sâu rộng vào các lĩnh vực kỹ thuật dầu khí tại Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và dịch vụ năng lượng tái tạo ngoài khơi...
Sau khi nghe báo cáo của PTSC Thanh Hóa, ý kiến của Phó Tổng Giám đốc Petrovietnam Dương Mạnh Sơn và các Ban chuyên môn Tập đoàn, kết luận buổi làm việc, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Hoàng Quốc Vượng ghi nhận, biểu dương những kết quả của PTSC Thanh Hóa qua 10 tháng năm 2023.
Để vượt lên những thách thức, tồn tại hiện nay, Chủ tịch Hoàng Quốc Vượng đã định hướng, gợi mở một số vấn đề để PTSC Thanh Hóa hướng đến những mục tiêu lớn, dài hạn trong tương lai. Theo đó, PTSC Thanh Hóa hiện đang có ưu thế về năng lực cũng như vị trí thuận lợi để xây dựng thành trung tâm dịch vụ kỹ thuật năng lượng tái tạo lớn ở khu vực phía Bắc, do đó bên cạnh sự chia sẻ, ủng hộ từ chính quyền địa phương, lãnh đạo Tập đoàn, PTSC Thanh Hóa cần tận dụng, phát huy tối đa năng lực lợi thế sẵn có.
Với những vướng mắc được đề cập, Chủ tịch HĐTV Hoàng Quốc Vượng đề nghị PTSC tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Ban liên quan dưới sự chỉ đạo của Phó Tổng Giám đốc phụ trách để đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Cùng ngày, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Hoàng Quốc Vượng cùng đoàn công tác đã đến thăm quan Nhà máy nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 do Công ty TNHH Điện Nghi Sơn 2 (NS2PC) quản lý. Thay mặt lãnh đạo NS2PC, ông Jubok Lee, Phó Tổng Giám đốc NS2PC kiêm Giám đốc Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 đã cảm ơn Chủ tịch HĐTV Petrovietnam và đoàn công tác đã quan tâm, đến thăm và trao đổi kinh nghiệm với nhà máy.
Ông Jubok Lee đã chia sẻ những thuận lợi, khó khăn khi NS2PC thực hiện Dự án Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2. Với bề dày kinh nghiệm của Chủ đầu, lãnh chỉ đạo sát sao của Ban Giám đốc, sự chung sức đồng lòng của kỹ sư, công nhân viên NS2PC đã xây dựng thành công Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 đúng tiến độ đi vào vận hành an toàn, ổn định.
Nhà máy gồm 2 tổ máy với công suất 1.200 MW, đây là dự án FDI do liên doanh Tổng công ty Điện lực KEPCO (Hàn Quốc) góp vốn 50%; Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản) góp vốn 40% và Công ty Điện lực Tohuku (Nhật Bản) góp vốn 10%. Dự án có vốn đầu tư 2,8 tỷ USD và lớn thứ 2 tại tỉnh Thanh Hóa. NS2PC được Chính phủ Việt Nam giao thực hiện Dự án Nhiện điện BOT Nghi Sơn 2 với công suất thiết kế 1.330MW, công suất tinh 1,200 MW (600 MW/tổ máy), sản xuất 7,8 tỷ KWH/năm, cung cấp điện cho hơn 6 triệu hộ gia đình.
Nhà máy áp dụng nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế về an toàn và môi trường. Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 được thiết kế có các hệ thống khử NOx, SO2, lọc bụi tĩnh điện, hệ thống xử lý nước thải... Ngoài ra nhà máy sử dụng công nghệ lò siêu tới hạn (USC) với hiệu suất cao góp phần giảm tiêu thụ than và sử dụng than nhập từ Indonesia từ đó giảm phát thải khí nhà kính và các vấn đề về môi trường khác. Bên cạnh đó, nhà máy còn sử dụng hệ thống điều khiển của Siemens cho hệ thống DCS và của Mitsubishi Hitachi cho hệ thống tuabin có tính tự động hóa cao để giảm thiểu các thao tác của vận hành viên.
Với năng lực, thế mạnh của Tập đoàn năng lượng hàng đầu Việt Nam, ông Jubok Lee bày tỏ mong muốn được hợp tác cùng Petrovietnam để cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm trong công tác vận hành và bảo trì các nhà máy nhiệt điện.
Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Hoàng Quốc Vượng ghi nhận, đánh giá cao sự quan tâm, tin tưởng của NS2PC và kỳ vọng hai bên sớm hiện thực hóa chương trình hợp tác.