Làm rõ các trường hợp Chủ tịch tỉnh trực tiếp điều hành công việc cấp xã
Góp ý với dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) tại phiên thảo luận tổ chiều nay, 7/5, các ĐBQH tại Tổ 8 đề nghị làm rõ trường hợp cần thiết và bổ sung nguyên tắc khi UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh trực tiếp chỉ đạo, điều hành việc giải quyết những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của cấp xã.
Quy định rõ thế nào là "trường hợp cần thiết"
Chiều 7.5, Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Điện Biên, Trà Vinh, Cao Bằng (Tổ 8) thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).

Góp ý với dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), ĐBQH Lò Thị Luyến (Điện Biên) nhất trí với chủ trương bổ sung quy định: Trường hợp cần thiết, UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh trực tiếp chỉ đạo, điều hành việc giải quyết những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp mình, UBND, Chủ tịch UBND cấp xã.

Theo đại biểu, trong bối cảnh không tổ chức cấp huyện, nhiều nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp huyện được chuyển giao cho cấp xã khiến khối lượng công việc của chính quyền địa phương cấp xã sẽ tăng lên rất nhiều. Hơn nữa, chính quyền địa phương cấp xã cần có thời gian để được kiện toàn, nâng cao trình độ, năng lực.
Do vậy, quy định chính quyền địa phương cấp tỉnh phải có trách nhiệm theo dõi, giám sát và có giải pháp kịp thời để hỗ trợ, xử lý trong trường hợp chính quyền ở một hoặc một số đơn vị hành chính cấp xã là cần thiết. Điều này nhằm bảo đảm tính thông suốt, hiệu lực, hiệu quả của nền hành chính cũng như công việc của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn được giải quyết kịp thời, nhanh chóng.
Tuy nhiên, để quy định chặt chẽ, đại biểu Lò Thị Luyến đề nghị làm rõ trường hợp cần thiết và bổ sung nguyên tắc khi UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh trực tiếp chỉ đạo, điều hành việc giải quyết những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp mình, UBND, Chủ tịch UBND cấp xã.
“Ví dụ, trường hợp cần thiết là trường hợp cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính thuộc UBND cấp tỉnh hoặc UBND, Chủ tịch UBND cấp xã không thực hiện hoặc thực hiện không hiệu quả nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Nguyên tắc là nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, vì mục đích chung, bảo đảm an sinh xã hội, phục vụ Nhân dân, bảo đảm công việc của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn được giải quyết kịp thời, nhanh chóng, đúng pháp luật...”, đại biểu Lò Thị Luyến đề xuất.

Cùng quan điểm, ĐBQH Đào Chí Nghĩa (Cần Thơ), tán thành việc dự thảo Luật quy định trách nhiệm của UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, trong trường hợp cần thiết, trực tiếp chỉ đạo, điều hành việc giải quyết những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp mình, UBND, Chủ tịch UBND cấp xã.
Tuy nhiên, quy định như trong dự thảo Luật chưa thể hiện rõ trách nhiệm của cấp tỉnh. “Cần làm rõ “trường hợp cần thiết” là những trường hợp nào để tăng cường trách nhiệm của cấp tỉnh trong bảo đảm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp xã, hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này”, đại biểu Đào Chí Nghĩa nói.
Đề nghị bỏ quy định chính quyền cấp xã được phân cấp cho cơ quan chuyên môn
Cũng góp ý với dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), ĐBQH Tạ Thị Yên (Điện Biên) đề nghị tiếp tục rà soát, chỉnh lý các nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của HĐND, UBND, Chủ tịch UBND các cấp trong dự thảo Luật để bảo đảm thực hiện chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền.

Đồng thời, phân định một cách hợp lý thẩm quyền của chính quyền cấp tỉnh và chính quyền cấp xã, thực hiện mục tiêu chính quyền cấp xã tập trung tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân trên địa bàn.
Liên quan tới quy định UBND cấp xã được phân cấp cho cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp mình tại Điều 13 của dự thảo Luật, đại biểu Tạ Thị Yên đề nghị không quy định nội dung này.
Bởi lẽ, "chính quyền cấp xã phải gần dân, sát dân nên UBND cấp xã cần trực tiếp thực hiện và chịu trách nhiệm về việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Nếu thực hiện phân cấp cho cơ quan chuyên môn, thì các cơ quan chuyên môn mới là chủ thể chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn. Việc này có thể tạo ra cấp trung gian trong giải quyết công việc tại cấp chính quyền cơ sở”, đại biểu Tạ Thị Yên phân tích.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị nghị cân nhắc, bổ sung quy định trong trường hợp sau khi cơ quan, tổ chức, cá nhân đã thực hiện phân cấp, nhưng xét thấy chủ thể được phân cấp không bảo đảm năng lực thực hiện thì có thể tạm thời thu hồi lại thẩm quyền đã phân cấp để trực tiếp thực hiện.
Đối với nhiệm vụ đã được ủy quyền cho chính quyền địa phương cấp xã, cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu cơ chế linh hoạt nhằm tạo điều kiện cho chính quyền địa phương cấp xã có thể đề xuất với cấp có thẩm quyền nếu thấy không đủ năng lực, điều kiện để thực hiện nhiệm vụ theo quy định.