Thành danh từ game kiếm hiệp Trung Quốc
Sinh năm 1977, ông Lê Hồng Minh – CEO của VNG từng có khoảng thời gian du học tại Úc và tốt nghiệp ngành tài chính ngân hàng tại Đại học Monash, Melbourne. Lãnh đạo của VNG từng làm việc cho những tổ chức hàng đầu trong lĩnh vực tài chính như PwC, Vina Capital.
Theo chia sẻ với truyền thông, do vốn là một “con nghiện game” chính hiệu, ông Minh đã cùng một vài người bạn thành lập quán cà phê internet nhỏ. Nhận thấy được tiềm năng của quán, ông Minh đã quyết định nghỉ việc ở Vina Capital, cùng 4 người bạn lập ra Vinagame (tiền thân của VNG hiện tại) với vốn ban đầu là 4,5 tỉ đồng, trong đó ông Minh góp 2,62 tỉ đồng.

Vào tháng 9.2004, ông gửi email cho nhà sản xuất game Trung Quốc là KingSoft hỏi thăm về giá bán game với mục đích mua lại bản quyền sử dụng ở Việt Nam.
Sau khoảng 1 tháng qua lại với KingSoft, hãng này đồng ý bán game “Kiếm Hiệp Tình Duyên” cho VNG. Khi mua được bản quyền và ra mắt tại thị trường Việt Nam, CEO VNG đã đổi tên thành Võ Lâm Truyền Kỳ.
Thời điểm Võ Lâm Truyền Kỳ được phát hành ở Việt Nam đúng vào thời điểm vàng khi nhiều game thủ đã không còn mặn mà với các tựa game như Mu online hay Gunbound.
Với việc ghi nhận 200.000 người chơi truy cập cùng một thời điểm chỉ trong vòng 1 tháng ra mắt, Võ Lâm Truyền Kỳ đã đưa Vinagame được đứng trong hàng các nhà phát triển game lớn tại Việt Nam.
Thậm chí, với việc bán thẻ cào nạp vào game, Võ Lâm Truyền kỳ mang về doanh thu lớn “nuôi sống” toàn bộ đội ngũ lãnh đạo, nhân viên của VNG thời kỳ sơ khai.
Đến năm 2009, CEO Lê Hồng Minh quyết định đổi tên Vinagame thành CTCP VNG, thể hiện tham vọng mở rộng lĩnh vực hoạt động, không chỉ dừng lại ở game mà còn mở rộng sang nhiều mảng kinh doanh khác trong lĩnh vực công nghệ.
Thực tế cho thấy, hàng loạt các sản phẩm công nghệ của VNG đã ra đời như: Zing MP3, ZingMe, Zing Chat, Zingnews, ra mắt ứng dụng nhắn tin và gọi điện trên nền tảng di động Zalo, ví điện tử ZaloPay, trợ lý ảo của Zalo mang tên Ki – Ki. Ngoài ra, VNG còn góp vốn đầu tư vào các công ty start – up công nghệ như Tiki, Telio, Ecotruck, Rocketeer…
Tham vọng về một “ứng dụng vạn năng”
Trong số các sản phẩm công nghệ mà VNG phát triển, đáng chú ý là Zalo, giới kinh doanh nhận định đây là ứng dụng mang tính chiến lược của VNG.
Trước khi Zalo ra đời, nhiều người dùng sử dụng Smartphone ở Việt Nam đều đã dùng qua ứng dụng Wechat của Trung Quốc. Bởi vậy, khi Zalo ra đời với cách trình bày ứng dụng, tính năng, thao tác sử dụng nhiều nét tương đồng với Wechat đã ngay lập tức lấy được cảm tình của người dùng. Một số ý kiến người dùng còn cảm nhận Zalo như một bản “Việt hoá” của Wechat.

Giống như WeChat ở Trung Quốc, Kakao ở Hàn Quốc và Line ở Nhật Bản, Zalo hiện tại đã trở thành một ứng dụng nhắn tin, gọi điện sử dụng phổ biến nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, trong khi WeChat và Kakao đã thành công trong việc xây dựng hệ sinh thái quanh ứng dụng chat thì Zalo vẫn chưa thực sự vươn tới đỉnh cao.
Zalo hiện có hàng chục tính năng trên nền tảng của mình nhưng thực tế chưa có ứng dụng nào trong số này trở nên phổ biến như tính năng chat. Thực tế, với việc tích hợp hàng loạt tính năng vào Zalo như: thương mại điện tử, tra cứu thời tiết, cửa hàng ăn uống, thanh toán hóa đơn điện nước và các dịch vụ liên quan chính phủ điện tử có thể thấy VNG thực sự có tham vọng về một “ứng dụng vạn năng” một ứng dụng có tất cả.

Báo cáo tài chính năm 2021 cho thấy, doanh thu quý 4.2021 của CTCP VNG đã tăng 17% so với cùng kỳ năm 2020. Lợi nhuận gộp đạt 776 tỷ đồng, tăng 24%. Tuy nhiên, các chi phí đều tăng mạnh khiến cho VNG lỗ 283 tỷ đồng sau thuế.
Quý 4 lỗ đậm, kéo kết quả kinh doanh cả năm của VNG xuống. Lũy kế cả năm 2021, công ty báo lỗ 71 tỷ đồng sau thuế trong khi năm 2020 lãi 201 tỷ đồng. Nguyên nhân thua lỗ chủ yếu đến từ CTCP Zion - đơn vị chủ quản của ví điện tử Zalo Pay - người “anh em” của Zalo.
Trong quý 3.2022, VNG tiếp tục báo lỗ sau thuế của cổ đông công ty mẹ 138 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước báo lãi 150 tỷ. Kết thúc 9 tháng, doanh thu của VNG đạt hơn 5.760 tỷ đồng, giá trị này đi ngang so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận 9 tháng đầu năm ghi nhận lỗ tới 419 tỷ đồng, giảm sâu so với số lãi 529 tỷ đồng cùng kỳ năm 2021.
Sang quý 4.2022, VNG báo lỗ sau thuế 547 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ gần 268 tỷ đồng). Lũy kế cả năm, doanh thu của VNG gần như đi ngang, đạt 7.800 tỷ đồng, nhưng lỗ sau thuế hơn 1.300 tỷ đồng (năm 2021 chỉ lỗ 71 tỷ đồng). So với kế hoạch từ ĐHĐCĐ thường niên 2022, Doanh nghiệp mới thực hiện được hơn 75% kế hoạch doanh thu, nhưng lỗ thêm 553 tỷ đồng so với kế hoạch năm.
Thời điểm 31.12.2022, VNG đang nắm 69.98% cổ phần tại CTCP Zion (đơn vị sở hữu ZaloPay) với tổng giá trị đầu tư lên tới 2.96 ngàn tỷ đồng. Con số này tăng hơn 1.000 tỷ đồng so với đầu năm và tăng thêm hơn 401 tỷ đồng so với cuối quý 3.2022.