Sớm xây dựng Danh mục phân loại xanh

- Thứ Năm, 04/04/2024, 06:01 - Chia sẻ

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tín dụng xanh hiện mới chiếm 4,5% tổng dư nợ nền kinh tế. Một trong những điểm nghẽn của tín dụng xanh là thiếu Danh mục phân loại xanh nên các ngân hàng không có cơ sở để đánh giá cụ thể đối với từng khách hàng, doanh nghiệp trong quá trình thẩm định cho vay.

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Vũ Quang
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Vũ Quang

 Dư nợ tín dụng xanh chiếm 4,5% dư nợ nền kinh tế

Sáng 3.4, Tạp chí Nhà đầu tư phối hợp Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài Nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo "Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý phát triển tín dụng xanh, trái phiếu xanh: Vấn đề cấp bách".

Tại đây, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong 7 năm qua (2017 - 2023), dư nợ tín dụng xanh của hệ thống các tổ chức tín dụng tăng trưởng bình quân hơn 22%/năm. Đến 31.12.2023, có 47 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt 620.984 tỷ đồng, tăng 24% so với cuối năm 2022, chiếm tỷ trọng khoảng 4,5% dư nợ toàn nền kinh tế, tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm tỷ trọng gần 45%) và nông nghiệp xanh (gần 30%).

Về trái phiếu xanh, theo Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2019 - 2023, Việt Nam đã phát hành khoảng 1,16 tỷ USD trái phiếu xanh. Một số trái phiếu xanh chính quyền địa phương, trái phiếu xanh doanh nghiệp được phát hành thí điểm, đặc biệt phát hành trái phiếu cho các dự án xanh có quy mô lớn như năng lượng tái tạo, vận tải xanh, bất động sản xanh.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các diễn giả tại hội thảo, thị trường tín dụng xanh, trái phiếu xanh phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và còn rất nhỏ bé so với nhu cầu huy động vốn cho chuyển đổi xanh của nước ta. Ước tính, Việt Nam cần 368 - 380 tỷ USD (tương đương 6,8% GDP/năm) cho đến năm 2040 để chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu. Các ý kiến tại hội thảo cho rằng, một trong những nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của thị trường tín dụng xanh, trái phiếu xanh là khuôn khổ pháp lý chưa hoàn thiện, đặc biệt là hiện chưa có Danh mục phân loại xanh.

Danh mục phân loại xanh là danh mục sắp xếp các loại hình dự án hoặc hạng mục của dự án mang lại lợi ích về môi trường đáp ứng các tiêu chí sàng lọc, ngưỡng và chỉ tiêu môi trường. Tại Nghị định 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường làm đầu mối, cùng các bộ, ngành xây dựng Danh mục phân loại xanh, trình Chính phủ ban hành trước 31.12.2022. Tuy nhiên, tới nay bộ tiêu chí này vẫn chưa được ban hành. 

Đơn vị nào xác nhận phân loại xanh?

Bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho biết, Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khu vực ASEAN xây dựng được một hướng dẫn thống kê về tín dụng theo phân loại xanh. Tuy nhiên,  hướng dẫn về 12 ngành xanh do Ngân hàng Nhà nước ban hành năm 2017 chưa phải là danh mục phân loại xanh quốc gia và chưa có sự thống nhất về việc phân loại lĩnh vực xanh của các bộ, ngành khác. Do đó, chưa bảo đảm xác định, thống kê đầy đủ nguồn lực tín dụng xanh của ngành ngân hàng cho nền kinh tế. Cũng vì vậy, tỷ trọng tín dụng xanh mới chiếm 4,5% dư nợ nền kinh tế.

“Cần có quy định chung về Danh mục phân loại xanh quốc gia phù hợp với phân loại ngành kinh tế và thông lệ quốc tế. Từ đó, các tổ chức tín dụng có cơ sở để đánh giá cụ thể đối với từng khách hàng, doanh nghiệp trong quá trình thẩm định cho vay; tập trung, ưu tiên bố trí nguồn vốn hợp lý tài trợ cho các dự án thuộc Danh mục phân loại xanh”, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế đề xuất.

PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết, trong quá trình xây dựng Danh mục phân loại xanh, khó khăn, vướng mắc lớn nhất là đơn vị nào sẽ xác nhận phân loại xanh?

Hiện có 3 đề xuất về tổ chức xác nhận phân loại xanh. Phương án 1 là thông qua tổ chức độc lập, cách này được các tổ chức quốc tế, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính ủng hộ. Phương án 2 là thông qua cơ quan quản lý Nhà nước (các đơn vị thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường). Phương án 3 dùng các tổ chức tín dụng trực tiếp trong quá trình thẩm định các dự án tín dụng.

Bà Nguyễn Thiên Hương, phụ trách chương trình ngân hàng bền vững, Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) cho biết, mô hình đánh giá độc lập được phần lớn các quốc gia đề xuất và khuyến nghị. Có tới 86% trái phiếu xanh phát hành vào năm 2019 được đánh giá độc lập. Tại Việt Nam, có thể giao cho các tổ chức kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp (chứng nhận sản phẩm, hệ thống quản lý) xác nhận các khía cạnh về môi trường, quản lý môi trường và xã hội và xác nhận dự án xanh. Tuy nhiên, để các tổ chức này cung cấp các đánh giá độc lập thì cần bổ sung các yếu tố năng lực liên quan đến tài chính, chuyên môn, bà Hương lưu ý.

Vũ Quang
#