Tính theo mức giá đóng cửa phiên 1.3.2024 là 27.800 đồng/cp, số cổ phiếu ông Huy đang trực tiếp sở hữu tại ngân hàng ACB có giá trị lên tới hơn 3.700 tỷ đồng.
Ngoài ra, 3 doanh nghiệp liên quan đến ông Huy là Công ty CP Đầu tư Thương mại Giang Sen, Công ty CP Đầu tư Thương mại Vân Môn và Công ty CP Đầu tư Thương mại Bách Thanh sở hữu tổng cộng157 triệu cổ phiếu ACB, tương ứng 4,04% vốn ngân hàng. Tính theo mức giá cổ phiếu ở phiên đóng cửa nêu trên, khối tài sản từ cổ phiếu mà nhóm doanh nghiệp này đang nắm giữ lên tới hơn 4.300 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, một doanh nghiệp không thể không nhắc đến khi có sự liên quan mật thiết với gia đình Chủ tịch ACB đó là CTCP Đầu tư Thương mại Hồng Hoàng (Công ty Hồng Hoàng). Năm 2023 vừa qua, CTCP Đầu tư Thương mại Hồng Hoàng gây sóng trong giới kinh doanh khi báo lãi tới gần 1.000 tỷ đồng trong khi vốn điều lệ chỉ vỏn vẹn 5 tỷ đồng.
Dữ liệu doanh nghiệp thể hiện, CTCP Hồng Hoàng được thành lập vào ngày 2.11.2016, hoạt động trong lĩnh vực tư vấn quản lý. Người đại diện theo pháp luật kiêm Tổng giám đốc là bà Phạm Thị Khánh Hồng.
Ngoài Công ty Hồng Hoàng, nữ doanh nhân sinh năm 1964 còn đứng tên Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Thương mại Nghi Lan - một pháp nhân mới được thành lập ngày 9.8.2019 và cũng có vốn điều lệ vỏn vẹn 5 tỷ đồng.
Cổ đông lớn nhất, nắm 90% vốn Nghi Lan là bà Trần Thị Minh Hà. Bà Minh Hà thường trú tại quận Phú Nhuận (TP. Hồ Chí Minh), cũng là cổ đông sáng lập của CTCP Đầu tư Thương mại Bách Thanh - pháp nhân hồi năm 2019 từng thu hút sự chú ý của giới đầu tư khi cùng hai đơn vị liên quan là CTCP Đầu tư Thương mại Vân Môn và CTCP Đầu tư Thương mại Giang Sen nhận chuyển nhượng 51,7 triệu cổ phiếu ACB có thị giá 1.600 tỷ đồng từ gia đình Chủ tịch ACB Trần Hùng Huy.
Đặc biệt, Ngày 29.10.2019, Công ty Hồng Hoàng còn gây chú ý trên thị trường khi đã huy động hơn 14 triệu trái phiếu ứng với tổng giá trị 1.402 tỷ đồng có kỳ hạn 5 năm, gấp hàng trăm lần vốn điều lệ ban đầu. Trái phiếu có hình thức không chuyển đổi, có đảm bảo bằng tài sản. Mục đích sử dụng vốn nhằm tăng quy mô nguồn vốn hoạt động, đáp ứng nhu cầu đầu tư vào các doanh nghiệp và dự án có tiềm năng.
Lãi suất phát hành thực tế của lô trái phiếu này lên tới 20%/năm và toàn bộ được phát hành cho nhà đầu tư tổ chức của nước ngoài. Mức lãi suất 20%/năm có thể nói là cao kỷ lục trên thị trường huy động trái phiếu doanh nghiệp lúc bấy giờ. Đơn vị tổ chức tư vấn, đại lý đăng ký lưu ký cho lô trái phiếu của Hồng Hoàng là Công ty TNHH Chứng khoán ACB.
Công ty Hồng Hoàng sau đó đã thế chấp 60,77 triệu cổ phiếu ACB cho bên nhận đảm bảo là Saigon Asia Credit Limited - một pháp nhân được thành lập ở Cayman Islands.
Tại phiên giao dịch ngày 30.10.2019, tức sau một ngày Công ty Hồng Hoàng huy động thành công trái phiếu, thị trường đã xuất hiện giao dịch thoả thuận hơn 60,77 triệu cổ phiếu ACB ở mức giá 23.800 đồng/cp, tương ứng giá trị giao dịch lên tới 1.446 tỷ đồng, số tiền này gần đúng bằng số tiền Hồng Hoàng vay trái phiếu.
Theo thông tin Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội,năm 2021, Công ty Hồng Hoàng lỗ sau thuế 177 tỷ đồng, khiến vốn chủ sở hữu âm 319 tỷ. Sang năm 2022, công ty báo lãi sau thuế gần 287 tỷ đồng. Đến nửa đầu năm 2023, mức lợi nhuận của công ty này tăng vọt lên 958 tỷ, gấp 3,3 lần cả năm 2022, đồng thời đưa vốn chủ sở hữu dương trở lại (863 tỷ đồng) tại ngày 30/6.
Tổng nguồn vốn của Công ty Hồng Hoàng tính tới cuối quý 2.2023 là 2.244 tỷ đồng, tăng thêm 1.171 tỷ đồng so với ngày đầu năm. Trong đó dư nợ trái phiếu là 1.122 tỷ đồng, chiếm 1/2 tổng nguồn vốn và giảm hơn 280 tỷ đồng so với thời điểm cuối 2021.