Đây là kết quả đáng chú ý của Báo cáo thường niên chuyển đổi số 2023 với chủ đề Thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, do Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) công bố sáng 9.4.
Báo cáo là ấn phẩm thường niên trong khuôn khổ Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, do Cục Phát triển doanh nghiệp chủ trì.
Chia sẻ tại sự kiện, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp Nguyễn Đức Trung cho biết, thời gian qua, tác động của các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu và suy giảm nguồn tài nguyên môi trường đã gây ra nhiều trở ngại cho các doanh nghiệp tại Việt Nam và trên toàn thế giới. Điều này đã tạo ra động lực mạnh mẽ để các doanh nghiệp tiến hành chuyển đổi sang mô hình kinh doanh mang tính bền vững.
Cùng với xu thế phát triển đó, việc kết hợp chuyển đổi số với chuyển đổi xanh, hay còn gọi là chuyển đổi kép, không chỉ bảo đảm mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp mà còn góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững cho cả doanh nghiệp và xã hội.
Nắm bắt được xu hướng tất yếu này, Chính phủ và Thủ tướng đã nhấn mạnh chuyển đổi xanh cùng với chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu của Việt Nam để phát triển nhanh, bền vững, chuyển đổi nền kinh tế từ nâu sang xanh.
Trên cơ sở đó, Cục chủ trì, phối hợp xây dựng Báo cáo thường niên chuyển đổi số doanh nghiệp năm 2023 với chủ đề “Thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh”, nhằm cung cấp thông tin và xu hướng để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số đúng hướng và hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Kết quả khảo sát 500 doanh nghiệp nhỏ và vừa ở 12 ngành nghề cho thấy, mức độ sẵn sàng chuyển đổi số có sự cải thiện đáng kể về điểm, đều đạt ngưỡng điểm trên trung bình (>2.5) với mức tăng từ 0.7 – 1.4 điểm so với năm trước.
Điều này cho thấy doanh nghiệp hoạt động trong mọi lĩnh vực đều đã và đang nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của chuyển đổi số, chủ động tích hợp các mục tiêu chuyển đổi số vào chiến lược phát triển của mình cũng như tăng cường nguồn lực cần thiết, đặc biệt nhân sự lãnh đạo hoặc đầu tư nhiều hơn vào những dự án chuyển đổi số.
“Đây là một dấu hiệu tích cực cho thấy doanh nghiệp ở tất cả các ngành nghề đều đã sẵn sàng cho bước tiến chuyển đổi số mang tính đột phá và toàn diện này”, đại diện Cục Phát triển doanh nghiệp nhận định.
Đáng chú ý, nếu như trong năm 2022, có 4 ngành bao gồm giáo dục đào tạo; bất động sản; hoạt động hành chính và hỗ trợ; nghệ thuật, vui chơi và giải trí đều đạt điểm mức độ sẵn sàng chuyển đổi số dưới trung bình (<2.5), thì trong năm 2023, tất cả các ngành đã ghi nhận sự cải thiện đáng kể về điểm mức độ sẵn sàng chuyển đổi số, đều đạt ngưỡng điểm trên trung bình (>2.5) thì năm 2023 đều vọt tăng lên trên 3 điểm.
Đặc biệt, ngành giáo dục đào tạo có sự tăng mạnh nhất, từ mức điểm 2.3 trong năm 2022 sang mức điểm 3.7 và là ngành có điểm mức độ sẵn sàng chuyển đổi số cao nhất năm 2023. Tiếp đến là ngành hoạt động chuyên môn, khoa học (3.6); dịch vụ lưu trú và ăn uống (3.6), vận tải và kho bãi (3.5)…
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo gần như không có thay đổi đáng kể về mức độ sẵn sàng chuyển đổi số, chỉ tăng 0.1 điểm so với 2022, đạt 2.9. Lý do bởi những rào cản về nguồn vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng, máy móc và thiết bị cho chuyển đổi số một cách đồng bộ, Cục Phát triển doanh nghiệp cho biết.
Cũng tại sự kiện, Giám đốc Phát triển kinh tế bền vững tại GIZ Việt Nam Dennis Quennet khẳng định, sự hỗ trợ của GIZ trong chuyển đổi số và chuyển đổi xanh không dừng lại ở buổi hội thảo công bố báo cáo này.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với Chính phủ Việt Nam và các doanh nghiệp, xây dựng khối kinh tế tư nhân vững mạnh, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp Việt điều chỉnh để đáp ứng các tiêu chuẩn mới của thị trường châu Âu và quốc tế”, ông Dennis Quennet phát biểu.