Cải cách hành chính vẫn còn dư địa

Bài cuối: Làm thế nào để cắt giảm chi phí tuân thủ

- Thứ Sáu, 24/06/2022, 05:59 - Chia sẻ

Chi phí luôn là vấn đề được quan tâm khi thực hiện các thủ tục hành chính. Đây cũng chính là điểm mà Chính phủ, các bộ, ngành địa phương hướng tới. Bởi, chi phí càng cắt giảm càng có lợi cho doanh nghiệp, nền kinh tế nói chung.

Cán bộ phải làm, hay điều doanh nghiệp muốn?

Khảo sát ý kiến doanh nghiệp cho thấy, mong muốn của họ đa phần nằm trong điều “cán bộ phải làm”. Chẳng hạn, doanh nghiệp bày tỏ mong muốn được chuyên viên xử lý hồ sơ xem xét kỹ toàn bộ hồ sơ và thông báo cho các doanh nghiệp đầy đủ một lần về những điểm cần sửa đổi, bổ sung để tránh tình trạng doanh nghiệp phải đi lại hay chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ nhiều lần.

Trách nhiệm của cán bộ hay điều doanh nghiệp muốn?
Trách nhiệm của cán bộ hay điều doanh nghiệp muốn?

Việc tăng cường thông báo qua phương thức điện tử như điện thoại, email... cũng được nhiều doanh nghiệp đề xuất nhằm hạn chế tiếp xúc cũng như giảm thiểu chi phí trực tiếp cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng bày tỏ mong muốn cán bộ sẽ cải thiện về mặt chuyên môn, thái độ, tác phong, đặc biệt là làm việc đúng giờ để tiết kiệm thời gian chờ đợi…

Như vậy, doanh nghiệp có nhu cầu được hướng dẫn cách điền đơn cụ thể, được giải thích rõ ràng về các thành phần hồ sơ và cách thực hiện. Đặc biệt là các thông tin đối với thủ tục “dắt dây” hoặc khi có thay đổi về thủ tục chính.

Đơn cử, trong thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, Nghị định số 17/2020/NĐ-CP, có hiệu lực từ 22.3.2020 quy định giao cho chủ cơ sở nghĩa vụ xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm thay cho việc thực hiện xin cấp Giấy chứng nhận kiến thức về an toàn thực phẩm theo chương trình của Bộ Công thương. Quy định này được ban hành với mục đích tăng tính chủ động cho doanh nghiệp trong khâu tập huấn và xác nhận kiến thức, giúp cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp phản ánh qua khảo sát rằng họ đã gặp vướng mắc trong việc tự tập huấn và xác nhận do chưa được cơ quan nhà nước tại địa phương hướng dẫn cụ thể.

Thực tế, việc thuê đơn vị tư vấn để chuẩn bị hồ sơ là lựa chọn của không ít doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp được khảo sát từ chối cho biết chi phí thuê đơn vị tư vấn cụ thể hoặc không thể bóc tách chi phí thực hiện thủ tục hành chính do doanh nghiệp thuê trọn gói các thủ tục khởi sự doanh nghiệp và điều kiện kinh doanh. Do vậy không thể ghi nhận phí dịch vụ trung bình cụ thể các doanh nghiệp đã chi trả cho đơn vị tư vấn và kiểm tra.

Ở khía cạnh này đã cho thấy, cần nâng cao hơn nữa tính hiệu quả trong việc trao đổi thông tin giữa cơ quan nhà nước tại địa phương và doanh nghiệp. Theo đó, các cơ quan nhà nước tại địa phương cần có những phương thức cung cấp thông tin hiệu quả hơn tới doanh nghiệp (đặc biệt cần cung cấp/chỉ dẫn tới văn bản cụ thể), đồng thời các doanh nghiệp cũng cần chủ động hơn trong việc tìm hiểu thông tin về thủ tục hành chính.

Nâng cao tỷ lệ hồ sơ trực tuyến

Từ bức tranh với nhiều gam màu sáng tối đan xen đã cho thấy, còn nhiều dư địa cho việc cải cách hành chính trong lĩnh vực này. Bên cạnh duy trì các chính sách khuyến khích việc thực hiện thủ tục như hiện nay (giảm phí/lệ phí trong giai đoạn dịch Covid-19), các cơ quan quản lý liên quan cần áp dụng các biện pháp nhằm cắt giảm chi phí trực tiếp cho doanh nghiệp bằng cách cập nhật hướng dẫn chi tiết về hồ sơ và các bước thực hiện thủ tục cũng như cân nhắc tính khả thi của việc kéo dài thời hạn của giấy phép để giúp doanh nghiệp giảm thiểu chi phí trực tiếp.

Phương án trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính bằng bản điện tử thay thế cho bản giấy để thủ tục hành chính có thể được thực hiện hoàn toàn trên môi trường điện tử (trừ trường hợp doanh nghiệp có nhu cầu nhận bản giấy).

Hiện nay, các thủ tục trong nhóm đã có thể được thực hiện trực tuyến ở mức độ 3, mức độ 4 (trong đó Cổng Dịch vụ công quốc gia đã ghi nhận Kiên Giang là địa phương cho phép thực hiện trực tuyến thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự ở mức độ 3). Do đó, nhằm tăng tỷ lệ lựa chọn dịch vụ công trực tuyến, cần mở rộng phạm vi các địa phương áp dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 cũng như tăng cường tuyên truyền về việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Cho tới thời điểm hiện tại, thủ tục hành chính áp dụng điện tử hóa mạnh nhất trong nhóm này là thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Hiện, đã có 49 tỉnh, thành phố tiếp nhận hồ sơ trực tuyến với thủ tục này so với 12 tỉnh, thành phố theo số liệu APCI 2020.

Bên cạnh việc tăng mức độ dịch vụ công trực tuyến và tuyên truyền về việc thực hiện thủ tục trực tuyến, rất cần thiết phải nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử một cách thực chất, tránh tình trạng chỉ thực hiện tốt một số bước ban đầu dẫn tới vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục. Cần có sự đồng bộ hóa giữa các hệ thống cung cấp thông tin về thủ tục hành chính và thông tin trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính (Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công trực tuyến địa phương, Cổng thông tin của cơ quan quản lý cấp trung ương và địa phương).

Sự đồng bộ này sẽ góp phần bảo đảm các thông báo được gửi tới doanh nghiệp, nhất là thông báo về việc kiểm tra thực địa phải đầy đủ, rõ ràng với các thông tin về số người của đoàn kiểm tra, thành phần đoàn kiểm tra, giờ dự kiến kiểm tra... và được gửi cho doanh nghiệp trước 2 - 3 ngày làm việc thay vì gửi vào buổi tối liền trước.

Khang Bình