Cải cách hành chính vẫn còn dư địa

Bài 1: Bức tranh nhiều gam màu sáng - tối

- Thứ Năm, 23/06/2022, 05:20 - Chia sẻ

Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính (APCI) 2021 vừa được Hội đồng Tư vấn cải cách Thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ công bố cho thấy, nhóm thủ tục hành chính liên quan đến giấy phép, chứng chỉ hành nghề, điều kiện kinh doanh tại lĩnh vực: nông nghiệp; công thương; y tế; an ninh trật tự vẫn còn dư địa cải cách nhằm giảm chi phí tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Dù đã có những cải thiện nhất định về điểm số, với chi phí trực tiếp trung bình khi thực hiện thủ tục hành chính đã giảm, song phản ánh của doanh nghiệp cho thấy, do chưa được hướng dẫn rõ ràng, cụ thể doanh nghiệp vẫn phải chuẩn bị chi phí mềm và quy trình thực hiện thủ tục trực tuyến chưa thông suốt.

Lắm giấy tờ, nhiều thủ tục

Kết quả khảo sát APCI 2021 của 7 thủ tục hành chính liên quan đến giấy phép, chứng chỉ hành nghề, điều kiện kinh doanh đạt 73,6 điểm. Điểm số này cách 26,4 điểm so với thực tiễn tốt nhất (100 điểm) với chi phí trực tiếp trung bình để thực hiện 1 thủ tục hành chính trong nhóm là hơn 4,8 triệu đồng.

Trực tuyến chưa thông

Trong số các vùng kinh tế trọng điểm, vùng phía Nam có số điểm cao nhất là 83,7 điểm; trung bình các doanh nghiệp ở vùng này chỉ mất khoảng 3,2 triệu đồng/ 1 thủ tục hành chính. Trong khi đó, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ có số điểm thấp nhất với 43,4 điểm; và các doanh nghiệp tại vùng này phải chi trả trung bình gần 9,8 triệu đồng/1 thủ tục hành chính Giấy phép, chứng chỉ hành nghề, điều kiện kinh doanh. Gia Lai được ghi nhận là địa phương có chi phí trực tiếp trung bình thấp nhất cả nước với chỉ khoảng 1,57 triệu đồng/thủ tục hành chính.

64,5 giờ là thời gian làm việc trung bình mà mỗi doanh nghiệp trên cả nước phải bỏ ra để thực hiện 1 thủ tục hành chính. Quảng Nam là địa phương có thực tiễn tốt nhất cả nước về chỉ số thành phần thời gian thực hiện nhóm thủ tục hành chính liên quan chỉ mất trung bình 10 giờ/thủ tục hành chính. Trong 5 bước thực hiện, thì bước Chuẩn bị hồ sơ chiếm nhiều thời gian nhất (51,1 giờ; tương ứng 79,2%), tiếp đến là Họp thẩm định/ Kiểm tra thực địa (7,2 giờ; tương ứng 11,2%).

Thực tế khảo sát tại các doanh nghiệp cho thấy, với các thủ tục về Giấy phép, chứng chỉ hành nghề, điều kiện kinh doanh, doanh nghiệp thường phải mất nhiều thời gian cho việc thực hiện các công việc bao gồm tập huấn, bồi dưỡng kiến thức và thu thập các loại giấy tờ theo yêu cầu. Chẳng hạn, trong 7 thủ tục hành chính thuộc nhóm này, có đến 5/7 thủ tục hành chính yêu cầu thực hiện thủ tục “dắt dây” tại bước Chuẩn bị hồ sơ; 4 thủ tục hành chính yêu cầu tập huấn hoặc có bằng cấp về kiến thức chuyên môn.

Đại diện một phòng khám nội cơ xương khớp tại Hà Nội phản ánh, trong quá trình Kiểm tra thực địa, việc thông báo về việc kiểm tra thực địa tương đối muộn (tin nhắn nhận được vào tối liền trước ngày kiểm tra) và thông tin không rõ ràng (không rõ số lượng cán bộ, giờ kiểm tra cụ thể); hướng dẫn về việc bố trí cơ sở vật chất còn chưa rõ ràng dẫn đến việc doanh nghiệp được yêu cầu phải thực hiện một số công việc bổ sung… Đặc biệt, doanh nghiệp cũng cho biết đã mất 8 triệu “chi phí mềm” cho đoàn kiểm tra.

Nhiều doanh nghiệp phản ánh, hướng dẫn trên cổng thông tin của các cơ quan nhà nước về thành phần hồ sơ còn chưa được cập nhật hoặc còn khó hiểu; cán bộ có thái độ chưa thân thiện, chưa làm việc đúng giờ, hoặc chưa nắm vững chuyên môn, chưa hướng dẫn được người dân khi thực hiện thủ tục lần đầu. Từ đó, khiến người dân mất nhiều thời gian chờ đợi cũng như chuẩn bị hồ sơ hoặc phải chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ tại các bước sau.

Trực tuyến chưa… thông

Khảo sát ghi nhận nhóm thủ tục thuộc lĩnh vực y tế dẫn đầu về tỷ lệ các doanh nghiệp lựa chọn phương thức nộp hồ sơ thông qua phương thức trực tuyến. 3 thủ tục Cấp giấy phép hoạt động đối với phòng khám chuyên khoa thuộc thẩm quyền của Sở Y tế, đánh giá đáp ứng thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc, và đánh giá duy trì đáp ứng thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc có tỷ lệ doanh nghiệp nộp hồ sơ thông qua phương thức trực tuyến tương ứng là 9,7%, 8,1% và 5,6%.

Bên cạnh đó, thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực công thương cũng ghi nhận 5,4% doanh nghiệp lựa chọn phương thức trực tuyến khi nộp hồ sơ. Điều này thể hiện nỗ lực của ngành y tế và công thương trong việc điện tử hóa, đơn giản hóa việc thực hiện thủ tục hành chính nhằm cắt giảm chi phí trực tiếp cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, việc nộp hồ sơ trực tuyến nói riêng và thực hiện thủ tục trực tuyến nói chung trong lĩnh vực y tế vẫn còn những vướng mắc nhất định. Đơn cử, việc công khai thông tin hướng dẫn chưa thực sự cụ thể, hướng dẫn nộp hồ sơ trực tuyến chưa được rõ ràng, doanh nghiệp không rõ, cấp tỉnh hay trung ương xử lý hồ sơ, thậm chí sau khi nộp hồ sơ trực tuyến vẫn được yêu cầu nộp hồ sơ bản cứng và lệ phí trực tiếp tại cơ quan nhà nước hoặc qua đường bưu điện.

Thực tế, việc nộp hồ sơ trực tuyến có thể tương đối nhanh, từ 15 - 30 phút nhưng cũng có thể kéo dài từ 1 - 4 giờ, tùy thuộc mức độ phức tạp của hồ sơ cần sao chụp (scan). Ngoài ra, việc nộp lệ phí qua phương thức trực tuyến cũng là vấn đề được các doanh nghiệp lưu tâm khi hệ thống thanh toán trên Cổng Dịch vụ công chưa tích hợp nhiều ngân hàng vào hệ thống thanh toán trực tiếp qua thẻ ATM và phương thức ví điện tử còn chưa thực sự phổ biến, đặc biệt là với đối tượng người lớn tuổi.

Đại diện Phòng khám răng hàm mặt tại Hà Nội phản ánh, ở bước Tìm hiểu hồ sơ và Nộp hồ sơ, Cổng Dịch vụ công quốc gia và Cổng Dịch vụ công Bộ Y tế vẫn hiển thị thủ tục không thể thực hiện qua phương thức trực tuyến (Dịch vụ công mức độ 2). Do không có hướng dẫn cụ thể, doanh nghiệp đã gửi hồ sơ nhầm vào mục thủ tục cấp Bộ tại Cổng Dịch vụ công Quốc gia Bộ Y tế. Đáng lưu ý, doanh nghiệp cũng nhận định rằng việc thực hiện thủ tục trực tuyến ban đầu khá bài bản, tuy nhiên càng về các bước sau càng gặp nhiều vướng mắc. Cụ thể, sau khi nhận kết quả, doanh nghiệp cho biết tình trạng hồ sơ trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia vẫn chưa giữ nguyên trạng thái “đang xử lý” – tức chưa được cập nhật.

Khang Bình